Tuyến giáp là cơ quan hình con bướm nằm ở phía trước cổ, sản xuất các hormone điều chỉnh quá trình trao đổi chất của cơ thể. Những hormone này ảnh hưởng đến gần như mọi cơ quan, tác động đến nhịp tim, nhiệt độ cơ thể và tiêu hóa.
Tuyến giáp không hoạt động bình thường có thể dẫn đến một số triệu chứng bất thường trong cơ thể.
Chia sẻ với New York Post, Tiến sĩ Kepal N. Patel, Trưởng khoa Phẫu thuật nội tiết, kiêm Đồng Chủ nhiệm bộ môn Tuyến giáp của Trung tâm y tế Langone thuộc Đại học New York (Mỹ), cho hay, hơn 12% người Mỹ sẽ mắc bệnh tuyến giáp tại một thời điểm trong đời. Trong đó, phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nam giới.
Theo thống kê đăng tải trên trang Medical News Today, tại Mỹ, các bệnh về tuyến giáp khá phổ biến. Phụ nữ có tỷ lệ mắc bệnh cao gấp 5-8 lần so với nam giới. Tính đến năm 2023, Mỹ có khoảng 20 triệu người mắc các bệnh liên quan đến tuyến giáp. Trong đó, 13 triệu người lại không biết mình mắc bệnh.
Các vấn đề về tuyến giáp được phân loại thành nhiều bệnh khác nhau, mỗi loại có các triệu chứng riêng biệt.
Tuy nhiên, nhìn chung, các dấu hiệu cảnh báo sớm, bao gồm rối loạn nhịp tim (chậm hoặc nhanh); thay đổi cân nặng không rõ nguyên nhân (tăng hoặc giảm); nhạy cảm với nhiệt độ; trầm cảm, lo lắng, mệt mỏi kéo dài và kinh nguyệt không đều.
Suy giáp là một bệnh tuyến giáp phổ biến, khi chức năng cơ quan này hoạt động kém. Các triệu chứng thường gặp của bệnh suy giáp bao gồm mệt mỏi, tăng cân và thường cảm thấy lạnh. Điều này có thể là kết quả của bệnh Hashimoto - một rối loạn tự miễn mãn tính.
Thiếu i-ốt cũng có thể là một trong những nguyên nhân dẫn đến suy giáp. Ngoài ra, căn bệnh này cũng gặp ở một số trẻ bẩm sinh đã thiếu tuyến giáp hoặc tuyến giáp kém hoạt động.
Trái với suy giáp, cường giáp là hiện tượng tuyến giáp hoạt động quá mức, có thể gây lo lắng, sụt cân, tim đập nhanh và cảm thấy nóng bất thường. Hiện tượng này thường liên quan đến bệnh Graves - một tình trạng tự miễn kích thích tuyến giáp quá mức.
Cường giáp cũng có thể gây ra khi cơ quan này xuất hiện những khối u bất thường hoặc người bệnh nạp vào quá nhiều i-ốt. Theo Tiến sĩ Patel, nhận biết sớm các triệu chứng này là chìa khóa để quản lý và điều trị bệnh hiệu quả.
"Bạn nên đi khám ở các bệnh viện có chuyên khoa nội tiết, khi các triệu chứng xuất hiện liên tục mà không rõ nguyên nhân, hoặc không cải thiện dù được điều trị ban đầu", ông cho biết.
Ngoài ra, vị chuyên gia cũng khuyến cáo mọi người nên đi khám khi phát hiện cổ có những thay đổi bất thường về hình dạng.
"Mọi người cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa khi phát hiện cổ xuất hiện khối bướu trong hơn 2 tuần mà không liên quan đến các bệnh nhiễm trùng. Đặc biệt, cần đi khám ngay nếu thấy kích thước khối này tăng theo thời gian và sờ vào có cảm giác cứng", Tiến sĩ Patel khuyến cáo.
Bên cạnh đó, bệnh tuyến giáp có khả năng di truyền qua các thế hệ trong gia đình. Những ai có người thân mắc bệnh cũng cần đi khám định kỳ để được theo dõi, phát hiện và điều trị sớm.
Để hạn chế nguy cơ mắc bệnh, chuyên gia này khuyến cáo mọi người nên có một chế độ ăn cân bằng dinh dưỡng, giàu trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt và đủ i-ốt.
Tập thể dục thường xuyên, quản lý cảm xúc và kiểm tra sức khỏe định kỳ cũng là những lưu ý giúp phòng bệnh. Ngoài ra, mọi người cũng cần tránh hút thuốc, hạn chế rượu bia và giảm tiếp xúc với hóa chất độc hại để nâng cao sức khỏe tuyến giáp.