Đế chế độc quyền 1.000 tỷ USD của Mark Zuckerberg: Mặc sức thâu tóm, sao chép, triệt tiêu đối thủ, 3 tỷ người dùng hầu như không có cơ hội rời đi

Nhờ vị thế độc quyền của mình, Meta có thể tạo ra một môi trường nơi người dùng hầu như không có cơ hội rời đi để tìm đến một nền tảng tương đương.

Vào ngày 7/1/2021, Mark Zuckerberg thông báo rằng tài khoản Facebook của Tổng thống Trump khi đó sẽ bị khóa vô thời hạn liên quan tới việc những người ủng hộ xông vào tòa nhà Quốc hội Mỹ một ngày trước đó.

Bốn năm sau, cũng vào ngày 7/1, Zuckerberg công bố một sự đảo ngược trong chính sách kiểm duyệt nội dung của Meta: Việc kiểm tra thông tin sẽ được thay thế bằng các ghi chú cộng đồng (community notes), và các thuật toán dùng để xóa bỏ phát ngôn thù ghét sẽ bị giảm bớt. Việc kiểm duyệt nội dung giờ đây được ông xem là hành vi kiểm soát và đàn áp thông tin.

Một cách vô tình, Zuckerberg đã đưa ra lập luận mạnh mẽ nhất cho việc cần phải chia tách Meta. Nhiều phản ứng trước thông báo của ông xoay quanh việc tranh luận liệu chính sách kiểm duyệt nội dung mới hay cũ là khôn ngoan hơn. Tuy nhiên, "cuộc chiến kiểm duyệt nội dung" chỉ là vấn đề bề nổi.

Ngoại trừ những nội dung vi phạm pháp luật, không có một cách tiếp cận “đúng” hay “sai” duy nhất trong việc kiểm duyệt nội dung. Giống như nhà hàng, văn phòng hay lớp học, các nền tảng trực tuyến có thể phát triển tốt dù theo quy tắc nghiêm ngặt hay lỏng lẻo. Nhưng dù là quy tắc gì, thì cũng không nên để một cá nhân có quyền đơn phương đặt ra luật chơi cho hàng triệu, hàng tỷ người dùng.

Nói một cách đơn giản, chính sách kiểm duyệt nội dung của Meta đang bị mâu thuẫn ngay trong chính bản thân họ – cũng như các nền tảng độc quyền về phát ngôn khác. Có ba lý do vì sao các công ty độc quyền kiểm soát nội dung như Meta là mối đe dọa đối với nền dân chủ.

Thứ nhất, quy mô của nền tảng và mức độ tập trung thị trường làm gia tăng hệ quả từ từng quyết định kiểm duyệt nội dung cũng như cách thức thiết kế nền tảng. Việc gia tăng tầm quan trọng của các quyết định kiểm duyệt là điều đặc biệt đáng lo ngại, bởi như chính Zuckerberg đã thừa nhận, kiểm duyệt nội dung vốn dĩ dễ mắc sai lầm.

Khi một nền tảng phải đánh giá hàng tỷ bài đăng, chắc chắn sẽ có những nội dung bị xóa nhầm dù đáng ra phải được giữ lại, và cũng có những nội dung không bị xóa dù lẽ ra nên bị gỡ bỏ - ngay cả khi nền tảng hành động với ý định tốt nhất. Một số tài khoản sẽ bị khóa nhầm, trong khi một số khác lại bị bỏ sót.

Khi Facebook khóa tài khoản của Tổng thống Trump, có thể công ty đã hành động quá sớm hoặc quá muộn. Hoặc cũng có thể nền tảng này lẽ ra không nên khóa tài khoản đó ngay từ đầu.

Việc áp dụng các biện pháp kiểm duyệt nội dung nghiêm ngặt hơn (như chính sách của Meta vào năm 2021) hay nới lỏng hơn (như vào năm 2025) đều không làm giảm mức độ rủi ro trong các quyết định kiểm duyệt, và gần như không thể hy vọng giảm thiểu nguy cơ sai sót. Những gì chúng làm chỉ là ưu ái cho một loại sai lầm này hơn loại sai lầm khác.

