Động thái đặc biệt của Iran trước khi ông Trump trở lại Nhà Trắng và thông điệp hỗn loạn từ 2 phía

Tiến triển trong chương trình hạt nhân của Iran có thể khiến ông Trump gặp khó khăn khi tìm cách kiềm chế nước này.

Nội dung chính:
- Iran tăng mạnh lượng dự trữ uranium đạt gần tới cấp độ vũ khí
- Chính quyền mới của Mỹ tính toán gì với Iran?

Động thái của Iran trước khi ông Trump nhậm chức

Iran đã tăng mạnh lượng dự trữ uranium đạt gần tới cấp độ vũ khí trong bối cảnh đối đầu với Israel và đây được coi là một thách thức đối với chính quyền Mỹ kế nhiệm của ông Donald Trump, Wall Street Journal (WSJ) dẫn nguồn Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cho biết. 

Quyết định mở rộng kho dự trữ nhiên liệu hạt nhân của Iran nhiều khả năng sẽ khiến châu Âu gây thêm áp lực ngoại giao. Phương Tây ngày càng lo ngại khả năng Iran quyết định phát triển vũ khí hạt nhân sau khi nhiều quan chức cấp cao của nước này tiết lộ rằng, Tehran đã nắm vững hầu hết các kỹ thuật cần thiết. 

Nỗ lực của Israel nhằm làm suy yếu Hezbollah (tổ chức ủy nhiệm mạnh nhất của Iran tại Trung Đông) cũng làm nổ ra một cuộc tranh luận công khai tại Iran về việc liệu hình thức răn đe tốt nhất của nước này có nằm ở việc sở hữu bom nguyên tử hay không.

Trong các cuộc đàm phán tại Tehran với Giám đốc IAEA Rafael Grossi hồi tuần trước, Iran cho biết họ sẵn lòng duy trì kho dự trữ uranium làm giàu 60% ở mức hiện tại trong tương lai gần, báo cáo mật lưu hành nội bộ giữa các nước thành viên IAEA nêu rõ.

Động thái đặc biệt của Iran trước khi ông Trump trở lại Nhà Trắng và thông điệp hỗn loạn từ 2 phía- Ảnh 1.

Giám đốc IAEA Rafael Grossi (trái) gặp Ngoại trưởng Iran Abbas Araqchi. Ảnh: Majid Asgaripour/WANA

Tuy nhiên, một nhà ngoại giao cấp cao nhận định rằng, nếu Iran phải đối mặt với một nghị quyết khiển trách từ các cường quốc châu Âu tại cuộc họp của hội đồng IAEA vào tuần này, Iran có khả năng sẽ không tuân thủ cam kết.

Sau khi báo cáo được công bố, 2 nhà ngoại giao cấp cao của IAEA tại Vienna cho biết, hội đồng sẽ chính thức tiến hành khiển trách Iran. Động thái này có thể khiến vấn đề bị chuyển lên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và dẫn tới các biện pháp đối phó nhằm vào Iran.

Về phần mình, Iran tuyên bố, nếu bị khiển trách chính thức, họ sẽ phản ứng lại bằng cách tiếp tục thực hiện thêm các bước nhằm phát triển chương trình hạt nhân của mình hoặc giảm bớt quyền tiếp cận của các thanh tra.

Đủ nhiên liệu cho 4 quả bom nguyên tử

Theo WSJ, trừ khi đảo ngược một số bước họ đã thực hiện trong vài năm qua, Iran sẽ tiếp tục là quốc gia đứng trước ngưỡng vũ khí hạt nhân, điều mà chính quyền mới của ông Trump có thể không chấp nhận được.

Tuy nhiên, để đạt được bất kỳ thỏa thuận nào nhằm kìm hãm chương trình hạt nhân của Tehran, nhiều khả năng sẽ cần trao đổi một dạng lợi ích kinh tế nào đó.

Các quan chức Mỹ đánh giá rằng sẽ mất vài tháng để Iran triển khai một vũ khí hạt nhân và nước này hiện không chế tạo bom. 

Động thái đặc biệt của Iran trước khi ông Trump trở lại Nhà Trắng và thông điệp hỗn loạn từ 2 phía- Ảnh 2.

Tên lửa đạn đạo Khorramshahr thế hệ 4 với tầm bắn lên tới 2000km được phóng tại 1 địa điểm chưa xác định ở Iran. Ảnh: Bộ Quốc phòng Iran/WANA

Trong báo cáo của mình, IAEA cho biết kho dự trữ uranium làm giàu ở mức 60% của Iran đã tăng 17,6 kg lên đến 182,3 kg. Nếu không có gì thay đổi, điều đó sẽ đồng nghĩa với việc Iran có đủ nhiên liệu cho 4 quả bom nguyên tử khi ông Trump nhậm chức vào tháng 1 tới và chỉ mất vài ngày để Iran chuyển đổi uranium 60% thành vật liệu cấp vũ khí. 

Kho dự trữ uranium 20% của Iran cũng tăng nhẹ. Hồi tháng 8, David Albright, chủ tịch - người sáng lập Viện Khoa học và An ninh Quốc tế (ISIS), nhận định rằng Iran có đủ uranium đã làm giàu để chế tạo 15 quả bom hạt nhân trong vòng 5 tháng. 

