DN dệt may Top đầu phía Nam tái sinh sau “cú đấm" của gã khổng lồ Mỹ: Tự tin sẽ thu hồi toàn bộ tổn thất, chốt hợp đồng lớn cho lợi nhuận tăng 82%

HĐQT cũng thông qua việc chia cổ tức năm 2024 bằng tiền mặt với tỷ lệ 10%.

DN dệt may Top đầu phía Nam tái sinh sau “cú đấm" của gã khổng lồ Mỹ: Tự tin sẽ thu hồi toàn bộ tổn thất, chốt hợp đồng lớn cho lợi nhuận tăng 82%- Ảnh 1.

CTCP Sản xuất Kinh doanh Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (Gilimex, mã chứng khoán: GIL) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2025, thông qua kế hoạch kinh doanh với doanh thu 1.200 tỷ đồng, tăng 69% và kế hoạch lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 150 tỷ đồng, tăng 82% so với thực hiện năm 2024.

Đáng chú ý, HĐQT cũng thông qua việc chia cổ tức năm 2024 bằng tiền mặt với tỷ lệ 10%, tương đương với số tiền thực hiện ước tính khoảng 101,6 tỷ đồng. Tỷ lệ cổ tức năm 2025 dự kiến cũng là 10%.

Năm 2024, GIL ghi nhận doanh thu thuần gần 711 tỷ đồng và lợi nhuận ròng hơn 26 tỷ đồng, lần lượt giảm 24% và 8% so với năm 2023. So với kế hoạch năm đề ra, Công ty chỉ hoàn thành hơn 47% chỉ tiêu doanh thu và 26% lợi nhuận. GIL cho biết nguyên nhân chính xuất phát từ nhu cầu khách hàng sụt giảm và áp lực giảm giá cho khách hàng.

DN dệt may Top đầu phía Nam tái sinh sau “cú đấm" của gã khổng lồ Mỹ: Tự tin sẽ thu hồi toàn bộ tổn thất, chốt hợp đồng lớn cho lợi nhuận tăng 82%- Ảnh 2.

Quý 3 sẽ thu hồi được tổn thất từ tranh chấp Amazon

Dù vậy, năm 2024 có thể xem là năm bản lề cho sự “hồi sinh” trở lại của Gilimex với những định hướng kinh doanh mới.

Gilimex trước đó hoạt động chính trong lĩnh vực dệt may với các sản phẩm hộp lưu trữ, giỏ đựng đồ gặt, balo, túi xách… làm bằng vải với doanh thu lên tới hàng nghìn tỷ mỗi năm. Tình hình bất ngờ trở nên khó khăn sau khi Gilimex khởi kiện gã khổng lồ thương mại điện tử Amazon Robotics LLC vào cuối năm 2022 do vi phạm cam kết mà hai bên đã thỏa thuận.

Cụ thể, kể từ quý 3/2022, khách hàng lớn nhất của công ty là Amazon cắt đơn hàng khiến doanh thu giảm đến trên 80%, đưa doanh thu cả năm 2022 giảm 24%, lợi nhuận cốt lõi (lợi nhuận gộp – chi phí tài chính – chi phí bán hàng – chi phí quản lý doanh nghiệp) bốc hơi 97% xuống còn 12 tỷ đồng.

Năm 2023, lãi ròng của GIL tiếp tục giảm 92% và dòng tiền kinh doanh ghi nhận mức âm kỷ lục (-319 tỷ đồng).

Việc quá phụ thuộc vào một khách hàng lớn khiến doanh nghiệp ngành dệt may này trở tay không kịp. Amazon từng được xem là "người hùng" của GIL khi trở thành đối tác chính từ năm 2014 giữa bối cảnh giai đoạn dịch bệnh và thương mại điện tử bùng nổ.

GIL sau đó đã đầu tư hàng chục triệu USD vào các cơ sở sản xuất nhằm xây dựng kho chứa hàng hóa, tuyển dụng hơn 7.000 nhân viên để sản xuất hơn 1 triệu đơn vị sản phẩm hàng năm, thậm chí từ chối các khách hàng lớn khác như IKEA, Columbia Sportswear và di dời các cơ sản sản xuất, đóng gói.

