Chiều 24-12, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Anh Tuấn chủ trì buổi làm việc với các sở, ngành về triển khai thực hiện Chuyện lạ ở Quảng Nam: có 4 bệnh, phải xin xác nhận 1 bệnh cho đúng nghị quyết
Đề nghị giải quyết dứt điểm vướng mắc vụ 'có 4 bệnh yêu cầu xác nhận 1 bệnh cho đúng nghị quyết'
Liên quan vụ việc bệnh nhân mắc 4 bệnh phải xin xác nhận 1 bệnh mới được hưởng chính sách, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đề nghị trong tháng 12 này phải giải quyết dứt điểm những vướng mắc trong thực hiện nghị quyết 29.
Những ngày qua, nhiều bệnh viện ở TP Đà Nẵng được các bệnh nhân từ Quảng Nam gởi đơn yêu cầu xác nhận tình trạng bệnh hưởng chế độ trợ giúp xã hội theo nghị quyết.
Điều tréo ngoe là nhiều nơi giải quyết chính sách cho người dân không chấp nhận các bệnh án mà bệnh viện đã chẩn đoán cho bệnh nhân mà yêu cầu phải ghi đúng bệnh theo nghị quyết.
Có chồng mắc bệnh hiểm nghèo điều trị ở Bệnh viện Đà Nẵng hồi tháng 2 với bệnh án "tăng huyết áp, suy thận, nhồi máu não cũ, viêm phế quản", bà Lê Thị Liễu mang giấy tờ lên phường Vĩnh Điện, thị xã Điện Bàn làm thủ tục hưởng chính sách.
Dù theo hướng dẫn, người hưởng chính sách chỉ cần nộp bản chính hoặc bản sao chứng thực giấy ra viện, bản tóm tắt hồ sơ bệnh án được cấp trong vòng 12 tháng, tuy nhiên phường lại yêu cầu phải xin lại giấy xác nhận mới nhất của bệnh viện.
Đầu tháng 12, bà Liễu làm đơn, được bệnh viện xác nhận lại bằng văn bản bệnh án "tăng huyết áp, suy thận, nhồi máu não cũ, viêm phế quản" và bà mang giấy tờ về nhưng phường vẫn không chấp nhận, yêu cầu bà ra lại Đà Nẵng xin giấy xác nhận nội dung bệnh chỉ ghi "suy thận" theo đúng tên bệnh trong nghị quyết, còn lại bỏ hết các bệnh liên quan.
Tại cuộc họp chiều nay, ông Trần Anh Tuấn - phó chủ tịch UBND tỉnh - cho rằng nghị quyết 29 là chính sách nhân văn nhưng trong quá trình triển khai một số cán bộ làm việc quá máy móc, gây bức xúc, khó khăn cho dân.
Người bị 4 bệnh nhưng cán bộ hướng dẫn họ xin xác nhận chỉ 1 bệnh nằm trong danh mục bệnh thuộc nghị quyết là cách làm không giống ai, gây phiền hà cho dân.
Trong tháng 12 phải giải quyết toàn bộ vướng mắc
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Nam, trước đây tỉnh đã ban hành nghị quyết số 43 quy định mức hỗ trợ các đối tượng khó khăn, trong đó có đối tượng bị bệnh hiểm nghèo.
Trong nghị quyết 43 không quy định rõ từng danh mục bệnh được hưởng trợ cấp hàng tháng và chế độ bảo hiểm y tế mà chỉ nêu người mắc bệnh hiểm nghèo. Vì vậy quá trình triển khai, ngoài 42 bệnh trong danh mục bệnh hiểm nghèo được hưởng chế độ, còn có các bệnh được Sở Y tế, trung tâm y tế cấp huyện xác nhận là bệnh tương đồng với 1 trong 42 bệnh hiểm nghèo.
Vì vậy toàn tỉnh đã có hơn 5.100 đối tượng bệnh tương đồng hưởng trợ cấp theo nghị quyết số 43, bởi vậy kinh phí năm 2023 và 10 tháng năm 2024 tăng nhiều.
Tháng 10 vừa qua, HĐND tỉnh ban hành nghị quyết 29 trong đó có phụ lục nêu danh mục 42 bệnh hiểm nghèo được hưởng chế độ, mức chi ngân sách mỗi năm khoảng 95 tỉ đồng.
Sở này cho hay hiện nay, các cơ sở khám chữa bệnh có kết luận, chẩn đoán bệnh theo mã bệnh theo chuẩn mã ICD-10 nên có nhiều tên bệnh không trùng khớp với tên bệnh trong danh mục bệnh hiểm nghèo.
Có những bệnh gần đúng với tên bệnh, rất ít bệnh có tên bệnh dùng hoàn toàn như tên bệnh trong danh mục 42 bệnh nên cán bộ lao động, thương binh, xã hội không tiếp nhận hồ sơ. Và do không có chuyên môn về y tế nên cán bộ không thể giải thích cho người dân được rõ, một số cán bộ hướng dẫn chưa thấu đáo, gây bức xúc cho người dân.
Hiện có hơn 4.390 đối tượng trước đây được hưởng chính sách theo nghị quyết 43, khi chuyển sang nghị quyết 29 đang nộp hồ sơ đề nghị giải quyết. Có những bệnh tương đồng nhưng không trùng với tên trong danh mục 42 bệnh hiểm nghèo.
Nhiều ý kiến tại buổi họp cho rằng vướng mắc người dân gặp phải là do ngành y tế chưa có hướng dẫn cụ thể về các bệnh có bản chất là bệnh hiểm nghèo nhưng tên gọi không trùng với tên gọi trong danh mục 42 bệnh của nghị quyết nên các đơn vị lúng túng trong triển khai.
Kết luận buổi làm việc, ông Trần Anh Tuấn yêu cầu Sở Y tế và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh phối hợp có công văn hướng dẫn cụ thể. Trong đó phải nêu rõ danh mục các bệnh hiểm nghèo, bệnh phải điều trị thường xuyên, tốn nhiều chi phí để địa phương thực hiện theo đúng tinh thần nghị quyết 29.
Theo ông, bản chất nghị quyết 29 là hỗ trợ đúng người, đúng đối tượng, chỉ giải quyết cho những người yếu thế, khó khăn, bị bệnh hiểm nghèo điều trị thường xuyên, tốn kém nhiều chi phí.
Và ông yêu cầu ngay trong tháng 12 này phải giải quyết toàn bộ các vướng mắc, hướng dẫn, hỗ trợ địa phương thực hiện đúng quy định tại nghị quyết 29.