Doanh nghiệp ngoại tăng phủ sóng kinh doanh khách sạn tại Việt Nam

Tiếp nhận khai thác hoặc đầu tư, thâu tóm, khối ngoại đang tranh thủ giá bất động sản tốt để phủ sóng kinh doanh khách sạn ở Việt Nam.

Trung tuần tháng 4, gã khổng lồ quản lý khách sạn toàn cầu Marriott International đạt thỏa thuận tiếp nhận quản lý 7 khách sạn và resort của Vinpearl. Trong số đó, có 3 khách sạn hiện hữu tại Nha Trang, Hội An, Đà Nẵng và 4 cơ sở sẽ được xây mới với tổng cộng hơn 1.200 phòng, dự kiến hoàn tất vào 2028.

Ông Rajeev Menon, Chủ tịch Marriott International châu Á Thái Bình Dương (không bao gồm Trung Quốc đại lục) cho biết động thái nhằm giúp tập đoàn có vị thế thuận lợi đáp ứng nhu cầu về khách sạn đa dạng, tại nhiều điểm đến khắp Việt Nam. Marriott International đang điều hành 16 khách sạn và resort tại Việt Nam. Công ty định mang thêm một số thương hiệu khách sạn mới đến thị trường này như The Ritz-Carlton, Westin, Element và Courtyard by Marriott.

Những đại gia ngoại khác cũng rục rịch chuyển động để gia tăng hiện diện. Trước đó, hồi tháng 2, Lodgis Hospitality Holdings bắt tay cùng Hanwha Group (Hàn Quốc) để đầu tư và quản lý các dự án khách sạn ở châu Á, bao gồm Việt Nam.

Thành lập năm 2016 bởi Warburg Pincus, VinaCapital và ông Don Lâm, Lodgis vốn không phải cái tên xạ lạ ở Việt Nam khi đang sở hữu Sofitel Legend Metropole (Hà Nội), cổ đông lớn của The Grand Hồ Tràm Strip (Vũng Tàu), quản lý hơn 1.950 phòng dưới các thương hiệu Maia Resort, Ixora và Hiive. Tổng cộng, họ có 11 khách sạn và resort thuộc quyền sở hữu và quản lý tại Việt Nam, Campuchia. Công ty kỳ vọng tổng lượng phòng vận hành đạt 10.000 vào 2025.

Các resort ven biển Đà Nẵng nhìn từ buồng lái một máy bay. Ảnh: Nguyễn Đông

Các resort ven biển Đà Nẵng nhìn từ buồng lái một máy bay. Ảnh: Nguyễn Đông

Bình luận trên nền tảng tình báo bất động sản châu Á Mingtiandi, Trưởng bộ phận kinh doanh đầu tư khách sạn châu Á - Thái Bình Dương của JLL Nihat Ercan cho rằng lĩnh vực này vẫn tiếp tục phục hồi. "Sự quan tâm của các nhà đầu tư bất chấp rủi ro địa chính trị và kinh tế vĩ mô", ông nói.

Nhận xét riêng về thị trường Việt Nam, ông Morgan Ulaganathan, Trưởng bộ phận Dịch vụ Tài sản & Tư vấn Du lịch - Khách sạn của Colliers Việt Nam cho biết các bên tham gia thị trường đã có những "nước đi táo bạo" ngay từ lúc dịch đến nay.

Chẳng hạn, KKR đã huy động 4,3 tỷ USD ngay giữa cao điểm Covid. Bain cũng đã mua lại khách sạn riêng lẻ hay theo hệ thống, có hoặc chưa có thương hiệu. Blackstone được trích dẫn rằng mức độ hiện diện trong ngành khách sạn của họ đang ở mức thấp kỷ lục, vào khoảng 12%. "Chúng tôi ước rằng giá như danh mục đầu tư của mình lớn hơn", Blackstone nêu trong một báo cáo.

Theo các chuyên gia, nỗ lực phủ sóng của doanh nghiệp ngoại trong lĩnh vực kinh doanh khách sạn của Việt Nam đến từ thời cơ định giá tài sản tốt và chuẩn bị bàn đạp đón đầu phục hồi và phát triển du lịch trong dài hạn.

