
Trẻ mầm non tại TP.HCM trong một hoạt động dạy học - Ảnh: MỸ DUNG
Trong bối cảnh nguồn kinh phí chi cho giáo dục vẫn còn eo hẹp thì đề xuất ưu tiên hướng đến bậc học đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân là một điểm mới về tư duy.
Nhìn lại một thời gian dài, đầu tư cho giáo dục ở Việt Nam chỉ tập trung cho các bậc học cao. Việc xem nhẹ hơn bậc mầm non từng thể hiện ở rất nhiều điểm bất ổn kéo dài: Thiếu chỗ học, thiếu giáo viên, chất lượng chăm sóc, quản lý chuyên môn ở bậc mầm non chưa được quan tâm đúng mức.
Tình trạng phụ huynh xếp hàng thâu đêm hay phải dùng đến lá phiếu may rủi bằng hình thức "bốc thăm" để có chỗ học mầm non cho con vẫn còn tồn tại.
Nếu quy định sĩ số trẻ mầm non/lớp là 25-30 thì ở Hà Nội và nhiều địa phương sĩ số vẫn ở mức cao, có nơi 50-60 trẻ/lớp. Các địa phương dồn lực cho việc phổ cập mầm non 5 tuổi nên trẻ 3-4 tuổi vẫn là đối tượng không được ưu tiên trong bối cảnh thiếu trường, thiếu lớp.
Không chỉ ở vùng sâu, vùng xa mà ở ngay các đô thị lớn, chỗ học cho trẻ ở lứa tuổi nhà trẻ hay mẫu giáo 3-4 tuổi vẫn thiếu, thiếu nghiêm trọng ở một số địa bàn có tốc độ gia tăng dân số, các khu công nghiệp, khu chế xuất...
Nhiều nơi trường mầm non công lập quá tải, phải trông đợi vào các nhóm, lớp tư thục. Và nhiều vụ bạo lực, ngộ độc thực phẩm, không đảm bảo điều kiện an toàn cho trẻ lại nảy sinh ở những nhóm, lớp tư thục đang bị quản lý lỏng lẻo.
Đề xuất đầu tư cho giáo dục mầm non vừa được dự thảo không chỉ cho thấy sự ưu tiên phân bổ nguồn lực, mà còn phản ánh sự thay đổi về quan điểm coi trọng hơn giáo dục ở bậc học đầu.
Với những thay đổi này, hy vọng sẽ có những thay đổi đáng kể về mạng lưới trường lớp, số lượng và chất lượng giáo viên.
Còn với các bố mẹ trẻ, điều giản dị nhất nhưng cũng từng nhọc nhằn nhất mà họ đã và đang trải qua là: tìm chỗ học cho con, sẽ có thể được giải quyết.
Cùng với đó, sẽ giảm bớt khoảng cách giữa những đứa trẻ ở những vùng miền khác nhau, trong đó trên 40% trẻ ở độ tuổi mầm non ở vùng khó khăn có cơ hội được tiếp cận với giáo dục mầm non.
Những ưu đãi và quyền được thụ hưởng một môi trường giáo dục an toàn, chất lượng cao không chỉ nghiêng về một nhóm đối tượng khá giả. Trẻ trong cơ sở giáo dục công lập hay tư thục được đảm bảo quyền ngang nhau...
Tuy vậy, với gần 70% số trẻ ở độ tuổi nhà trẻ chưa được ra lớp, khoảng 300.000 trẻ mẫu giáo 3-4 tuổi chưa được đến trường, gần 48.000 giáo viên còn thiếu tính đến năm 2030... thì việc giải quyết không chỉ dừng ở mỗi việc đầu tư kinh phí mà còn là định hướng xây dựng hệ thống các chính sách, giải pháp đồng bộ, trên một lộ trình được tính toán hợp lý.
Có như vậy mới có thể biến những kỳ vọng, mong đợi trên giấy thành hiện thực.
Và việc coi trọng hơn giáo dục mầm non, đưa bậc học này lên vị trí ưu tiên hàng đầu không chỉ cần sự thay đổi nhận thức của các nhà xây dựng chính sách mà cả những người thực thi ở các cấp.