Zuckerberg thừa nhận rằng đây là một “sự đánh đổi”. Cách duy nhất để giảm mức độ hệ trọng của các quyết định kiểm duyệt nội dung là tăng số lượng nền tảng cho phép nội dung được lan truyền. Nếu có 50 nền tảng như Meta, thì các quyết định riêng lẻ của mỗi công ty sẽ không còn quá quan trọng; và những sai sót không thể tránh khỏi của họ cũng sẽ không gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với diễn ngôn công chúng.

Cả năm 2021 và 2025, các tuyên bố mang tính bước ngoặt của Zuckerberg đều được đưa ra chỉ vài ngày trước lễ nhậm chức của một chính quyền mới — thời điểm ông có thể nhận thức rõ ràng nhất về những rủi ro chính trị và pháp lý từ hành động của mình.

Đến năm 2025, Zuckerberg công khai viện dẫn kết quả bầu cử gần đây để biện minh cho các thay đổi chính sách phù hợp với định hướng của chính quyền ông Trump sắp lên nắm quyền.

Khi gọi việc gỡ bỏ nội dung là “kiểm duyệt” và tuyên bố rằng “các cáo buộc về bệnh lý tâm thần hay bất thường… dựa trên giới tính hoặc xu hướng tính dục” giờ đây được cho phép, Meta đã ngả hẳn về phía chính quyền mới cả về ngôn từ lẫn chính sách cụ thể. Zuckerberg thậm chí còn tái cấu trúc đội ngũ của mình và bổ nhiệm Joel Kaplan — một người thân cận với chính quyền ông Trump — làm Giám đốc chính sách toàn cầu.

Thứ ba, các tuyên bố của Zuckerberg, cả vào năm 2021 và 2025, cho thấy mức độ quyền lực cá nhân vượt trội trong việc chi phối công chúng. Không có bất kỳ sự ủy nhiệm công khai nào cho các chính sách của mình, Zuckerberg đã tự mình ban hành các “luật chơi ngôn luận” mới cho 250 triệu người dùng Facebook và 160 triệu người dùng Instagram tại Mỹ nói riêng và hàng tỷ người dùng trên toàn cầu nói chung.

Không một chính trị gia nào — dù có được lá phiếu bầu cử hợp pháp — lại nắm trong tay quyền lực kiểm soát diễn ngôn ở mức độ như vậy. Nhờ vị thế độc quyền của mình, Meta có thể tạo ra một môi trường nơi người dùng hầu như không có cơ hội rời đi để tìm đến một nền tảng tương đương, cũng như không thể tự do cất lên tiếng nói của mình. Điều này biến Meta trở thành một "chính quyền tư nhân bất hợp pháp" - một hình thái cai quản không có sự giám sát dân chủ và không chịu trách nhiệm giải trình trước công chúng.

Đế chế độc quyền 1.000 tỷ USD của Mark Zuckerberg: Mặc sức thâu tóm, sao chép, triệt tiêu đối thủ, 3 tỷ người dùng hầu như không có cơ hội rời đi- Ảnh 1.

Như báo cáo được công bố vào đầu tuần này, Tiểu ban Tư pháp Hạ viện Mỹ về chống độc quyền đã xác định rằng Facebook đang nắm giữ quyền lực độc quyền trong lĩnh vực mạng xã hội và duy trì vị thế này bằng cách thâu tóm, sao chép hoặc triệt tiêu các đối thủ cạnh tranh.

Báo cáo cũng đề cập đến các mối lo ngại về chống độc quyền liên quan đến Amazon, Apple và Alphabet – công ty mẹ của Google – và khuyến nghị Quốc hội xem xét một loạt biện pháp khắc phục tiềm năng. Một trong số đó là “chia tách cấu trúc” (structural separation), có thể yêu cầu các công ty này chia tách một số bộ phận trong hoạt động kinh doanh. Ví dụ, Facebook có thể buộc phải bán hoặc tách biệt về mặt vận hành các dịch vụ đã mua lại như Instagram (mạng chia sẻ ảnh) và WhatsApp (ứng dụng nhắn tin).

Báo cáo cũng đề xuất rằng bất kỳ thương vụ sáp nhập nào của các công ty công nghệ lớn nên mặc định bị xem là hành vi hạn chế cạnh tranh, trừ khi các công ty có thể chứng minh rằng việc sáp nhập là vì lợi ích cộng đồng và không thể đạt được bằng cách nào khác.

