Lệnh cấm đối với các sản phẩm dầu mỏ của Nga đã được áp dụng trong khuôn khổ lệnh trừng phạt của EU. Tuy nhiên, Slovakia, Hungary và Cộng hòa Czech đã được miễn trừ lệnh cấm này để có thời gian tìm nguồn cung thay thế.
Chính phủ Cộng hòa Czech nhấn mạnh trong bối cảnh hiện tại, các bước đi mà nước này đang thực hiện nhằm đảm bảo Czech sẽ độc lập khỏi việc nhập khẩu dầu từ Nga. Theo dự kiến, các quy định miễn trừ của Cộng hòa Czech đối với việc nhập khẩu dầu của Nga sẽ kết thúc vào ngày 5/12.
Theo thống kê, Cộng hòa Czech nhập khẩu khoảng 8 triệu tấn dầu mỗi năm từ hai nguồn ước khoảng 60% qua đường ống Druzhba vận chuyển dầu từ Nga và phần còn lại qua đường ống IKL của Đức, kết nối với đường ống TAL của Italy bắt đầu từ Trieste.
Cộng hòa Czech đã tuyên bố có ý định loại bỏ sự phụ thuộc vào dầu mỏ của Nga bằng cách phát triển kết nối với đường ống TAL của Italy. Dự kiến, công suất dầu được vận chuyển đến nước này sẽ tăng gấp đôi, có thể lên tới 8 triệu tấn mỗi năm bắt đầu từ năm 2025. Trước đó, Thủ tướng Czech Petr Fiala đã tuyên bố nước này sẽ độc lập khỏi nguồn dầu mỏ của Nga chậm nhất là vào giữa năm 2025.
Theo một số nguồn tin, khí đốt Nga hiện vẫn rẻ hơn so với nhiều nguồn khác, trong khi thị trường khí đốt châu Âu đang biến động trước các diễn biến địa chính trị và nguy cơ cắt giảm nguồn cung, nhất là trong bối cảnh hợp đồng trung chuyển khí đốt qua Ukraine dự kiến kết thúc vào cuối năm nay. Thời tiết lạnh hơn ở châu Âu trong hai tuần trở lại đây cũng làm gia tăng nhu cầu sưởi ấm, dẫn đến việc sử dụng những nguồn khí đốt từ các kho dự trữ sớm hơn so với năm 2023.
Ngay sau khi xung đột Nga - Ukraine bùng phát hồi tháng 2/2022, Liên minh châu Âu đã áp đặt lệnh cấm nhập khẩu hầu hết dầu từ Nga, nhưng đường ống Druzhba được miễn trừ.
Năm 2023, dầu mỏ Nga chiếm 58% tổng lượng dầu nhập khẩu của Czech. TAL - hoạt động từ năm 1967 - thuộc sở hữu của một tập đoàn gồm 8 công ty dầu mỏ, trong đó có Mero và các tập đoàn khổng lồ toàn cầu như Shell, Eni và ExxonMobil.