"Các quỹ đã và đang gọi vốn để đầu tư vào những tài sản khách sạn ở thời điểm có mức định giá thuận lợi, trước khi doanh thu khách sạn hồi phục hoàn toàn", ông Morgan Ulaganathan lý giải.

Đơn cử tại Đà Nẵng, Savills ghi nhận thời gian qua xuất hiện tình trạng rao bán khách sạn, tập trung trên tuyến đường ven biển quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn và trung tâm thành phố. Nguyên nhân bởi sau hơn hai năm chịu ảnh hưởng từ đại dịch, nhiều chủ sở hữu gặp khó khăn về dòng tiền.

Ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội nhận định các khách sạn rao bán hầu hết là thuộc đầu tư cá nhân, những đối tượng đầu tiên rơi vào khủng hoảng vì dịch và cũng có sản phẩm khó cạnh tranh với các sản phẩm chất lượng cao từ các nhà phát triển và điều hành chuyên nghiệp trong nước, quốc tế.

"Tuy nhiên, đây có thể xem là cơ hội từ phía người mua, để họ có thể cân nhắc kế hoạch cụ thể về quy hoạch và phát triển các dự án này để đáp ứng được xu hướng khách du lịch với chất lượng cao hơn và bền vững hơn", chuyên gia này nói.

Các thương hiệu ngoại cũng có khả năng tìm kiếm doanh thu tốt hơn, điều này giúp họ đạt được những thỏa thuận hợp tác quản lý hoặc mạnh dạn đầu tư vào Việt Nam. Báo cáo của Savills đã chỉ ra trong 6 tháng cuối năm 2022, khách sạn được quản lý bởi Pullman, Novotel, Grand Mercure có giá phòng trung bình cao hơn 40%, và công suất thuê cao hơn 8% so với các dự án thương hiệu trong nước và tự quản lý.

Đối với biệt thự nghỉ dưỡng, các thương hiệu khách sạn như Furama, Accor, InterContinental Hotels Group (IHG), Hyatt và Fusion cũng chiếm ưu thế trong nguồn cung. Hay với Marriott, trước khi tiếp tục bắt tay tháng này, họ đã nhận nâng cấp và phát triển cho 8 khách sạn của Vinpearl vào năm ngoái và tuyên bố "đang tăng trưởng mạnh mẽ".

Trong khi đó, tiềm năng hồi phục và tăng trưởng dài hạn của ngành du lịch Việt Nam là khó bỏ qua. Việt Nam ghi nhận du lịch nội địa năm qua vượt mức trước dịch, với hơn 101 triệu lượt khách. Năm nay, cả nước đặt mục tiêu đón 110 triệu lượt khách, trong đó khoảng 102 triệu lượt nội địa và 8 triệu lượt quốc tế.

Mặc dù kinh tế toàn cầu còn bất ổn, khách nước ngoài vẫn đang lên kế hoạch đến Việt Nam, theo nền tảng đặt dịch vụ du lịch Klook. Việt Nam đã đón 2,7 triệu lượt khách quốc tế trong quý I và Klook đang chứng kiến nhu cầu của khách du lịch quốc tế các nước đến Việt Nam "tăng trưởng theo cấp số nhân". Ví dụ, tăng trưởng đặt dịch vụ du lịch tại Việt Nam của khách Hàn Quốc và Singapore tăng lần lượt 70% và 300% so với quý I/2019 - tức trước dịch.

Ông Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc Điều hành mới được bổ nhiệm cho thị trường Việt Nam của Klook dự báo 2023 là năm bùng nổ đầy triển vọng cho inbound (khách quốc tế đến Việt Nam). Các điểm đến thu hút gồm Đà Nẵng, TP HCM, Hạ Long, Nha Trang, Sa Pa, Hà Nội, Phú Quốc, Hội An, Ninh Bình, Đà Lạt và Huế.

Còn theo Colliers, TP HCM sẽ cùng với Singapore, Bangkok, Bali sẽ là các thị trường dẫn đầu sự hồi phục của châu Á. "Các nền tảng cho sự phát triển du lịch nghỉ dưỡng Việt Nam rất tích cực và nhu cầu triển khai vốn rất cao. Đồng hồ đang tích tắc. Đã đến lúc bắt đầu chuẩn bị cho một mùa sôi động của các thương vụ trong năm nay", ông Morgan đánh giá.

Viễn Thông