"Tác giả" những công trình bề thế
Doanh nhân Hán Thành Tuấn (SN 1973) là người rất nổi tiếng ở thị trấn Bút Sơn, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa . Đại gia Tuấn là chủ của Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Tuấn Linh (viết tắt là Công ty Tuấn Linh) - đơn vị vô cùng thành công trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản địa phương.
Bên cạnh đó, dinh thự cao tầng mang đậm phong cách cổ điển, nguy nga và tráng lệ của vợ chồng ông Hán Thành Tuấn - bà Lường Thị Vóc (SN 1977) xây dựng trên khu đất rộng hàng trăm mét ở xã Hoằng Vinh, huyện Hoằng Hóa còn khiến ai nấy đi qua cũng phải dừng chân, tấm tắc khen ngợi. Chưa hết, ông Tuấn, bà Vóc còn là người đứng sau sự ra đời của khu thương mại, biệt thự hoành tráng có vị trí đắc địa, nằm ngay trung tâm huyện Hoằng Hóa, mang giá trị vô cùng lớn và là tâm điểm một thời của huyện này.
Bỏ lại đằng sau những "lùm xùm" về nguồn gốc đất xây dựng của "biệt phủ" và khu thương mại của vợ chồng ông Tuấn, điều công luận quan tâm là cách họ xây dựng nên khối tài sản "khủng" này như thế nào. "Chìa khóa" tạo ra thành công của ông Hán Thành Tuấn là "bí ẩn" chưa được khai thác, khiến cộng đồng doanh nhân khu vực không khỏi tò mò, đặc biệt khi ông mang trọng trách là Chủ tịch Hội doanh nghiệp huyện Hoằng Hóa.
Giống như bao doanh nhân khác, giữa môi trường kinh doanh đầy khắc nghiệt, ông Hán Thành Tuấn chắc hẳn đã trải qua nhiều thăng trầm trong quá trình lập nghiệp. Bằng sự bản lĩnh, nhanh nhạy và kiên cường, ông Tuấn luôn luôn thay đổi tư duy kinh doanh để không bị nhấn chìm trước khó khăn. Dẫu vậy, nói đi cũng phải nói lại, ngoài nỗ lực bản thân, sẽ là thiếu sót lớn nếu không nhắc đến sự hỗ trợ tận tình từ phía các đối tác, khách hàng "ruột", đã chung tay góp sức đưa ông Tuấn tiến đến thời kỳ đỉnh cao.
Trong số đó, đối tác giữ vị trí ưu tiên và khó thay thế dành cho Công ty Tuấn Linh nói chung hay gia đình ông Hán Thành Tuấn nói riêng, là Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng huyện Hoằng Hóa dưới thời ông Nguyễn Văn Tú làm Giám đốc, hay UBND huyện Hoằng Hóa khi ông Lê Sỹ Nghiêm (SN 1972, quê ở huyện Hoằng Hóa) là người đứng đầu (nay là Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa).
"Lương duyên" bền chặt
Tổng hợp số liệu từ Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), dư luận hết sức kinh ngạc bởi Công ty Tuấn Linh từ năm 18 tới nay đã trúng liền tù tì 27 gói thầu xây lắp do Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng huyện Hoằng Hóa làm chủ đầu tư, đại diện chủ đầu tư hoặc mời thầu. Tổng giá trị các hợp đồng lên tới 1.500 tỷ đồng (độc lập lẫn liên danh).
Trên chặng đường 6 năm đầy "duyên nợ", 2020 có lẽ là năm "bùng cháy" nhất giữa Công ty Tuấn Linh và chính quyền huyện Hoằng Hóa, khi những thương vụ hàng trăm tỷ đồng được "dồn dập" ký kết, đem lại nguồn thu dồi dào phục vụ giai đoạn phát triển kế tiếp cho nhà thầu.
Chẳng hạn, ngày 28/4/2020, dựa trên Tờ trình số 80/TTr-BQLDA ngày 24/4/2020 của Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng huyện Hoằng Hóa do ông Nguyễn Văn Tú đứng đầu, Chủ tịch UBND huyện Hoằng Hóa Lê Sỹ Nghiêm đã ký quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn Liên danh nhà thầu Công ty Tuấn Linh và Tổng công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Minh Tuấn thực hiện Gói thầu số 05: Thi công xây dựng công trình (phần nền, móng, mặt đường, công trình thoát nước, tuy nen kỹ thuật, hoàn trả mương thủy lợi) thuộc dự án "Nâng cấp, mở rộng tuyến đường Thịnh - Đông, huyện Hoằng Hóa - giai đoạn 1" với giá trị đắt đỏ 260,39 tỷ đồng.
