Theo cập nhật mới nhất từ chỉ số quyền lực hộ chiếu của Henley Passport Index, Singapore đã chính thức thay thế Nhật Bản để trở thành quốc gia có hộ chiếu quyền lực nhất thế giới. Theo đó, người sở hữu hộ chiếu Singapore có thể nhập cảnh không cần thị thực (visa) vào 192 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Theo South China Morning Post, sau 5 năm liên tiếp giữ vững vị trí số 1, Nhật Bản đã tụt xuống vị trí thứ 3 trong bảng xếp hạng này. Nguyên nhân được cho là bởi số điểm đến mà người mang hộ chiếu của đất nước “mặt trời mọc” có thể nhập cảnh không cần visa đã giảm so với năm ngoái.
Hộ chiếu Nhật Bản có thể nhập cảnh không cần thị thực vào 192 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Ảnh: Shutterstock. |
Dù có “cuốn hộ chiếu quyền lực nhất thế giới”, dường như công dân Nhật Bản lại có vẻ không mấy quan tâm. Theo South China Morning Post, chỉ khoảng 15% công dân nước này sở hữu hộ chiếu.
Một cuộc khảo sát được công ty tham vấn toàn cầu Morning Consult thực hiện vào năm 2022 cho thấy 35% số người Nhật tham gia khảo sát cho biết họ không muốn đi du lịch. Đây là con số cao nhất so với các quốc gia khác. Câu hỏi đặt ra ở đây là: “Tại sao phần lớn người Nhật lại không quan tâm đến việc làm hộ chiếu?”
Một trong những lý do được các nhà phân tích đưa ra chính là việc Nhật Bản là một quốc gia có dân số già. Theo thống kê từ Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản, tính đến ngày 15/9/2023 số người từ 65 tuổi trở lên là 36,23 triệu người. Số người từ 70 tuổi trở lên tăng 200.000 người so với năm trước lên 28,89 triệu người, chiếm 23,2% tổng dân số, tăng 0,2% so với năm trước. Số người từ 75 tuổi trở lên tăng 720.000 người lên 20,05 triệu người, lần đầu tiên vượt 20 triệu người. Theo Viện Quốc gia Nghiên cứu Dân số và An sinh Xã hội Nhật Bản, ước tính tỷ lệ dân số già tại quốc gia này sẽ lên tới 35,5% vào năm 2040.
Số người già từ 70 tuổi trở lên tăng 200.000 người so với năm trước và hiện chiếm 23,2% tổng dân số của Nhật Bản. Ảnh: AP. |
Với tình trạng dân số già hóa nhanh chóng như vậy, phần lớn người dân Nhật Bản sẽ có xu hướng đi du lịch, nghỉ dưỡng tại các điểm đến trong nước hay các nơi lân cận như Hàn Quốc, Đài Loan, Hong Kong,... Giáo sư tâm lý học và hành vi du lịch Tetsu Nakamura của Đại học Tamagawa (Tokyo, Nhật Bản) cho biết: “Nhiều người Nhật thấy du lịch nước ngoài tốn thời gian vì phải mất công lên kế hoạch cho hành trình”.
Chi phí đi lại cũng là yếu tố khiến người Nhật cân nhắc. Đồng yen chạm đáy 32 năm so với USD, trong khi nhiều người không được tăng lương sau 30 năm. Thu nhập ít hơn có thể khiến người Nhật có xu hướng ở nhà hoặc đi du lịch gần.
Ngoài ra còn một lý do khác đến từ văn hóa. Loạt sách có tên Chikyu no arukikata (tạm dịch: Cách đi bộ trên Trái Đất) là những cuốn sách bán chạy nhất tại Nhật Bản trong 35 năm qua với 8 triệu bản được xuất bản. Trong loạt sách này, các tác giả Nhật Bản đã mô tả rất kỹ về những rủi ro, những vấn nạn tiêu cực và nguy hiểm có thể xảy ra trong quá trình đi du lịch tại các điểm đến trên thế giới. Điều này vô tình khắc sâu vào tâm lý dè dặt khi muốn đi du lịch của giới trẻ Nhật Bản.
Henley Passport Index là xếp hạng hộ chiếu được cung cấp bởi Henley & Partners, một công ty tư vấn nhập cư có trụ sở ở London (Anh). Xếp hạng này theo dõi hộ chiếu của 199 quốc gia và vùng lãnh thổ và 227 điểm đến trên thế giới. Cũng theo xếp hạng của Henley, hộ chiếu Việt Nam xếp ở hạng 82, được nhập cảnh miễn thị thực vào 55 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ở vị trí này, hộ chiếu Việt Nam đồng hạng với hộ chiếu của Campuchia, Guinea-Bissau và Mali.
Sách chữa lành tại Việt Nam
Chia sẻ với Tri thức trực tuyến, đại diện FirstNews Trí Việt cho biết điểm chung của độc giả dòng sách chữa lành là người đã và đang chịu sự tổn thương mà không thể thoát ra được, hoặc không thể nói cùng ai. Lúc này, họ chọn sách chữa lành để vượt qua và phát triển bản thân. Còn đại diện truyền thông Huy Hoàng Books nhận định trước đây, độc giả thích đọc sách cuốn hút, kịch tính hoặc truyền tải thông điệp vĩ mô như nhân sinh, sắc tộc, thì giờ đây, những cuốn sách nhẹ nhàng, chữa lành tâm hồn dần có chỗ đứng riêng.