Dán nhãn AI cho mọi đồ công nghệ

AI (trí tuệ nhân tạo) không chỉ là chức năng đơn thuần, dần trở thành điểm bán hàng (key-selling point) của các sản phẩm công nghệ, điện tử.

Dòng máy lạnh hai khe gió, tích hợp AI của LG.

Gần đây, LG ra mắt dòng máy lạnh Dual Cool mới, có chức năng phát hiện ngữ cảnh, tự động điều chỉnh hoạt động dựa trên môi trường. Hãng tích hợp AI vào ứng dụng ThinQ và xử lý các dữ liệu này độc lập. Công nghệ trí tuệ nhân tạo cũng được đưa trực tiếp vào tên sản phẩm như một cách quảng bá chức năng đặc biệt.

Cách làm tương tự cũng được hàng loạt hãng công nghệ áp dụng trong năm nay. Microsoft giới thiệu chuẩn Copilot+ PC và hầu hết máy tính mới ra mắt đều được dán nhãn này. Tương tự với Samsung. Trên các website bán hàng tại Việt Nam, bên cạnh hình ảnh sản phẩm logo Galaxy AI được đính kèm trên các dòng điện thoại có hỗ trợ.

Apple, nhà sản xuất vốn hạn chế nhắc đến AI trước đó cũng phải gắn logo Apple Intelligence cho các dòng iPhone 15/16. Trí tuệ nhân tạo đang dần trở thành một tiêu chuẩn chung trong ngành khi giới thiệu sản phẩm mới.

Thực tế, giá trị ứng dụng của các giải pháp AI không phải lúc nào cũng đủ tốt. Ví dụ, người mua điện thoại Táo khuyết mới ra mắt cũng không thể sử dụng Apple Intelligence bởi công cụ chưa hỗ trợ tiếng Việt. Máy tính Copilot+ PC tới nay mới ra mắt tính năng AI quan trọng Recall, nhưng vẫn là bản thử nghiệm.

Tương tự với dòng máy lạnh DualCool của LG. Ngoài chức năng AI tự nhận diện con người để chỉnh luồng gió, nhiều công nghệ khác của sản phẩm cần được nhấn mạnh hơn. Ví dụ, thiết bị dựa trên công suất hoạt động với nhiệt độ môi trường, xác định được người dùng có đang mở cửa hay không. Qua đó, máy tự động tắt để hạn chế thất thoát năng lượng.

Sản phẩm nói trên cũng là dòng máy lạnh có hai cửa gió, giúp cung cấp hơi mát theo đa dạng chế độ, không khiến người dùng thấy khó chịu. Những công nghệ này nên được giới thiệu đến người dùng, thay vì quá tập trung vào tính năng AI đời mới.

Tuy nhiên, theo các công ty nghiên cứu thị trường, AI đang trở thành động lực gia tăng doanh số cho nhiều ngành điện tử tiêu dùng. Các mảng máy tính, điện thoại có xu hướng tăng trưởng khi gắn thêm trí tuệ nhân tạo.

Bài học từ sự thất bại của Nokia và nhiều thương hiệu lớn.

Thật khó để các chủ doanh nghiệp tưởng tượng mọi thứ có thể bất chợt lật nhào như những gì đã diễn ra với Nokia. Cuốn sách Ảo tưởng của sự bất khả chiến bại giúp độc giả trả lời những câu hỏi như: Phải chăng những mầm mống của thất bại lúc nào cũng hiện hữu trong những thành công lâu bền? Tại sao các công ty lại thất bại ngay cả khi họ đã tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc, kinh nghiệm được đúc kết từ rất nhiều bài học của các doanh nghiệp thành công?