Trước đó, với tình tiết trùng lặp, Liên danh Công ty Tuấn Linh - Công ty Xây dựng giao thông - thủy lợi Tuấn Hùng cũng trở thành nhà thầu thi công Gói thầu số 06 thuộc dự án "Đường giao thông từ cầu Bút Sơn đi Quốc lộ 10 (tại xã Hoằng Vinh), huyện Hoằng Hóa". Quyết định 2386/QĐ-UBND ngày 17/4/2020 do Chủ tịch Lê Sỹ Nghiêm ký ban hành nêu rõ, giá trúng thầu của Liên danh này là 48.362.012.000 đồng, trong khi giá dự toán 48.742.178.000 đồng, tiết kiệm 380 triệu đồng cho bản hợp đồng hơn 48 tỷ đồng sử dụng Ngân sách Nhà nước, tương đương mức giảm giá chưa nổi 0,8%.
Đặc biệt, Công ty Xây dựng giao thông - thủy lợi Tuấn Hùng không phải cái tên xa lạ. Tại Gói thầu số 05, họ là nhà thầu phụ cho Tổng công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Minh Tuấn.
Vẫn năm đó, khi đại dịch Covid-19 hoành hành, Công ty Tuấn Linh tiếp tục nhận được phi vụ làm ăn "hời", trị giá 9,5 tỷ đồng (giá gói thầu 9,537 tỷ đồng), là Gói thầu số 02: Thi công xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật khu dân cư thôn 1, thôn 2, xã Hoằng Thịnh và thôn 4, xã Hoằng Thái, huyện Hoằng Hóa. Ông Lê Sỹ Nghiêm đồng ý giao Công ty Tuấn Linh làm theo Quyết định số 4824 ngày 15/7/2020.
Thời gian thấm thoát trôi nhanh, từ những gói thầu "lẻ tẻ" vài tỷ đồng cho đến gói thầu vài trăm tỷ đồng ở huyện Hoằng Hóa, Công ty Tuấn Linh cứ vậy mặc sức dự thầu với giá cao ngút ngàn, song tuyệt nhiên chưa một lần thua thầu khiến dư luận cảm thấy bất an, lo lắng về tính minh bạch và hiệu quả trong công tác đấu thầu ở quê hương của đại gia Hán Thành Tuấn.
Kể cả khi ông Lê Sỹ Nghiêm được điều động sang làm Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh từ giữa năm 2022, mối quan hệ giữa chính quyền huyện Hoằng Hóa và Công ty Tuấn Linh vẫn siết chặt. Tháng 5/2023, Công ty Tuấn Linh tiếp tục phá vỡ kỷ lục của chính mình, giành chiến thắng ở Gói thầu số 06: Thi công xây dựng và bảo hiểm công trình trong dự án "Đường từ Quốc lộ 10 đi Khu du lịch Hải Tiến, huyện Hoằng Hóa - giai đoạn 1", có giá 324,3 tỷ đồng với tỷ lệ tiết kiệm gọn lỏn 0,1%. Người ký quyết định lựa chọn nhà thầu là Phó Chủ tịch UBND huyện Hoàng Ngọc Dự.
Những năm gần đây, Công ty Tuấn Linh thể hiện sự phối hợp nhịp nhàng cùng một nhà thầu thân thiết của tỉnh Thanh Hóa. Nhà thầu được đề cập tới là Công ty TNHH Hoàng Tuấn của đại gia Nguyễn Duy Nở, sẽ được Báo Công Thương nhắc lại ở một dịp khác.
Trở lại với đại gia Hán Thành Tuấn, người đàn ông đến từ xã Hoằng Vinh không giữ "bí kíp" làm giàu cho riêng mình, mà từ lâu đã chia sẻ cho những thành viên trong gia đình. Điển hình là ông Hán Thành Tuân (SN 1972 - anh trai ông Tuấn) và bà Hán Thị Thúy Hải, cũng được bày cách để gây dựng lên Công ty Cổ phần Tư vấn thiết kế và Xây dựng Thanh Tùng (Công ty Thanh Tùng) vững chãi hôm nay.
Theo thống kê, đã có tối thiểu 37 gói thầu xây lắp về tay Công ty Thanh Tùng giai đoạn năm 2017 tới giờ với tổng giá trị ước tính 260 tỷ đồng. Xét về quy mô, tốc độ phát triển của Công ty Thanh Tùng chậm chạp hơn Công ty Tuấn Linh khá nhiều, cả về số lượng lẫn chất lượng. Tuy nhiên, điểm chung của họ là gần như toàn bộ gói thầu cũng đều đến từ chính quyền huyện Hoằng Hóa, phần lớn do ông Lê Sỹ Nghiêm phê duyệt với các "kịch bản" như "nhà thầu độc diễn", giảm giá rất ít.
