Doanh nhân Nguyễn Thành Nam chỉ ra loại vốn FPT mạnh ngay từ đầu: "Chúng tôi cứ tới bắt tay, không cần thân thiết"

"Chúng ta thường cho rằng phải quen thân mới làm được việc. Nhưng trên thực tế, chúng ta dễ nhờ vả người quen sơ hơn là người thân", cựu CEO FPT Nguyễn Thành Nam cho biết.

Doanh nhân Nguyễn Thành Nam chỉ ra loại vốn FPT mạnh ngay từ đầu: "Chúng tôi cứ tới bắt tay, không cần thân thiết"- Ảnh 1.

Doanh nhân Nguyễn Thành Nam (trái) - cựu CEO Tập đoàn FPT. Ảnh: Endeavor Việt Nam

Nội dung chia sẻ trên được đưa ra tại sự kiện Scale Up Forum 2024 do Endeavor Việt Nam tổ chức. Diễn giả Nguyễn Thành Nam là một trong những sáng lập viên của FPT, từng đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng như Tổng Giám đốc FPT, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc FPT Software, Phó Chủ tịch HĐQT trường Đại học FPT, Founder FUNiX - Tổ chức Giáo dục Trực tuyến của FPT.

Tại sự kiện, câu hỏi được đặt ra cho ông Nguyễn Thành Nam là trong bối cảnh startup khó gọi vốn như hiện nay, phải xử lý vấn đề này như thế nào. Đáp lại, vị doanh nhân chỉ ra rằng tất cả các startup đều bắt đầu từ hai bàn tay trắng, không có vốn là chuyện bình thường.

“Các bạn hay hỏi không có tiền thì sao làm được. Nhưng chính vì không có tiền mới phải làm. Do đó, phải coi việc startup không có vốn là điều bình thường. Chúng ta bắt đầu bằng tay trắng. Kể cả có người cho tiền thì cũng vì điều gì đó, nên phải bắt đầu bằng cách thuyết phục được người ta”, cựu CEO FPT phát biểu.

Phân tích kỹ hơn về vấn đề, ông Nam cho biết có 3 loại vốn trong các công ty mới thành lập, bao gồm tiền (physical capital), nhân lực (human capital) và vốn xã hội (social capital).

“Vốn xã hội là thứ quan trọng hơn nhiều mà sau này tôi mới biết, lý thuyết cũng ít khi nhắc đến. Đó là năng lực networking (thiết lập mối quan hệ), kết nối với những người trong nội bộ với nhau và kết nối với bên ngoài.

Ở giai đoạn đầu của công ty, chúng ta bắt buộc phải có vốn xã hội, không thể nói “chúng tôi có mỗi tài năng xuất chúng trong đầu”. Để biết một người có tài hay không, tôi sẽ hỏi trong lĩnh vực của bạn có ai giỏi hơn bạn. Nếu không biết thì chứng tỏ bạn không phải người giỏi nhất, networking trong ngành rất kém.

Ví dụ, FPT thành công vì vốn xã hội của FPT ngay từ đầu đã rất cao. Tiền không có, nhưng dần dần loại vốn đó mới lên. Khi xây dựng công ty đến một mức độ, cần duy trì 3 loại vốn ngang nhau, bao gồm tài sản, nhân lực và networking. Nếu công ty lớn thì thậm chí networking bên trong còn quan trọng hơn bên ngoài”, ông Nam phân tích.

Doanh nhân Nguyễn Thành Nam chỉ ra loại vốn FPT mạnh ngay từ đầu: "Chúng tôi cứ tới bắt tay, không cần thân thiết"- Ảnh 2.

Ảnh: Endeavor Việt Nam

Liên quan đến kỹ năng networking, ông Nam chỉ ra hầu hết mọi người cho rằng phải quen thân nhau mới làm được việc. Tuy nhiên, có một lý thuyết gọi là sức mạnh của mối liên kết yếu cho thấy điều ngược lại. Trên thực tế, chúng ta dễ nhờ người quen sơ hơn là người thân.

“Thân thiết rồi chúng ta ngại nhờ vả nhau, nhưng quen biết lại rất dễ. Như vậy, phải làm thế nào để trong công ty mọi người đều quen biết nhau. Nếu network của mọi người trong công ty tốt, các giao dịch sẽ mượt mà hơn rất nhiều, từ đó có thể tăng năng suất lao động lên gấp 3 lần.

Ngày xưa ở FPT, chúng tôi có một cách là muốn làm quen với ai thì cứ tới bắt tay, giới thiệu một chút, không cần thân thiết. Sau này tôi tìm được tài liệu cho thấy một điều đáng ngạc nhiên là tất cả các công ty không có ai lo việc này. CEO đã không lo rồi, CFO cũng không lo nốt, người khác lại lo về nhân sự, nhưng không ai lo đến vốn xã hội”, cựu CEO FPT chia sẻ.

Cuối cùng, ông Nam nhấn mạnh với các startup rằng bên cạnh việc chú trọng củng cố nền tảng tài chính, biết tính toán, cần tập trung cả vào vốn xã hội. Theo cựu CEO FPT, trong một xã hội nặng tình như người Việt thì loại vốn này càng quan trọng.