THÂU TÓM, SAO CHÉP HOẶC TRIỆT TIÊU

Riêng đối với Facebook, báo cáo kết luận rằng “quyền lực độc quyền của Facebook đã ăn sâu bám rễ và khó có thể bị bào mòn bởi áp lực cạnh tranh từ các công ty mới hoặc các đối thủ hiện tại”. Facebook duy trì vị thế độc quyền của mình nhờ hiệu ứng mạng mạnh mẽ, chi phí chuyển đổi cao đối với người dùng, và lợi thế vượt trội về dữ liệu.

Đặc biệt, báo cáo nhấn mạnh rằng Facebook củng cố vị thế độc quyền của mình bằng cách xác định các đối thủ tiềm tàng có thể đe dọa công ty, rồi thâu tóm, sao chép hoặc triệt tiêu họ. Một ví dụ được nêu trong báo cáo là cuộc trao đổi vào năm 2012 giữa Mark Zuckerberg và Giám đốc tài chính của ông tại thời điểm đó liên quan đến thương vụ mua lại Instagram với giá 1 tỷ USD.

“Một cách nhìn nhận vấn đề là điều chúng ta thực sự đang mua chính là thời gian”, Zuckerberg nói, theo nội dung trong báo cáo. “Ngay cả khi có đối thủ mới xuất hiện, việc mua lại Instagram lúc này... sẽ cho chúng ta ít nhất một năm hoặc hơn để tích hợp các động lực của họ, trước khi bất kỳ ai có thể tiệm cận lại quy mô đó”.

Một người phát ngôn của công ty nói với CNBC rằng “Facebook là một câu chuyện thành công kiểu Mỹ”.

“Chúng tôi cạnh tranh với rất nhiều dịch vụ mà hàng triệu, thậm chí hàng tỷ người đang sử dụng”, người phát ngôn này cho biết trong tuyên bố. “Việc mua lại là một phần của mọi ngành công nghiệp, và đó chỉ là một trong những cách chúng tôi đổi mới công nghệ để mang lại nhiều giá trị hơn cho người dùng.

Instagram và WhatsApp đạt được những thành công vượt bậc là nhờ Facebook đã đầu tư hàng tỷ USD vào hai nền tảng này. Thị trường cạnh tranh rất mạnh mẽ tại thời điểm cả hai thương vụ diễn ra và điều đó vẫn đúng cho đến hôm nay. Các cơ quan quản lý đã xem xét kỹ lưỡng từng thương vụ và hoàn toàn không tìm thấy lý do nào để ngăn chặn chúng diễn ra vào thời điểm đó”.

MỎ VÀNG DỮ LIỆU

Báo cáo cũng chỉ ra lợi thế vượt trội của Facebook trong việc thu thập dữ liệu từ lượng người dùng khổng lồ - lớn hơn nhiều so với bất kỳ đối thủ nào trong lĩnh vực mạng xã hội.

Theo báo cáo, lợi thế về dữ liệu này có hai mặt. Với hơn 3 tỷ người dùng hàng tháng, Facebook có quyền truy cập vào lượng dữ liệu vượt xa các đối thủ. Công ty sử dụng dữ liệu này để tùy biến trải nghiệm người dùng một cách chính xác hơn, từ đó thu hút thêm người dùng và khiến họ dành nhiều thời gian hơn trên các dịch vụ của Facebook.

“Lợi thế về dữ liệu của Facebook vì thế ngày càng được khuếch đại theo thời gian, củng cố vị thế thị trường của công ty và khiến các nền tảng mới càng khó có khả năng tạo ra trải nghiệm cạnh tranh”, báo cáo nêu rõ.

Báo cáo đề xuất rằng tăng tính tương tác giữa các nền tảng cạnh tranh có thể giúp giảm bớt lợi thế dữ liệu mà Facebook đang có. Ví dụ, có thể yêu cầu rằng ứng dụng nhắn tin của một công ty phải có khả năng gửi tin nhắn đến ứng dụng của công ty khác.

“Trước hết, tính tương tác có thể ‘làm suy yếu sức mạnh của hiệu ứng mạng’ bằng cách cho phép các đối thủ mới tận dụng lợi thế hiệu ứng mạng đang tồn tại ‘ở cấp độ thị trường, chứ không phải cấp độ công ty’”, báo cáo viết. “Điều này cũng sẽ làm giảm chi phí chuyển đổi cho người dùng bằng cách đảm bảo họ không bị mất liên lạc với mạng lưới xã hội của mình khi chuyển sang một nền tảng khác”.

Theo: NYPosts