Tại Hội nghị trực tuyến với các địa phương về Đề án điều chỉnh Quy hoạch điện VIII, ông Phạm Đức Toàn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Điện Biên cho biết, đối với tỉnh miền núi biên giới như Điện Biên yêu cầu đặt mục tiêu tăng trưởng 2 con số giai đoạn đến năm 2025 và 2030 rất khó khăn do dư địa phát triển và tiềm năng thu hút đầu tư hạn chế. Hiện có nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm đề xuất nghiên cứu các dự phát triển năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh và đây là cơ hội để Điện Biên thu hút đầu tư, góp phần nâng cao tăng trưởng.
Lãnh đạo tỉnh Điện Biên đề xuất, Chính phủ, Bộ Công Thương rà soát quy hoạch, ưu tiên phát triển nguồn năng lượng tái tạo, đặc biệt là nguồn điện gió, điện mặt trời, giúp các địa phương khó khăn có điều kiện trong thu hút nguồn lực đầu tư để thực hiện nguồn lực tăng trưởng.
Về phía địa phương cũng rà soát bổ sung quy hoạch danh mục các dự án lưới điện truyền tải, trạm biến áp trên địa bàn tỉnh để đáp ứng mục tiêu tăng trưởng, rà soát bổ sung trong quy hoạch đảm bảo đồng bộ giữa nguồn điện và lưới điện truyền tải đảm bảo an ninh năng lượng trên địa bàn.

Dự thảo điều chỉnh Quy hoạch điện 8 được báo cáo Thường trực Chính phủ ngày 25/2 để cho ý kiến thông qua quy hoạch trước ngày 28/2 theo chỉ đạo của Thủ tướng. (Ảnh minh họa: EVN)
Ông Toàn mong muốn Bộ Công Thương ban hành khung chính sách để phát triển điện lực, năng lượng tái tạo bao gồm cơ chế đấu giá, đấu thầu để chọn nhà đầu tư, cơ chế mua bán điện trực tiếp, cơ chế thực hiện quy hoạch ngành theo đúng phân cấp, phân quyền cho UBND cấp tỉnh, hoàn thiện mô hình phát điện cạnh tranh, tạo hành lang pháp lý trong việc tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch điện VIII đồng bộ, thống nhất trong quá trình triển khai thực hiện.
Đồng thời đề nghị Chính phủ xem xét cho UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án xây dựng công trình năng lượng có phạm vi trên địa bàn hành chính cấp tỉnh. Với các dự án liên quan đến 2 địa phương, đề nghị phân cấp cho UBND tỉnh phê duyệt nhằm tạo tính chủ động, rút ngắn thời gian thực hiện cam kết của chủ đầu tư.
Tương tự, ông Huỳnh Chí Nguyện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu đề xuất Bộ Công Thương điều chỉnh bổ sung thêm trong Quy hoạch điện VIII điều chỉnh 1.000MW điện gió và 500MW điện mặt trời thay cho công suất phân bổ hiện tại vì tỉnh có tiềm năng hơn 8.000MW điện gió và 6.000MW điện mặt trời.
Trong khi đó, ông Lưu Văn Khôi, Giám đốc Sở Công Thương Đắk Lắk cho biết, thời gian qua có một số nhà đầu tư đến Đăk Lăk đề xuất khai thác công suất điện gió và điện mặt trời, các nhà đầu tư xin đầu tư hệ thống lưu trữ, nhưng hiện rà soát các văn bản quy phạm pháp luật thì chưa có. Vì thế, địa phương kiến nghị Bộ Công Thương sớm có các văn bản ban hành để có cơ sở pháp lý triển khai dự án.
Giải quyết tình huống thiếu nguồn điện đến 2030
Chủ trì hội nghị, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn đề nghị Ban soạn thảo, đặc biệt là cơ quan chủ trì Bộ Công Thương tiếp tục sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch điện VIII điều chỉnh theo đúng quy định của Luật Điện lực trình trước thời hạn, tốt nhất trong ngày 25/2.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công Thương và Viện Năng lượng phân tích và làm rõ các giải pháp đảm bảo điều chỉnh Quy hoạch điện VIII có tính khả thi cao nhất, nhất là giải quyết tình huống thiếu nguồn điện từ nay đến 2030, trực tiếp là giai đoạn 2026-2028 theo chỉ đạo của Thủ tướng. Trong đó tính toán ưu tiên phát triển nguồn điện có thời gian xây dựng nhanh đưa vào ứng dụng cho sản xuất, tiêu thụ, chú ý các dự án điện mặt trời nổi trên mặt nước, điện sinh khối, điện rác...nhưng phải theo chuẩn kỹ thuật. Đồng thời phải tính toán phát triển các nguồn linh hoạt khác như pin lưu trữ, nhập khẩu điện.. đảm bảo yêu cầu cao nhất về đảm bảo nguồn năng lượng cho quốc gia.
Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh: "Quy hoạch điện VIII điều chỉnh phải bảo đảm tính khả thi cao nhất; khẩn trương xây dựng danh mục các công trình điện lực khẩn cấp giai đoạn 2026-2030, trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt” .
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn nêu rõ việc điều chỉnh Quy hoạch điện VIII được thực hiện trên cơ sở đất nước đặt mục tiêu tăng trưởng cao hơn, 8% năm 2025 và tăng trưởng hai con số giai đoạn 2026-2030; tái khởi động dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận; tình hình địa chính trị quốc tế tiếp tục diễn biến phức tạp, tác động đến giá điện; sự phát triển của của khoa học-công nghệ, nhất là chi phí cho hệ thống lưu trữ năng lượng giảm nhanh, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo và tích hợp vào hệ thống điện quốc gia.
Bên cạnh đó, Quy hoạch điện VIII đã bộc lộ một số bất cập như thiếu cân bằng, nhất là ở khu vực miền Bắc, thiếu giải pháp quy hoạch truyền tải liên vùng, liên quốc gia, việc xác định các nguồn điện chưa bảo đảm tính khả thi.
Do nhu cầu vốn đầu tư cho ngành điện rất lớn, trung bình khoảng 27 tỷ USD mỗi năm trong giai đoạn 2026-2030, Phó Thủ tướng nhấn mạnh sự cần thiết phải có các giải pháp đột phá để huy động vốn đầu tư.