Đèo Cả thi công thần tốc, công trình được Thủ tướng ví như “mệnh lệnh từ trái tim” về đích năm 2025

Công trình này có tổng vốn đầu tư gần 23.000 tỷ đồng (bao gồm 2 giai đoạn).

Đèo Cả thi công thần tốc, công trình được Thủ tướng ví như “mệnh lệnh từ trái tim” về đích năm 2025- Ảnh 1.

Thủ tướng phát lệnh khởi công tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh vào ngày 01/01/2024. Ảnh: TG

Đó là dự án cao tốc Đồng Lăng – Trà Lĩnh.

Đây cũng là dự án từng được Thủ tướng Phạm Minh Chính thị sát tại công trường và nhiều lần nhắc tới.

Mới đây nhất, chiều 29/3, Thủ tướng chủ trì cuộc họp về kết quả kiểm tra, đôn đốc triển khai kế hoạch hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc đến hết năm 2025 của 7 đoàn công tác do các Phó Thủ tướng Chính phủ làm trưởng đoàn.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Xây Dựng Trần Hồng Minh cho biết, dự kiến thông xe dịp 30/4 sắp tới là 228 km. Như vậy, cả nước sẽ có 2.249 km đường cao tốc được hoàn thành.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng chia sẻ, đến tháng 9/2025, toàn quốc đạt được khoảng 2.527 km. Đến cuối năm 2025, dự kiến sẽ hoàn thành các tuyến chính cao tốc, với 391 km. Như vậy, cả nước sẽ đạt 2.918 km cao tốc. Với dự án nhóm 2, bao gồm 10 dự án, trong đó có 1 dự án của Bộ Giao thông Vận tải (nay là Bộ Xây dựng) và 19 dự án của địa phương là 291 km. Theo Bộ trưởng, nếu hoàn thành nốt các dự án của địa phương này thì sẽ được 3.209 km. Bên cạnh đó, còn 2 dự án Đồng Đăng - Trà Lĩnh và Hữu Nghị - Chi Lăng. Nếu hoàn thành 2 dự án này trong năm nay thì tổng cộng số km đường cao tốc thông từ Bắc đến Nam là 3.345 km.

Đèo Cả thi công thần tốc, công trình được Thủ tướng ví như “mệnh lệnh từ trái tim” về đích năm 2025- Ảnh 2.

Công trường dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, tháng 3/2025. Ảnh: Đèo Cả

Sau khi lắng nghe các ý kiến, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị quân đội và công an rà soát công việc tại các tuyến cao tốc, đặc biệt là tuyến cao tốc Lạng Sơn - Cao Bằng. Bởi đây là tuyến rất quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh miền núi phía Bắc… Thủ tướng nhấn mạnh nếu đẩy mạnh tiến độ và rà soát tiến độ, đồng thời tất cả các chủ thể có liên quan vào cuộc tích cực thì không những 3.000 km mà có thể hoàn thành 3.300 km, tức là vượt 10% so với mục tiêu đề ra.

Người đứng đầu Chính phủ đặc biệt quan tâm đến tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh để trả nghĩa cho đồng bào làm cách mạng từ năm 1940. Theo Thủ tướng, đây là mệnh lệnh của trái tim và là trách nhiệm của mỗi cán bộ, phải nêu cao tinh thần trách nhiệm. Việc này không chỉ có cơ quan, các nhà thầu mà đòi hỏi cả hệ thống chính trị vào cuộc khi đồng thời tiến hành sắp xếp, sáp nhập tỉnh, thành phố. Thủ tướng khẳng định đây là việc "chỉ bàn làm mà không bàn lùi".

Thủ tướng nhấn mạnh việc hoàn thành ít nhất 3.000 km cao tốc vào năm 2025 là mục tiêu quan trọng theo Nghị quyết Đại hội XIII và cũng là nhiệm vụ chính trị bắt buộc, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2025 và tăng cường năng lực cạnh tranh của nền kinh tế quốc gia. Vì vậy, yêu cầu cấp thiết hiện nay là phải đẩy nhanh tiến độ và tạo bước đột phá để hoàn thành đúng thời hạn.

Đèo Cả thi công thần tốc, công trình được Thủ tướng ví như “mệnh lệnh từ trái tim” về đích năm 2025- Ảnh 3.

Thủ tướng trò chuyện, động viên cán bộ, người lao động đang thi công trên công trường dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh vào sáng 2/2/2025. Ảnh: VGP

Thủ tướng yêu cầu các địa phương, các bộ ngành, đơn vị được giao chủ đầu tư nhóm các dự án cao tốc đang chậm tiến độ, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công, nhất là khẩn trương tháo gỡ các khó khăn vướng mắc về mặt bằng và vật liệu xây dựng trong tháng 4/2025 nhằm thúc đẩy các dự án, hoàn thành mục tiêu Chính phủ đề ra.

Trên thực tế, hai dự án Đồng Đăng - Trà Lĩnh (tỉnh Cao Bằng, dài 93 km – giai đoạn 1) và Hữu Nghị - Chi Lăng (tỉnh Lạng Sơn, dài 43 km) có kế hoạch hoàn thành năm 2026, nhưng đã được 2 tỉnh này đăng ký phấn đấu thông tuyến trước ngày 31/12/2025.

Tập đoàn Đèo Cả quyết tâm thi công đưa dự án về đích

Đèo Cả thi công thần tốc, công trình được Thủ tướng ví như “mệnh lệnh từ trái tim” về đích năm 2025- Ảnh 4.