Liên quan đến vụ kiện với Amazon, tại Đại hội lần này, bà Phạm Thị Ánh Nguyệt – Giám đốc GIL - cho biết dự kiến trong quý 3 năm nay Công ty sẽ thu hồi được phần tổn thất từ tranh chấp này.

Ghi nhận, GIL lập tức lỗ liên tiếp 3 quý sau cú sốc từ Amazon trước khi có lãi trở lại vào quý 4/2023, tổng lỗ hơn 63 tỷ đồng.

DN dệt may Top đầu phía Nam tái sinh sau “cú đấm" của gã khổng lồ Mỹ: Tự tin sẽ thu hồi toàn bộ tổn thất, chốt hợp đồng lớn cho lợi nhuận tăng 82%- Ảnh 3.

Ảnh: GIL lập tức lỗ liên tiếp 3 quý sau cú sốc từ Amazon trước khi có lãi trở lại vào quý 4/2023, tổng lỗ hơn 63 tỷ đồng.

Chốt được đơn hàng lớn về thú nhồi bông

Sang năm 2025, cơ sở để lên kế hoạch lợi nhuận 150 tỷ là nhờ Công ty vừa ký kết hợp tác với một khách hàng chiến lược từ cuối năm 2024. Theo ban lãnh đạo GIL, đây là đối tác tiềm năng trong lĩnh vực thú nhồi bông cho trẻ em, thuộc phân khúc cao cấp, mang lại giá trị bán hàng và doanh thu lớn.

Hiện tại, công suất mà Công ty chào bán mới chỉ đáp ứng khoảng 30% so với nhu cầu thực tế của khách hàng này. Trong khoảng 3–5 năm tới, đối tác đã đề nghị Công ty nâng công suất cung ứng lên gấp 3 lần hiện nay. Theo đó, GIL cũng dự kiến mở rộng quy mô lao động từ 3.000 người hiện tại lên khoảng 10.000 người, từ đó nâng công suất sản xuất tương ứng.

Công ty cũng dự kiến đầu tư phát triển mở rộng thêm nhà máy mới với giá trị tối đa 520 tỷ đồng thông qua mua cổ phần hoặc mua tài sản hiện hữu tại tổ chức khác với tỷ lệ sở hữu từ 51-100%.

Trước áp lực thuế quan từ Mỹ hiện nay, bà Nguyệt cũng nhấn mạnh GIL không bị ảnh hưởng nhiều do thị phần xuất khẩu sang Mỹ hiện chỉ chiếm chưa đến 10%. Thị trường chính của GIL là châu Âu.

Đại diện GIL còn thông tin thêm: “Trong 2 tuần vừa qua, dù có những lo lắng nhất định, nhưng thực tế là chúng tôi vẫn tiếp đón được nhiều khách hàng tiềm năng – đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường châu Âu. Đây là tín hiệu tích cực, cho thấy Việt Nam và khu vực miền Trung vẫn là lựa chọn ưu tiên trong mắt các nhà đầu tư ”.

GIL cho biết vẫn sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến trong nước và quốc tế liên quan đến chính sách thuế để kịp thời điều chỉnh kế hoạch bán hàng và xúc tiến đầu tư cho phù hợp.

Bên cạnh làm thú nhồi bông theo hợp đồng lớn, GIL cũng lên kế hoạch phát triển hạ tầng Khu công nghiệp tại Huế với tổng diện tích khoảng 460ha, Khu công nghiệp Gilimex Vĩnh Long với tổng diện tích khoảng 400ha, Khu công nghiệp Nghĩa Hưng, tỉnh Bắc Giang với tổng diện tích 148,68 ha.

Song song, GIL sẽ phát triển các Khu công nghiệp tại miền Bắc, miền Trung và miền Nam; Phát triển dịch vụ để phục vụ cho Khu công nghiệp như nhà xưởng cho thuê, kho cho thuê, dịch vụ logistics.

DN dệt may Top đầu phía Nam tái sinh sau “cú đấm" của gã khổng lồ Mỹ: Tự tin sẽ thu hồi toàn bộ tổn thất, chốt hợp đồng lớn cho lợi nhuận tăng 82%- Ảnh 4.

Ảnh: KCN Gilimex tại Huế.

Đại hội cũng thống nhất việc miễn nhiệm thành viên Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2023-2028 đổi với ông Nguyễn Việt Cường và bầu bổ sung 1 thành viên Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2023-2028.