WSJ dẫn nguồn báo cáo mật thứ hai cho biết, mặc dù ông Grossi đã đến Iran vào tuần trước, nhưng Tehran chưa thực hiện bất kỳ bước nào để giải quyết các câu hỏi mà IAEA đặt ra về nguồn gốc số vật liệu hạt nhân chưa khai báo được phát hiện ở Iran. 

Iran luôn khẳng định chương trình hạt nhân của mình chỉ phục vụ cho mục đích dân sự hòa bình.

Áp lực Tối đa 2.0 hay Thất Bại Tối Đa 2.0?

Trước cuộc họp của hội đồng các quốc gia thành viên IAEA vào tuần này, Anh, Pháp và Đức đã ra nghị quyết khiển trách để lên án sự thiếu phản hồi của Tehran và kêu gọi lập báo cáo toàn diện liệt kê tất cả các câu hỏi mở về chương trình hạt nhân của Iran. Các quan chức Mỹ cho biết, họ sẽ ủng hộ nghị quyết khiển trách và trước đó đã thúc đẩy lập báo cáo toàn diện.

Theo WSJ, một báo cáo như vậy sẽ gây áp lực buộc Iran phải giải thích các hoạt động của mình.

Các nhà ngoại giao cho rằng đây sẽ là bước đầu tiên để chuẩn bị cho quá trình khôi phục tất cả các biện pháp trừng phạt từng được đình chỉ dưới thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Thỏa thuận này đã dỡ bỏ hầu hết các biện pháp trừng phạt quốc tế đối với Tehran, đổi lại Iran phải áp đặt các giới hạn chặt chẽ nhưng tạm thời đối với chương trình hạt nhân của mình. Phương án khôi phục này sẽ hết hạn vào tháng 10/2025.

Mặc dù Mỹ đã một lần nữa áp đặt cấm vận đối với Iran khi ông Trump rút khỏi thỏa thuận, nhưng phần lớn các biện pháp trừng phạt quốc tế vẫn được đình chỉ, cho phép một số nước giao thương hợp pháp với Tehran.

Hiện các nước đang dõi theo quá trình trở lại Nhà Trắng của ông Trump. Trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân - được ký năm 2015 dưới thời Tổng thống Barack Obama - vì cho rằng nó sẽ không thể ngăn chặn Iran phát triển bom hạt nhân về dài hạn. Ông Trump sau đó còn áp dụng chính sách trừng phạt "áp lực tối đa", buộc châu Âu và các nước khác cắt đứt gần như toàn bộ mối quan hệ kinh tế với Tehran.

Động thái đặc biệt của Iran trước khi ông Trump trở lại Nhà Trắng và thông điệp hỗn loạn từ 2 phía- Ảnh 3.

Ông Trump đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran trong nhiệm kỳ đầu tiên. Ảnh: Reuters

Chính quyền Tổng thống Joe Biden đã cố gắng hồi sinh thỏa thuận nhưng không thành công. Trong khi đó, Iran đã đạt nhiều tiến triển trong chương trình hạt nhân của mình. Giới chuyên gia đánh giá rằng, hiện nước này đã tiến gần hơn nhiều đến khả năng chế tạo và cung cấp vũ khí hạt nhân so với năm 2015.

Cả đội ngũ của Tổng thống đắc cử Donald Trump và Tehran đều đưa ra những thông điệp mâu thuẫn, chưa rõ họ sẽ tìm kiếm sự đối đầu hay một hình thức tiếp xúc ngoại giao nào đó sau khi ông Trump nhậm chức vào ngày 20/1/2025 tới đây.

Trước cuộc bầu cử, Trump đã nói rằng ông không tìm kiếm chiến tranh hay thay đổi chế độ ở Iran. Mới đây, Iran cũng có tuyên bố bằng văn bản gửi cho chính quyền ông Biden để khẳng định họ sẽ không tìm cách ám sát ông Trump.

Các quan chức trong đội ngũ của ông Trump nói rằng họ sẽ hành động để khôi phục chiến dịch "áp lực tối đa" nhằm vào nền kinh tế của Iran và có những bước đi để ngăn chặn Iran phát triển vũ khí hạt nhân.

Tại Tehran, sự trở lại của ông Trump đã thổi bùng một cuộc tranh luận sôi nổi giữa giới tinh hoa của nước này. Một số quan chức Iran, bao gồm Ngoại trưởng Araghchi, đã nói rằng Tehran sẵn lòng đàm phán nhưng sẽ không đàm phán dưới áp lực. 

Bản thân Tổng thống Masoud Pezeshkian đã lên nắm quyền một phần thông qua những hứa hẹn về khả năng tương tác với phương Tây nhằm dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Iran. Tuy nhiên, ông Araghchi cảnh báo rằng nỗ lực của Washington nhằm khôi phục áp lực kinh tế tối đa sẽ làm đổ vỡ hy vọng về các cuộc đàm phán.

"Nỗ lực áp đặt Áp lực Tối đa 2.0 chỉ sẽ dẫn đến Thất Bại Tối Đa 2.0", ông Araghchi tuyên bố trên X.