Đội quân Gen Z đứng sau thành công của bà Harris trên TikTok

Một đội phản ứng nhanh kỹ thuật số với các thành viên là Gen Z đang khai thác các xu hướng văn hóa Internet để tạo ra sự hiện diện độc đáo của Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris trên TikTok.

Các nền tảng mạng xã hội đang bất ngờ trở thành "chiến địa" mới trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng giữa bối cảnh cả ông Trump lẫn bà Harris đều cần kết nối với nhóm cử tri trẻ tuổi.

Hơn 4 năm kể từ khi ông Donald Trump ra sức ngăn cấm TikTok trên nước Mỹ, ứng dụng video này đã trở thành một trong những công cụ quan trọng nhất trong chiến dịch tranh cử mới.

Lần đầu tiên trong lịch sử, tại một hội nghị của Uỷ ban Quốc gia đảng Dân chủ (DNC), hơn 200 nhà sáng tạo nội dung được ngồi ghế hàng đầu để đưa tin về sự kiện. Động thái này được cho là đã xếp những người sáng tạo nội dung ngang hàng với các chuyên gia truyền thông có thâm niên trong nghề.

Đội phản ứng nhanh

Sau màn tranh luận vào tối 10/9, trong khi cựu tổng thống Donald Trump còn đang bận trao đổi với các phóng viên trong phòng đưa tin ở Philadelphia, nhóm TikTok của Phó Tổng thống Kamala Harris đã lập tức bắt tay vào việc thu hút một nhóm đối tượng khác.

Trong căn phòng với tên gọi “phòng chiến tranh kỹ thuật số" tại trụ sở chiến dịch ở Wilmington, đội ngũ này đã nhấn nút đăng tải một video dài 6 giây chế giễu màn tranh luận của ông Trump.

Đoàn video ngắn nhanh chóng đạt hơn 7 triệu lượt xem. Theo Washington Post, tác giả của đoạn video này là một nhóm nhỏ chuyên hoạt động trên TikTok.

TikTok anh 1

Nội dung trực tiếp chế giễu ông Trump thông qua ngôi sao phim Dance Moms được đội ngũ của bà Harris nhấn nút đăng lên TikTok. Ảnh: @kamalahq.

Toàn bộ các thành viên trong nhóm đều dưới 25 tuổi, thậm chí với một số người, đây là lần đầu mà họ được tham gia sản xuất một đoạn clip gây viral.

Washington Post tiết lộ nhóm phản ứng nhanh này bao gồm 13 người và chia ca theo dõi tất cả sự kiện chính trị lớn của cả đảng Cộng hòa và Dân chủ để đảm bảo không bỏ sót bất kỳ thông tin nào.

Khi một khoảnh khắc thú vị xảy ra, ví dụ như khi ông Trump nói rằng những người nhập cư đã "đầu độc" nước Mỹ, đội phản ứng nhanh của bà Harris sẽ chạy đua với thời gian để đăng một đoạn clip về khoảnh khắc đó lên phương tiện truyền thông xã hội. Thời gian làm việc theo ca đôi khi kéo dài đến quá nửa đêm.

Trong 8 tuần qua, đội quân Gen Z này chính là "cánh tay" đắc lực giúp bà Harris thúc đẩy chiến dịch, khai thác nhịp điệu và sự phi lý của văn hóa Internet để tạo ra một trong những chiến lược vận động bỏ phiếu sáng tạo nhất trong nền chính trị hiện đại.

Theo một khảo sát tiến hành bởi ABC News, Washington Post và IPSOS, bà Harris giành được nhiều cảm tình của đối tượng cử tri 18-39 tuổi hơn với 59% tỷ lệ ủng hộ, trong khi con số này của ông Donald Trump là 34%.

“Sự thật là thế hệ Z luôn có mặt trên Internet dù người ta có thích điều đó hay không”, Nancy Gomes, nhà sản xuất thuộc NextGen America, tổ chức thúc đẩy cử tri trẻ đi bỏ phiếu, nói với Politico. “Giờ đây, các tổ chức truyền thông mạng xã hội đang tạo không gian để những quan điểm chính trị của thế hệ Z được lắng nghe nhiều hơn”.

Năm 2016, một dòng tweet của bà Hillary Clinton có thể phải cần tới 12 nhân viên và 10 bản nháp. Trong khi đó, ngày nay, nhiều video TikTok của bà Harris được chỉnh sửa và đăng tải chỉ trong khoảng 30 phút.

“Chiến dịch này trao quyền cho những người trẻ tuổi để họ có thể nói chuyện với những người trẻ tuổi hơn. Chúng tôi ở đây để thực hiện công việc này”, Parker Butler, giám đốc 24 tuổi của một nhóm chuyên theo dõi tất cả bài phát biểu của ông Trump cho biết.

