Dệt may kín đơn hàng, đối mặt loạt khó khăn mới

Các doanh nghiệp (DN) dệt may cho biết đang có những tín hiệu vui khi nhiều đơn vị đã kín đơn hàng hết cuối năm. Tuy nhiên, hàng loạt vấn đề mới về nhân lực, sản xuất xanh, giảm phát thải và đáp ứng nguồn gốc, xuất xứ đang khiến nhiều DN đối mặt bài toán tối ưu chi phí khi không tự chủ được nguồn nguyên liệu.

Lo thiếu nhân lực

Theo thông tin từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) và các doanh nghiệp, cùng với đà phục hồi đơn hàng từ khách hàng lớn ở nhiều thị trường, nhiều DN trong ngành đang phải đẩy mạnh đầu tư máy móc, tuyển dụng nhân sự, bố trí tăng ca để đảm bảo tiến độ cho các đơn hàng đã ký.

Đến nay không ít DN đã kín đơn hàng đến hết năm 2024, nhiều DN có đơn hàng đến hết quý 1/2025 và có cả đơn hàng sang quý 2/2025.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Lương Văn Thư, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May Đáp Cầu, cho biết, công ty đã đủ đơn hàng cho hết năm 2024 và có đơn hàng cho những tháng đầu năm 2025. Công ty đang đàm phán những đơn hàng quan trọng cho quý 1/2025 để chốt trong những ngày tới.

Theo ông Thư, tình hình sản xuất, kinh doanh của công ty cải thiện rất nhiều so với cùng kỳ năm 2023. Số lượng đơn hàng tăng nhưng DN cũng gặp nhiều vấn đề cần giải quyết như: tuyển dụng lao động khó khăn, chi phí đầu vào tăng, khó đáp ứng các tiêu chí về xanh hoá.

“Công ty hoạt động ở Bắc Ninh, thủ phủ của nhiều doanh nghiệp ngành điện tử nên dù đang trả lương bình quân hơn 9 triệu đồng/tháng, tính cả lương thưởng là hơn 10 triệu đồng/tháng, nhưng việc tuyển dụng lao động không hề dễ. Trước đây, khi ít đơn hàng, nhiều công nhân đã chuyển sang làm cho các DN điện tử. Giờ họ đã ổn định và chỉ còn thời gian ngắn nữa đến Tết nên họ sẽ không quay lại. Sau Tết mới có hy vọng tuyển được nhiều công nhân. Hiện tại tuyển dụng nhân công rất khó”, ông Thư cho hay.

“Theo quy định của các hiệp định thương mại, để được hưởng ưu đãi thuế vào EU hay Mỹ, sản phẩm phải có xuất xứ từ vải hoặc sợi sản xuất trong nước. Tuy nhiên, hiện nguồn cung nguyên liệu trong nước còn hạn chế. Về nguyên liệu vải, DN dệt may chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu, còn lại phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu. Vì vậy, việc sớm hình thành trung tâm nguyên phụ liệu với ngành dệt may là vấn đề cần ưu tiên giải quyết cho các doanh nghiệp trong ngành”.

Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam

Nhờ nguồn khách hàng đa dạng ở nhiều thị trường lớn như Mỹ, EU, Công ty Cổ phần May Thống Nhất (huyện Tiên Lữ, Hưng Yên) cho biết, năm 2024, đơn hàng của công ty đạt khoảng 12 triệu sản phẩm, tăng khoảng 20% so với năm trước. Công ty đã nhận đủ đơn hàng của quý I/2025. Để đáp ứng số đơn hàng liên tục tăng, DN phải liên tục tuyển lao động, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng hàng sản xuất để bảo đảm tiến độ cũng như yêu cầu của đối tác.

Ông Bạch Hồng Long, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10, cho biết, Tổng công ty đã có đơn hàng dệt may đến hết năm 2024. Các đơn hàng đang gia tăng do xu thế chuyển dịch đơn hàng. Hiện Tổng công ty cũng chỉ nhận đơn hàng mới ở mức độ nhất định vì các nhà máy hầu như đã kín lịch sản xuất đến hết năm.