Cố vấn Trần Chủng và Cố vấn Ngô Văn Quý kiểm tra tình hình thực hiện dự án cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh, sáng 28/3. Ảnh: Đèo Cả

Dự án cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh được thực hiện theo hình thức PPP, do liên danh Tập đoàn Đèo Cả – HHV – CTCP Xây dựng Công trình 568 làm chủ đầu tư. Đây là tuyến cao tốc kết nối hai tỉnh là Lạng Sơn và Cao Bằng. Cao tốc này có tổng chiều dài 121 km, với vốn đầu tư hơn 23.000 tỷ đồng, chia làm 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 (dài 93,35km) dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2025, với tổng vốn đầu tư 14.300 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành (dự kiến cuối năm 2026), tuyến cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh sẽ giúp rút ngắn thời gian di chuyển từ Cao Bằng đến Hà Nội và ngược lại từ 6 – 7 giờ xuống còn khoảng 3,5 giờ.

Vào sáng 28/3 vừa qua, Cố vấn Trần Chủng và Cố vấn Ngô Văn Quý đã đi kiểm tra tình hình thực hiện dự án cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh. Cùng tham gia còn có ban lãnh đạo Tập đoàn Đèo Cả, đại diện các nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án (DNDA) và các nhà thầu, đơn vị tư vấn tham dự. Chuyến công tác này nhằm tìm giải pháp khắc phục thách thức địa chất và thúc đẩy tiến độ thi công để đáp ứng mục tiêu thông tuyến năm 2025.

Theo báo cáo của DNDA, tính đến nay, công tác giải phóng mặt bằng của dự án cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh đã đạt 84,055 km/93,35 km, dù một số khu vực vẫn gặp tình trạng "xôi đỗ", ảnh hưởng đến tiến độ thi công.

Tranh thủ thời tiết nắng ráo hiện nay, các nhà thầu đã huy động hơn 1.900 nhân sự và 977 máy móc thiết bị, đồng thời triển khai thi công đồng loạt trên 71 mũi. Đến nay, tổng giá trị sản lượng xây lắp đạt 1.594,43 tỷ đồng, tương đương với 14,99% giá trị hợp đồng.

Sau khi kiểm tra hiện trường, đồng thời thảo luận các giải pháp kỹ thuật xử lý những điểm nóng của dự án, đoàn công tác đã họp với Ban Điều hành dự án, cùng các nhà thầu và đơn vị tư vấn.

Hai vị cố vấn đánh giá cao nỗ lực của các bên liên quan và ghi nhận những khó khăn do địa chất phức tạp, nhất là tình trạng sạt lở đất và hang karst dọc tuyến.

Theo kế hoạch, trong tháng 4, các tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn dự kiến sẽ bàn giao toàn bộ mặt bằng. Việc này đòi hỏi các nhà thầu tăng cường nguồn lực để đảm bảo tiến độ thi công hiệu quả.

Đèo Cả thi công thần tốc, công trình được Thủ tướng ví như “mệnh lệnh từ trái tim” về đích năm 2025- Ảnh 5.

Cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh là tuyến cao tốc nối hai tỉnh Lạng Sơn và Cao Bằng, có tổng chiều dài 121 km. Ảnh: ĐVTK

Ông Phạm Duy Hiếu, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Đèo Cả cho biết, để gia tăng sản lượng, DNDA đã làm việc cụ thể với từng nhà thầu và ký cam kết tiến độ thi công từng mũi, cụ thể hóa số lượng máy móc, nhân sự. Đại diện Tập đoàn Đèo Cả nhấn mạnh việc rà soát tạm ứng vốn để tăng cường "sức đề kháng" cho các nhà thầu, giúp họ duy trì cũng như nâng cao năng lực thi công trước mùa mưa sắp tới.

Cố vấn Trần Chủng khẳng định chất lượng, tiến độ của dự án cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh được đáp ứng sẽ góp phần nâng cao uy tín thương hiệu của Đèo Cả. Ông Trần Chủng nhấn mạnh rằng cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh là mặt trận trọng điểm, vì thế mọi đơn vị cần dồn các nguồn lực để thông tuyến dự án trong năm 2025. Tập đoàn Đèo Cả là đơn vị tiên phong trong nước giải bài toán hang karst khi thi công các công trình giao thông. Đây vừa là thách thức nhưng cũng vừa là cơ hội để tiếp tục khẳng định năng lực của tập đoàn.

Ban đầu, dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh được Bộ Giao thông Vận tải lập quy hoạch có chiều dài 144 km, với tổng vốn đầu tư trên 47.000 tỷ đồng. Đây là dự án được đánh giá là rất khó về yếu tố kỹ thuật vì địa hình hiểm trở, đặc biệt là suất đầu tư rất lớn, lưu lượng thấp dẫn đến bài toán hoàn vốn khó khăn.

Tuy nhiên, với năng lực đầu tư, kinh nghiệm tổ chức giải quyết nhiều dự án khó khăn phức tạp về kỹ thuật, tài chính… Tập đoàn Đèo Cả đã đề xuất phương án điều chỉnh hướng tuyến với 4 hầm xuyên núi cùng các cầu vượt thung lũng, rút ngắn 23km chiều dài tuyến xuống còn 121 km. Tổng mức đầu tư cả 2 giai đoạn chỉ còn gần 23.000 tỷ đồng, giảm hơn một nửa so với phương án ban đầu.