Phía ông Trump cũng không đứng ngoài cuộc chơi mới này. Chỉ trong vòng 2 tháng, cựu tổng thống Mỹ đã xây dựng được lượng người theo dõi trên TikTok lên đến gần 10 triệu người, vượt xa mọi đối thủ chính trị khác.

TikTok anh 2

Cả ông Trump và bà Harris đều đang rất tích cực hoạt động trên TikTok. Ảnh: Foreign Policy.

Thành công trên một ứng dụng vốn rất được thế hệ Gen Z yêu thích thậm chí còn khiến chính nhóm vận động tranh cử của ông ngạc nhiên.

Washington Post tiết lộ nhóm TikTok của ông Trump gồm ba người và hoạt động song song với đội ngũ hoạt động và du lịch của chiến dịch để khai thác những khoảnh khắc trong lịch trình vị cựu tổng thống.

So với đội ngũ của ông Trump, nhóm của bà Harris áp dụng một cách tiếp cận vui tươi hơn, theo đuổi sự lan truyền với nội dung mỉa mai, lạc quan và đôi khi là kỳ quặc.

"Chiến địa" quyết đấu mới

Không chỉ hoạt động sôi nổi trên TikTok, đội ngũ của Phó tổng thống Mỹ còn liên tục chơi khăm ông Trump ngay trong mạng xã hội của mình là Truth Social. Chính những nhân viên Gen Z này là người đã tạo ra những meme lan truyền từ các túi Doritos và mũ ngụy trang.

Theo Từ điển Cambridge, meme là một phần của phương tiện truyền thông, có thể là ý tưởng, hình ảnh hoặc video, thường mang tính chất hài hước và lan truyền nhanh chóng, trở thành văn hóa trên Internet.

Kể từ khi bà Kamala Harris trở thành ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ, các nền tảng mạng xã hội tràn ngập meme và điệu nhảy dành riêng cho phó tổng thống. Điều này giúp kéo những cử tri trẻ tuổi đến gần hơn với cuộc bầu cử.

Trong nhiều ngày kể từ sau đêm tranh luận tại Philadelphia, hình ảnh và video về ông Donald Trump và mèo đã chiếm sóng mạng xã hội, gắn liền với thông điệp cứng rắn của cựu tổng thống về vấn đề nhập cư.

Từ thuở hồng hoang của mạng xã hội, meme đã trở thành nét đặc trưng của nền chính trị Mỹ dù đôi lúc hơi khó đoán và không dễ để nắm bắt, theo New York Times.

Tuy nhiên, trong những tháng đầu của cuộc đua vào Nhà Trắng giữa ông Trump và bà Kamala Harris chứng kiến một bước ngoặt của hiện tượng nói trên.

TikTok anh 3

Bà Harris thích thú khi cầm một túi khoai tây chiên Doritos, món ăn vặt yêu thích. Khoảnh khắc này nhanh chóng trở nên thịnh hành trên TikTok. Ảnh: Reuters.

Thay vì chỉ gói gọn trên mạng xã hội, meme nhiều lần tràn ra cả đời thực và ảnh hưởng trực tiếp đến các sự kiện tranh cử.

Đơn cử, meme “người nhập cư ăn thịt chó mèo ở Ohio” giờ đây đã xuất hiện trên các quảng cáo của đảng Cộng hòa ở Arizona hay thậm chí là trong phần tranh luận của cựu Tổng thống Trump hôm 10/9 (giờ Mỹ).

Song song đó, những phát biểu của ông Trump trên sân khấu tranh luận cũng được biến thành meme với các bản phối với nhạc được lan truyền nhanh chóng trên Instagram, TikTok và các nền tảng mạng xã hội khác.

Theo phân tích dữ liệu từ công ty đo lường trực tuyến Zelf, cách tiếp cận này dường như đang có hiệu quả khi chiến dịch của bà Harris đã nhận được nhiều hơn 100 triệu lượt xem so với ông Trump trên TikTok.

Những người đứng đầu chiến dịch cũng cho biết hoạt động kỹ thuật số đã thành công ngoài phương tiện truyền thông xã hội. Đối với một số người ủng hộ, mạng xã hội mới là lý do chính khiến chính trị gia 59 tuổi này thu hút được sự quan tâm của các cử tri trẻ.

Những chiếc bẫy vô hình trên mạng xã hội

Cuốn sách Vũ trụ kĩ thuật số của giáo sư Kim Sang Kyun đã đi sâu phân tích, mổ xẻ một cách tường tận, những tác động các thiết bị thông minh, thế giới ảo và mạng xã hội trong cuộc sống hiện đại.