Đề xuất bồi thường cho khách đi tàu hỏa bị chậm, hủy chuyến

Góp ý sửa đổi Luật Đường sắt, Công an TPHCM kiến nghị Ban soạn thảo bổ sung chính sách bồi thường cho hành khách trong trường hợp tàu chậm, hủy chuyến do lỗi của đơn vị vận hành nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Chiều 31/3, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TPHCM tổ chức góp ý cho dự án Luật Đường sắt (sửa đổi), dự kiến được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9 tới đây.

Đại diện Công an TPHCM nhìn nhận dự thảo luật đã thể hiện được trách nhiệm bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn trong hoạt động đường sắt của lực lượng công an như: Kiểm tra, kiểm soát người, hàng hóa và phương tiện tham gia giao thông. Cùng với đó, lực lượng công an tham gia điều tra xác minh, giải quyết tai nạn và xử lý hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường sắt; phối hợp với các tổ chức, cá nhân liên quan đảm bảo an ninh trật tự trong hoạt động đường sắt.

Đề xuất bồi thường cho khách đi tàu hỏa bị chậm, hủy chuyến- Ảnh 1.

Đại diện Công an TPHCM nêu ý kiến góp ý dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi). Ảnh: Ngô Tùng.

Đại diện Công an TPHCM cho rằng, hoạt động đấu thầu luôn là lĩnh vực ẩn chứa nhiều yếu tố phức tạp, nhạy cảm, nếu không được quản lý chặt chẽ có thể gây nguy cơ lãng phí, thất thoát. Do đó, kiến nghị ban soạn thảo bổ sung các điều khoản về mô hình hợp tác, cơ chế đấu thầu minh bạch và quyền lợi của nhà đầu tư vào phát triển hạ tầng đường sắt.

Đáng chú ý, đối với quy định về quyền và nghĩa vụ của hành khách, đại diện Công an TPHCM kiến nghị ban soạn thảo bổ sung chính sách bồi thường cho hành khách trong trường hợp tàu chậm , hủy chuyến do lỗi của đơn vị vận hành nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

“Trong thời đại phát triển, ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo hiện nay đã mang lại hiệu quả cao, nâng cao hoạt động quản lý điều hành, chất lượng phục vụ, giảm thiểu thời gian, chi phí, cải thiện sự chính xác... Vì vậy, Công an TPHCM kiến nghị ban soạn thảo chú trọng đến việc ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo trong công tác vận hành, quản lý” - đại diện Công an TPHCM nói.

Đối với quy định quản lý hành lang bảo vệ an toàn đường sắt, đại diện UBND quận Phú Nhuận cho biết hiện nay trên địa bàn quận có hai đường dọc hai bên đường sắt. Do việc phân cấp quản lý giao cho ngành đường sắt, nên mỗi lần cần duy tu, sửa chữa thì rất phức tạp. Do đó, đại diện quận Phú Nhuận kiến nghị cần phân cấp, phân quyền cho địa phương được quyền nâng cấp, duy tu, sửa chữa để hoạt động này diễn ra thuận tiện hơn.

Đề xuất bồi thường cho khách đi tàu hỏa bị chậm, hủy chuyến- Ảnh 2.

Luật Đường sắt (sửa đổi) dự kiến được thông qua tại Kỳ họp thứ 9. Ảnh: Ngô Tùng

Ông Lê Nguyễn Hồng Quang, Trưởng ban Dân chủ - Pháp luật, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM cho biết, Quốc hội khóa XV đã thông qua nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Tuy nhiên, trong dự thảo có quy định về phát triển công nghiệp đường sắt, phương tiện giao thông đường sắt nhưng lại không đề cập đến quy định cụ thể về đường sắt tốc độ cao. Do đó, ông Quang đề nghị dự thảo luật lần này cần có một chương hoặc mục riêng về đường sắt tốc độ cao.

Theo Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TPHCM Nguyễn Trần Phượng Trân, dự kiến Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV diễn ra theo 2 đợt, khai mạc vào ngày 5/5 và bế mạc ngày 30/6. Kỳ họp lần này có nội dung khá lớn, dự kiến thông qua dự thảo 10 dự án luật, cho ý kiến 16 dự án luật, trong số đó có Luật Đường sắt.