Lo giữ chân lao động, đáp ứng các yêu cầu mới

Theo ông Lương Văn Thư, Tổng giám đốc May Đáp Cầu, cùng với đơn hàng gia tăng, các DN cũng phải đáp ứng các tiêu chí rất ngặt nghèo về sản xuất xanh, ISO, yêu cầu về hệ thống quản trị, nguồn gốc, sản phẩm tái tạo… Những yêu cầu này cũng khiến chi phí của DN tăng rất mạnh.

Dệt may kín đơn hàng, đối mặt loạt khó khăn mới- Ảnh 1.

Doanh nghiệp dệt may đối mặt khó khăn về tuyển dụng lao động cùng các tiêu chí xanh hóa. Ảnh: Như Ý

“Trước đây khi đốt than, DN không phải mua nồi hơi điện. Giờ không được dùng khoáng sản, chuyển sang dùng điện, chi phí đầu vào rất lớn để chuyển đổi. Chưa kể giá điện vừa tăng cũng khiến DN bị đội chi phí rất nhiều, tăng thêm 5 - 7% trong khi giá bán không tăng được.

Một đơn vị 2.000 lao động của chúng tôi mỗi tháng dùng khoảng 500 triệu đồng tiền điện, giờ thêm chi phí bình quân 30 triệu đồng/tháng. Đơn hàng nhiều cũng chưa hẳn đã mừng do giá không tăng. DN phải đối mặt nhiều khó khăn”, ông Thư chia sẻ.

Ông Cao Hữu Hiếu, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), cho biết, bức tranh dệt may năm 2024 có nhiều triển vọng tươi sáng hơn năm 2023. Sau 9 tháng đầu năm 2024, doanh thu Vinatex đã đạt 73,6% kế hoạch; lợi nhuận bằng 80% kế hoạch, tăng hơn 70% so với cùng kỳ…

Theo ông Hiếu, nhiều DN trong ngành dệt may đối mặt khó khăn do thiếu lao động và sự cạnh tranh lao động gay gắt. Ở không ít DN dệt may, tỷ lệ lao động nghỉ việc trong các tháng đầu năm 2024 đã ngang bằng với cả năm 2023. Giải pháp tăng lương và chính sách đãi ngộ bằng tiền sẽ có thể làm kiệt quệ nguồn lực tài chính của DN và cũng không thể áp dụng mãi.

“Năng lực sản xuất của các đơn vị trong Tập đoàn không đồng đều, máy móc, thiết bị có tuổi thọ trên 10 năm chiếm tỷ lệ lớn. Đây cũng là rào cản trong việc tăng năng suất, cải thiện chất lượng, đặc biệt là rất khó khăn trong phát triển sản phẩm mới phù hợp với nhu cầu của thị trường. Cùng đó, phải tăng giá trị gia tăng cho sản phẩm, chuẩn bị các phương án để dịch chuyển lên các khu vực sản xuất mang lại giá trị gia tăng cao hơn”, ông Hiếu cho hay.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VITAS cho biết, ngành dệt may đang được hưởng lợi từ việc chuyển dịch đơn hàng ở một số quốc gia. Nhiều DN đã kín đơn hàng đến hết 2024 và đang đàm phán cho năm 2025. Dự báo, dệt may sẽ đạt mục tiêu trên 44 tỷ USD cho cả năm 2024.

Lãnh đạo VITAS cho biết, thách thức lớn với các DN dệt may hiện nay là việc liên quan phát triển xanh, phát triển bền vững, đặc biệt yêu cầu minh bạch và tự chủ nguyên liệu sản xuất đầu vào, cũng như việc DN phải tận dụng tốt hơn lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do.

DN đang đối mặt vấn đề tuyển dụng lao động khó khăn, cước vận tải biển vẫn cao; tiền lương, tiền điện tăng, lãi suất ngân hàng cũng tăng trở lại… Đây là những vấn đề ảnh hưởng đến giá thành sản xuất của DN trong bối cảnh giá đơn hàng không cao hơn nhiều so với năm 2023.