Cuộc khủng hoảng Samsung khiến hội chứng ‘Hàng giảm giá’ lan rộng trên thị trường chứng khoán Hàn Quốc

Chứng khoán Hàn Quốc trở thành thị trường tệ nhất Châu Á trong năm nay vì hội chứng mang tên "Hàng giảm giá" (Korean DIscount).

Phiên 4/12/2024 vừa qua, chỉ số chứng khoán Hàn Quốc Kosspi Index đã giảm 2,2% trong phiên và trở thành sàn chứng khoán tệ nhất Châu Á khi giảm điểm 7% từ đầu năm đến nay.

Trong khi nhiều chuyên gia phân tích về bất ổn địa chính trị mới diễn ra gần đây khi Tổng thống Yoon Suk Yeol ban hành thiết quân luật thì tờ Business Insider (BI) cho rằng chính cuộc khủng hoảng Samsung đã khiến hội chứng "Hàng giảm giá" (Korean Discount) lan rộng trên thị trường.

Trả lời hãng tin CNBC, giám đốc Vikas Pershad của một quỹ đầu tư chứng khoán Châu Á giải thích rằng thuật ngữ "hàng giảm giá" cho thị trường Hàn Quốc phản ánh xu thế giá cổ phiếu tại đây thường được định giá thấp hơn so với thực tế.

Về lý thuyết thì đây sẽ là cơ hội đầu tư cho mọi người, nhưng các nhà đầu tư nước ngoài lại chẳng dám đổ tiền vào đây vì câu chuyện đằng sau cực kỳ phức tạp.

Cuộc khủng hoảng Samsung khiến hội chứng ‘Hàng giảm giá’ lan rộng trên thị trường chứng khoán Hàn Quốc- Ảnh 1.

Dù là nền kinh tế lớn thứ 4 Châu Á nhưng thị trường chứng khoán Hàn Quốc lại chẳng thu hút nhà đầu tư nước ngoài bằng các nước láng giềng khác.

Số liệu từ Sở giao dịch chứng khoán Hàn Quốc cho thấy chỉ số Kospi của thị trường nước này có chỉ số P/B là 0,92 còn P/E là 18,93.

Về lý thuyết, chỉ số P/B dưới 1 cho thấy giá cổ phiếu đang bị đánh giá thấp so với giá trị ghi sổ và đáng để mua. Trong khi đó chỉ số P/E cao cho thấy kỳ vọng của nhà đầu tư về tăng trưởng thu nhập trong tương lai cũng cao.

Như vậy, chứng khoán Hàn Quốc thực sự là một tiềm năng lớn nếu xét theo các chỉ số với nhà đầu tư nước ngoài, thế nhưng dòng vốn quốc tế vẫn lo ngại với thị trường này.

Vậy chuyện gì đang diễn ra ở xứ sở kimchi nơi các tập đoàn gia đình trị (Chaebol) thống trị?

Nỗi sợ Samsung

Theo các nhà phân tích, chính việc sợ hãi  các Chaebol đã khiến nhà đầu tư nước ngoài sợ hãi thị trường chứng khoán Hàn Quốc và cuộc khủng hoảng Samsung là minh chứng rõ ràng nhất.

Đích thân Chủ tịch Lee Jae Yong của Samsung đã phải thừa nhận đang có những "mối lo nghiêm trọng", nhất là trong mảng chip.

"Việc nghiên cứu công nghệ mới, vật liệu mới và quy trình mới là cần thiết, nhưng Samsung dường như chỉ tập trung vào những gì họ làm tốt, là chip nhớ. Triết lý này khiến họ mất đi lợi thế cạnh tranh", giáo sư Lee Jong Hwan tại đại học Samsung cho biết.

Báo cáo tài chính quý III/2024 cho thấy bộ phận chip tại Samsung đã giảm 40% lợi nhuận so với quý trước đó.

Trên thị trường smartphone, Samsung phải chạy đua với cả Apple lẫn Huawei khi thị phần của hãng giảm xuống chưa tới 1% tại thị trường Trung Quốc. Tập đoàn này thậm chí được cho là sắp cắt giảm nhân sự cuối năm nay ở quy mô toàn cầu.

Tình hình này càng minh chứng cho nỗi sợ của các nhà đầu tư nước ngoài với Chaebol Hàn Quốc là chính xác.

Cuộc khủng hoảng Samsung khiến hội chứng ‘Hàng giảm giá’ lan rộng trên thị trường chứng khoán Hàn Quốc- Ảnh 2.

Đầu tiên, nếu giá trị cổ phiếu luôn bị đánh giá thấp so với thực tế thì khi đổ tiền vào mua, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ rơi vào cái bẫy giá trị (Value Trap), nghĩa là giá cổ phiếu tiếp tục trì trệ như vậy mà chẳng tăng trưởng dù chỉ số P/E cực kỳ cao.

