Để con cái sống cuộc đời của riêng mình

Tác giả Liêu Trí Phong mang đến những lời khuyên hữu ích cho độc giả trẻ. Giai đoạn 20-30 tuổi là khoảng thời gian quý báu để người trẻ không ngừng trau dồi bản thân, tích lũy kinh nghiệm. Những điều đó sẽ giúp bạn xây dựng nền tảng vững vàng cho tương lai.

Nuoi con hanh phuc anh 1

Cha mẹ hãy để con cái có điều kiện phát huy sở trường và có cơ hội thực hiện giấc mơ của riêng mình. Ảnh: S.N.

Ngày nay, phần lớn các bậc cha mẹ trẻ đều lo lắng về tương lai của con mình. Vì hiểu rõ những áp lực của xã hội hiện đại, họ luôn căng thẳng và lo âu, thậm chí hình dung về tương lai của con từ khi con còn chưa ra đời. Họ sốt sắng lên kế hoạch cho cuộc sống của con, cho con vào học những trường mẫu giáo tốt, đầu tư mua nhà ở gần các trường học chất lượng cao.

Khi con vào tiểu học, họ ép con phải học hành chăm chỉ, không ngừng tiến bộ, thậm chí cả cuối tuần cũng không được nghỉ ngơi. Mục tiêu đặt ra là sau sáu năm nỗ lực, con có thể vào trường cấp hai lý tưởng, tiếp theo là trường chuyên cấp ba. Họ tưởng rằng chỉ cần con tuân theo kế hoạch, mọi cánh cửa sẽ mở ra dễ dàng.

Tuy nhiên, thực tế thường không diễn ra như dự tính, và kế hoạch không thể lường trước được những biến đổi. Nhiều bậc cha mẹ chỉ mơ mộng về tương lai tươi sáng mà không suy nghĩ đến khả năng con mình không có tố chất học tập, hoặc có thể con sẽ thích chơi hơn học, không muốn nỗ lực tiến bộ.

Hơn nữa, khi bước vào tuổi dậy thì, con có thể yêu sớm và không tập trung vào việc học, dẫn đến thành tích giảm sút. Nói chung, trẻ em là những cá thể độc lập, không thể mãi mãi nghe lời cha mẹ. Một ngày nào đó, các em sẽ trưởng thành, có suy nghĩ và quan điểm riêng, và muốn xây dựng cuộc sống theo cách của mình.

Trong tình huống này, kế hoạch của cha mẹ có thể sẽ bị phá vỡ, khi con không muốn tiếp tục đi theo hướng mà cha mẹ đã định sẵn. Hệ quả là, mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái có thể chuyển từ hòa thuận sang căng thẳng, và không khí gia đình có thể trở nên nặng nề, thay vì ấm áp và hạnh phúc.

Đặc biệt khi con cái bước vào tuổi dậy thì, cha mẹ thường cảm thấy mình và con cái như trở thành kẻ thù. Nếu cha mẹ chỉ hướng đông, con cái sẽ ngay lập tức chọn phía tây; nếu cha mẹ chỉ hướng bắc, con sẽ lập tức quyết định đi về phía nam.

Đôi khi, ý tưởng ban đầu của trẻ có thể trùng với dự định của cha mẹ, nhưng ngay khi nghe cha mẹ ra lệnh, trẻ sẽ lập tức thay đổi quyết định, thậm chí từ bỏ ý định ban đầu để phản kháng. Tại sao lại như vậy? Bởi vì trẻ muốn khẳng định sự độc lập của mình với cha mẹ. Trong tình huống này, nếu cha mẹ vẫn tiếp tục cố gắng kiểm soát, trẻ sẽ càng thêm nổi loạn.

Các bậc cha mẹ thông thái nên tạo cho trẻ không gian tự lập và tự do, từ đó làm dịu đi tâm lý nổi loạn và giúp trẻ dễ dàng lắng nghe những lời khuyên hợp lý từ cha mẹ.

Cuộc chiến giữa cha mẹ và con cái đã diễn ra từ lâu, và dù dưới bất kể hình thức nào, nguyên nhân sâu xa vẫn là cha mẹ muốn con cái trở nên xuất sắc hơn mà quên mất rằng mong muốn ban đầu của họ là mong con được hạnh phúc. Tâm hồn của con trẻ đơn giản, ngây thơ và trong sáng; dù có làm gì, mục đích duy nhất của các em là tìm kiếm niềm vui.

Nếu cha mẹ không bị ám ảnh bởi việc nuôi dạy con thành những tài năng ưu tú nhất, thì mong muốn ban đầu của họ có thể trùng hợp với mục tiêu của con cái. Do đó, để xóa bỏ mâu thuẫn giữa cha mẹ với con cái và thống nhất mối quan hệ này, cha mẹ cần nhớ đến mong muốn ban đầu của mình.

Cha mẹ có thể cho rằng nếu con cái không đủ xuất sắc thì không thể đạt được hạnh phúc, nhưng đây là một hiểu lầm. Cha mẹ thường nghĩ rằng con cái phải nổi bật để trở thành người thành đạt và có cuộc sống hạnh phúc như họ tưởng tượng. Thực tế, hạnh phúc của trẻ rất đơn giản.

Khi còn nhỏ, trẻ có thể chơi với một mảnh giấy trong thời gian dài và cảm thấy hạnh phúc. Tuy nhiên, cha mẹ thường không hiểu niềm vui của con, và không hiểu lý do trẻ thích chơi với cát và bùn hơn là những đồ chơi hiện đại.

Trong quá trình trưởng thành, cha mẹ liên tục truyền đạt quan điểm của mình cho con, nhưng càng như vậy, con cái càng nổi loạn và muốn phản bác quan điểm của cha mẹ để khẳng định quan điểm của riêng mình. Vậy ai đúng ai sai? Rõ ràng, trẻ em mới là những người đúng.

Từ góc độ tâm lý học, hạnh phúc thực sự là cảm giác từ trái tim. Niềm hạnh phúc của trẻ không phụ thuộc vào sự đánh giá hay cảm nhận của người khác mà là khả năng cảm nhận hạnh phúc trong chính bản thân chúng. Vì vậy, trẻ có thể cảm thấy hạnh phúc ngay cả khi làm công việc khó khăn nhất, trong khi những đứa trẻ giàu có và có địa vị cao chưa chắc đã hạnh phúc.

Nếu như vậy, tại sao cha mẹ không buông bỏ nỗi lo lắng về tương lai của con cái, cho phép chúng tự tạo dựng hạnh phúc riêng và theo đuổi những ước mơ của mình? Khi cha mẹ tôn trọng con cái hơn và nhận thức được rằng hạnh phúc quan trọng hơn sự ưu tú, thì chỉ số hạnh phúc của trẻ sẽ được nâng cao đáng kể.