
Theo chỉ số theo dõi đồng USD (Dollar Index), đo sức mạnh của USD so với rổ 6 đồng tiền lớn khác như bảng Anh, euro và yên Nhật, giá trị của đồng tiền này đã giảm hơn 10% trong năm 2025. Đây là mức giảm sâu nhất trong 6 tháng đầu năm kể từ khi hệ thống Bretton Woods bị xóa bỏ vào năm 1973.
Francesco Pesole, chiến lược gia ngoại hối tại ING, nhận định: “USD đã trở thành 'nạn nhân' của các chính sách khó đoán của ông Trump.”
Ông chỉ ra cuộc chiến thuế quan không nhất quán, nhu cầu vay mượn khổng lồ của chính phủ Mỹ và lo ngại về sự độc lập của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đã làm giảm hấp dẫn của đồng USD với vai trò nơi trú ẩn an toàn.
Vào đầu tuần này, đồng USD tiếp tục giảm 0,2% trong bối cảnh Thượng viện Mỹ chuẩn bị bỏ phiếu thông qua các sửa đổi liên quan đến dự luật cải cách thuế của ông Trump. Dự luật được kỳ vọng sẽ làm tăng thêm 3.200 tỷ USD vào nợ công Mỹ trong thập kỷ tới, gây lo ngại về tính bền vững tài chính của chính quyền Washington và kích hoạt làn sóng bán tháo trái phiếu chính phủ Mỹ.
Việc đồng USD mất giá đã đi ngược lại với dự báo của nhiều tổ chức tài chính hồi đầu năm, khi họ cho rằng cuộc chiến thương mại sẽ khiến các nền kinh tế ngoài Mỹ chịu thiệt hại nặng hơn, đồng thời lạm phát tại Mỹ sẽ tăng lên, giúp đồng bạc xanh mạnh hơn.

Song, thực tế đã chứng minh điều ngược lại. Đồng euro, vốn được nhiều ngân hàng Phố Wall dự báo sẽ giảm về ngang giá với USD, hiện đã tăng hơn 13% lên trên mốc 1,17 USD, khi nhà đầu tư lo ngại về đà tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ và chuyển sang tìm kiếm tài sản an toàn ở nơi khác, như trái phiếu chính phủ Đức.
Andrew Balls, giám đốc đầu tư trái phiếu toàn cầu tại công ty quản lý quỹ Pimco, dù không cho rằng vị thế của USD với tư cách đồng tiền dự trữ toàn cầu sẽ bị đe dọa nghiêm trọng, nhưng lo ngại USD có thể suy yếu đáng kể.
Một trong những yếu tố kéo đồng bạc xanh xuống là kỳ vọng ngày càng lớn rằng Fed sẽ cắt giảm lãi suất mạnh tay hơn để hỗ trợ nền kinh tế Mỹ . Theo thị trường hợp đồng tương lai, Fed được dự đoán sẽ có ít nhất 5 lần giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm từ nay đến cuối năm sau.
Nhiều nhà đầu tư lớn, từ các quỹ hưu trí cho đến các ngân hàng trung ương, đã tuyên bố ý định giảm tiếp xúc với tài sản và đồng tiền Mỹ, đồng thời nghi ngờ liệu USD còn có thể tiếp tục đóng vai trò nơi trú ẩn an toàn trước biến động thị trường.
Giá vàng cũng đã lập kỷ lục mới trong năm nay, khi các ngân hàng trung ương và nhà đầu tư tiếp tục mua vào để phòng ngừa rủi ro mất giá tài sản tính bằng USD.
Hiện nay, đồng USD đang ở mức yếu nhất so với các đồng tiền lớn trong hơn 3 năm qua. Một số chuyên gia cho rằng, dù xu hướng giảm có thể tiếp diễn, tốc độ sụt giảm sẽ chậm lại vì lượng đặt cược vào xu hướng USD yếu đã trở nên quá phổ biến.
“Bán khống USD đã trở thành một giao dịch được nhiều người ưa chuộng. Tôi nghĩ rằng đà giảm sẽ chậm lại,” Guy Miller, chiến lược gia trưởng tại công ty bảo hiểm Zurich nhận định.
Tham khảo FT