Thu trăm tỷ đồng mỗi năm
Theo tài liệu của Báo Công Thương, năm 2018, Công ty Tuấn Linh ghi dấu ấn đặc sắc với doanh thu đạt 128 tỷ đồng, tăng gấp rưỡi so với cùng kỳ. Mặc dù các năm 2019 - 2020 sau đó doanh thu tạm chững, nhưng vẫn treo cao trên ngưỡng 110 tỷ đồng hàng năm. Điều đáng tiếc là năm 2022, khi UBND huyện Hoằng Hóa biến động về nhân sự, doanh thu của Công ty Tuấn Linh bỗng chốc giảm sút một nửa về mức 54 tỷ đồng, thấp nhất trong nhiều năm qua.
Không vì thế mà mà chùn bước trên con đường phát triển doanh nghiệp, sang năm 2023, các gói thầu hàng trăm tỷ đồng Công ty Tuấn Linh gắng gỏi có được, đã giúp nhà thầu lấy lại phong độ, quay trở lại "cuộc đua" với doanh thu đạt mức 166,4 tỷ đồng, cao nhất trong lịch sử hoạt động. Thế nhưng, nhà thầu vẫn duy trì con số lợi nhuận mỗi năm "tráng men" khoảng vài trăm triệu đồng, giúp giảm thiểu tối đa thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp cho Ngân sách Nhà nước.
Công ty Tuấn Linh có vốn điều lệ 59 tỷ đồng (trước tháng 4/2019 là 40 tỷ đồng), trong đó, ông Hán Thành Tuấn sở hữu 70% cổ phần, 30% còn lại chia đều cho ông Lê Đình Tung (SN 1972) và bà Hán Thị Thúy Nga (SN 1969). Từ ngày 7/6/2023, ông Tuấn chỉ đạo giao cho ông Hoàng Khắc Nam (SN 1989, trú tại phố Trung Sơn, thị trấn Bút Sơn, gần địa chỉ sinh sống của ông Hán Thành Tuân) làm Tổng giám đốc kiêm đại diện theo pháp luật.
Năm 2023, việc trúng nhiều gói thầu lớn kéo theo nợ phải trả của Công ty Tuấn Linh tăng vọt, gấp đôi lên 120 tỷ đồng (trước đó là 60 tỷ đồng), cao vượt trội so với vốn chủ sở hữu 66,6 tỷ đồng. Phía cấp tín dụng tích cực nhất cho Công ty Tuấn Linh là Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank) - Chi nhánh Thanh Hóa, dựa trên tài sản bảo đảm là "Toàn bộ hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh là sắt, thép, xi măng, cát, sỏi, đá... phục vụ hoạt động kinh doanh xây lắp của khách hàng đã, đang và sẽ hình thành từ phương án được MBBank cấp tín dụng của Công ty Tuấn Linh"... hay "Thế chấp khoản phải thu hình thành từ Hợp đồng thi công xây dựng công trình số 81/HĐXL-2023 ngày 22/12/2023 giữa Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Thanh Hóa và Liên danh gói thầu số 8 đê tả, hữu Lạch Trường"...
Về Công ty Thanh Tùng, các gói thầu từ huyện Hoằng Hóa cũng đưa doanh thu của nhà thầu tăng dựng đứng trong năm 2023, từ 16 tỷ đồng lên 33,2 tỷ đồng. Trước đó, năm 2021 - 2022, Công ty Thanh Tùng tỏ ra khá "hụt hơi" khi doanh thu "đổ đèo" khỏi vùng trên 30 tỷ đồng xuống vùng 15 tỷ đồng. Tương tự Công ty Tuấn Linh, khoản lãi hàng năm của Công ty Thanh Tùng đều đặn thấp đến bất thường.
Vẫn theo tài liệu của Báo Công Thương, ông Hán Thành Tuấn là 1 trong 3 cổ đông sáng lập của Công ty Cổ phần Đầu tư và du lịch Đại Dương xanh, cùng ông Nguyễn Trọng Tín (SN 1993) và ông Nguyễn Đình Dũng (SN 1986). Đây là chủ đầu tư của dự án Khu du lịch Đại Dương xanh ở thôn Đại Trường, xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hoá. Toàn bộ diện tích sử dụng đất của dự án là 68.328 m 2 .
Đồng thời, doanh nghiệp là chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cho Cụm công nghiệp Thái – Thắng có quy mô 30,75 ha ở huyện này. Nhìn chung, với tài nghệ nhạy bén, ông Hán Thành Tuấn luôn luôn hiện diện trong những thương vụ kinh tế lớn nhất của địa phương, điều đó lý giải cho sự hình thành nên khối tài sản "khủng" của vị đại gia được mệnh danh là người giàu có nhất huyện Hoằng Hóa.
Tại địa chỉ nhà riêng, vợ chồng ông Tuấn bà Vóc và con gái Hán Gia Linh (SN 2001) còn mở pháp nhân có vốn điều lệ 500 tỷ đồng, có tên là Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại LĐT.