Tiếp đó, giám đốc Jiang Zhang của hãng đầu tư First Plus Asset Management cho biết điều kiện để thúc đẩy giá các cổ phiếu Hàn Quốc bùng nổ mạnh vượt các chỉ số lý thuyết là không hề có.

Những rủi ro về địa chính trị với Triều Tiên, sự hạn chế của chính phủ với dòng vốn quốc tế nhằm chống rửa tiền hay sự thao túng của các Chaebol đều khiến chứng khoán Hàn Quốc dù rẻ nhưng không hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài.

Tại Hàn Quốc, nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới này bị kiểm soát bởi hệ thống các Chaebol khi những tập đoàn lớn ảnh hưởng đến thị trường phần lớn đều là gia đình trị, tức là bị kiểm soát bởi gia tộc người sáng lập.

Những Chaebol này có thể là một hoặc một nhóm công ty sở hữu lẫn nhau vô cùng phức tạp, bao gồm những cái tên nổi tiếng như Samsung, LG, SK hay Huyndai.

Năm 2022, riêng Samsung và các công ty liên kết của hãng đã đóng góp đến 22,4% GDP cho Hàn Quốc, chứng minh sức ảnh hưởng vô cùng to lớn của các Chaebol.

Chính điều này đã khiến nhà đầu tư nước ngoài khá e dè với chứng khoán Hàn Quốc dù các chỉ số vô cùng hấp dẫn.

Giám đốc điều hành Jeremy Tan của Tiger Fund Management nhận định các Chaebol thường có cấu trúc mạng lưới doanh nghiệp cực kỳ phức tạp, dẫn đến hiệu năng quản trị kém, tính minh bạch và quyền cổ đông cũng không cao.

Nói đơn giản là dưới sự ảnh hưởng của các tập đoàn gia đình trị, các nhà đầu tư ngoài chỉ có rất ít ảnh hưởng đến quyết định chiến lược với công ty, khiến họ bị thiệt hại nếu mua cổ phiếu.

Theo giám đốc Zhang từ First Plus Asset Management, những doanh nghiệp Hàn Quốc bị chi phối bởi Chaebol có thể theo đuổi các hoạt động kinh doanh không liên quan đến mảng cốt lõi, dẫn đến thua lỗ và gây hại cho các cổ đông.

Chính vì vậy cuộc khủng hoảng Samsung đang làm hội chứng "Hàng giảm giá" trên thị trường chứng khoán Hàn Quốc lan rộng.

Cuộc khủng hoảng Samsung khiến hội chứng ‘Hàng giảm giá’ lan rộng trên thị trường chứng khoán Hàn Quốc- Ảnh 3.

Mất tiền

Cũng theo ông Zhang, các chủ doanh nghiệp Hàn Quốc thường coi tiền công ty là của họ chứ không phải của cổ đông nên thường tự ý sử dụng gây thiệt hại cho các nhà đầu tư.

Chính điều này đã dẫn đến tình trạng cổ tức rất thấp hoặc không có, một trong những nguyên nhân khiến nhà đầu tư nước ngoài chê bai chứng khoán Hàn Quốc.

Giám đốc Zhang cho hay tỷ lệ chi trả cổ tức trung bình tại doanh nghiệp Hàn Quốc chỉ vào khoảng 15-20%, thấp hơn nhiều so với 30% ở Trung Quốc, 40% ở Nhật Bản và thậm chí là 50% ở nhiều công ty Đông Nam Á.

Về lý thuyết, nhiều quỹ đầu tư chấp nhận giữ cổ phiếu dù không thu hút dòng vốn trên thị trường bởi họ kỳ vọng sẽ nhận được cổ tức hàng năm. Đây là chiến lược mà tỷ phú Warren Buffett thường sử dụng, đó là đầu tư dài hạn, nắm giữ cổ phiếu để ăn cổ tức, đồng thời hưởng lợi khi giá chứng khoán tăng.

Tuy nhiên trong trường hợp Hàn Quốc, giá cổ phiếu vẫn luôn bị chê bai là "hàng giảm giá" nên không tăng mạnh vượt mức chỉ số P/B, trong khi cổ tức cũng cực kỳ thấp hoặc thậm chí là không có.

Báo cáo của IHS Markit năm 2022 từng nhấn mạnh rằng ngày giao dịch không hưởng quyền tại thị trường chứng khoán Hàn Quốc thường diễn ra trước ngày công bố cổ tức.

Trong đó ngày giao dịch không hưởng quyền là thời hạn mà nhà đầu tư cần sở hữu một lượng cổ phiếu nhất định để được hưởng cổ tức.

Thông thường tại các thị trường chứng khoán lớn khác, thông báo về cổ tức và ngày giao dịch không hưởng quyền thường được công bố rộng rãi trước khi thời hạn trôi qua, nhưng ở Hàn Quốc thì ngược lại.

Chính điều này khiến các cổ đông, nhất là nhà đầu tư nước ngoài phải chịu rủi ro lớn khi không biết sẽ được hưởng bao nhiêu cổ tức.

*Nguồn: BI, CNBC