
Thành cổ Quảng Trị - Ảnh: HOÀNG TÁO
Trong những ngày cả nước chuẩn bị kỷ niệm 50 năm chấm dứt chiến tranh, hòa bình và Gặp 'Nụ cười chiến thắng bên Thành cổ Quảng Trị' giữa TP.HCM: Có đồng đội tôi chết đến mấy lầnĐỌC NGAY
Thành cổ Quảng Trị - Ảnh: HOÀNG TÁO
Trong những ngày cả nước chuẩn bị kỷ niệm 50 năm chấm dứt chiến tranh, hòa bình và Gặp 'Nụ cười chiến thắng bên Thành cổ Quảng Trị' giữa TP.HCM: Có đồng đội tôi chết đến mấy lầnĐỌC NGAY
Trên mảnh đất này, quá khứ và hiện tại, khổ đau và tái sinh, chiến tranh và hòa bình cùng tồn tại như những lớp trầm tích chồng lên nhau, tạo nên một chiều sâu văn hóa - lịch sử đặc biệt.
Có thể nói Quảng Trị là nơi thể hiện một cách tiêu biểu nhất khát vọng hòa bình của người Việt Nam.
Với tôi, Quảng Trị không chỉ là một địa danh địa lý mà là nơi dấu ấn cuộc chiến tranh 20 năm để lại vết khắc sâu nhất.
Mỗi lần trở lại nơi này, tôi càng cảm nhận rõ hơn những ác liệt đau thương từng xảy ra ở đây, càng thấm thía hơn giá trị của hòa bình đất nước hôm nay.
Ở Quảng Trị từng dòng sông, cây cầu, tường thành và cả những nghĩa trang đều trở thành biểu tượng đối thoại giữa quá khứ và hiện tại, giữa những con người từng ở hai bờ chiến tuyến, giữa ký ức lịch sử và khát vọng tương lai.
Sự hồi sinh của Quảng Trị không chỉ là nỗ lực của địa phương mà là kết quả của tư duy quốc gia về hòa giải lòng người, hàn gắn vết thương chiến tranh và xây dựng hòa bình.
Hòa bình là khi mảnh đất này ngừng tiếng bom rền đạn nổ, những người lính được trở về với gia đình, đất đai được tháo gỡ bom mìn và cày cấy mùa màng tốt tươi, trẻ em được đến trường dưới bầu trời xanh...
Những không gian lịch sử - văn hóa ở Quảng Trị mang lại cho người dân, du khách, cựu binh và thế hệ trẻ sự tưởng niệm và thấu cảm những mất mát đau đớn của chiến tranh.
Ai đến Quảng Trị mà không từng tham dự lễ thả hoa đăng tri ân liệt sĩ trên sông Thạch Hãn, hành trình về nguồn, hay các dự án nghệ thuật cộng đồng tại thành cổ... để từ đó thấu hiểu hơn quá khứ đau thương của đất nước.
Lịch sử Việt Nam là một hành trình dài tìm kiếm hòa bình và thống nhất, không chỉ bằng sức mạnh của súng đạn trong chiến tranh, mà còn bằng sức mạnh âm thầm và bền bỉ của lòng khoan dung giữa những con người từng ở đôi bờ chiến tuyến.
Trải qua bao cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và vượt qua những chia cắt lịch sử, người Việt Nam luôn kêu gọi sự đoàn kết và yêu thương thay thế hận thù.
Chỉ có lòng khoan dung, nhân nghĩa mới có thể hòa giải nối liền những tấm lòng đồng bào trong cùng một nước. Khoan dung không có nghĩa là xóa bỏ quá khứ, mà là chấp nhận nó như một phần của hành trình trưởng thành.
Những cựu binh của hai phía đã cùng nằm lại trong lòng đất mẹ, những bàn tay hai miền Nam - Bắc nắm chặt nhau bên cầu Hiền Lương, những gia đình từng mất mát gặp lại nhau trong nước mắt...
Không cần những tuyên ngôn, mà đó là minh chứng sống động nhất cho sự hòa hợp thật sự bắt đầu từ lòng người.
Trong một thế giới đầy bất ổn và nguy cơ những khác biệt biến thành xung đột, tinh thần khoan dung - hiểu người, nhường nhịn và yêu thương, biết chấp nhận, tha thứ và đồng hành cùng nhau - lại càng quan trọng hơn bao giờ hết.
Việt Nam sau 50 năm kết thúc chiến tranh, lòng khoan dung không chỉ giúp hàn gắn những vết thương chiến tranh, những rạn nứt vô hình trong cộng đồng, mà còn là chất keo thần kỳ giữ cho nền hòa bình đã giành được trở nên bền vững.
Chúng ta ngày càng thấm thía một điều rằng hòa bình không chỉ là ngưng tiếng súng, mà là khi những người Việt Nam coi nhau như ruột thịt và không còn phân biệt bên này bên kia.
Và thống nhất không chỉ là "non sông thu về một mối" mà là khi chúng ta đồng lòng, đồng tâm hướng tới và xây dựng một tương lai chung.