Thành phố bí ẩn
Những tòa nhà cao tầng, sáng bóng mọc lên giữa những cánh đồng ngô ở bờ sông Moei bên phía Myanmar là một cảnh tượng chói mắt đến nỗi bạn phải chớp mắt để chắc chắn rằng mình không tưởng tượng ra.
8 năm trước, không có gì ở bang Karen. Chỉ có cây cối, một vài tòa nhà xi măng xây dựng thô sơ. Nhưng ngày nay, tại địa điểm này dọc theo biên giới với Thái Lan, một thành phố nhỏ đã xuất hiện như một ảo ảnh. Nó được gọi là Shwe Kokko, hay Golden Raintree (Cây mưa vàng).
Thành phố này bị cáo buộc có mối liên hệ với hàng loạt các phi vụ gian lận, rửa tiền và buôn người. Người đàn ông đứng sau nó, She Zhijiang, đang mòn mỏi trong nhà tù Bangkok, chờ dẫn độ về Trung Quốc.
Yatai, công ty xây dựng của She Zhijiang, đã vẽ ra một viễn cảnh về Shwe Kokko trong các video quảng cáo của mình: Đó là một một điểm đến nghỉ dưỡng an toàn cho khách du lịch Trung Quốc và là thiên đường cho giới siêu giàu.



Những tòa nhà cao tầng ở Myawaddy, Myanmar nhìn từ biên giới Thái Lan, nơi lính canh có vũ trang đứng trên cầu.
Việc hàng loạt các vụ lừa đảo được lật tẩy ở những khu vực nhạy cảm này đang thu hút sự chú ý lớn của công chúng, nhất là sau vụ việc nam diễn viên Trung Quốc Vương Tinh bị bắt cóc gây chấn động.
Để ngăn chặn vấn nạn lừa đảo, Thái Lan đã tiến hành cắt điện các khu phức hợp bên kia biên giới, thắt chặt các quy định về ngân hàng và cam kết sẽ chặn thị thực đối với những người bị nghi ngờ sử dụng Thái Lan làm tuyến đường quá cảnh.
Bên trong Shwe Kokko
Đi đến đó rất khó khăn.
Kể từ khi bắt đầu xây dựng vào năm 2017, Shwe Kokko đã trở thành nơi cấm địa, không cho phép du khách ghé thăm.
Khi cuộc nội chiến ở Myanmar leo thang sau cuộc đảo chính quân sự năm 2021, việc tiếp cận Shwe Kokko trở nên khó khăn hơn. Từ trung tâm thương mại Yangoon tới Shwe Kokko phải mất 3 ngày.
Ở đây có những con phố mới lát, những biệt thự sang trọng, những hàng cây. Các biển báo trên các tòa nhà được viết bằng chữ Trung Quốc và có một đoàn xe xây dựng do Trung Quốc sản xuất liên tục đi đến và rời đi khỏi các công trường xây dựng.
Tuy nhiên, hầu hết những người phóng viên BBC thấy là người Karen bản địa - một trong những dân tộc thiểu số của Myanmar. Họ đến Shwe Kokko mỗi ngày để làm việc.

Một dãy cửa sổ có song sắt ở bên trong.
Bắt đầu từ một thập kỷ trước, những kẻ lừa đảo đã bắt đầu định cư dọc theo biên giới Thái Lan - Myanmar.
Những vụ lừa đảo đã phát triển thành một "ngành kinh doanh" trị giá hàng tỷ đô la. Có hàng ngàn công nhân từ Trung Quốc, Đông Nam Á, Châu Phi và tiểu lục địa Ấn Độ bị giam giữ trong các khu nhà có tường bao quanh, nơi chúng lừa đảo tiền tiết kiệm của mọi người trên khắp thế giới.
Một số người làm việc ở đó một cách tự nguyện, nhưng nhiều người khác bị bắt cóc và buộc phải làm việc. Những người trốn thoát đã kể những câu chuyện đau lòng về sự tra tấn và đánh đập. Không ít trong số đó đến từ Shwe Kokko.

Nhiều công trình mới vẫn đang được xây dựng.
Phóng viên đã có thể nói chuyện với một phụ nữ trẻ đã làm việc tại một trong những trung tâm lừa đảo. Cô cho biết công việc của cô là làm việc trong nhóm người mẫu, chủ yếu là những phụ nữ trẻ hấp dẫn, những người liên hệ với các nạn nhân tiềm năng và cố gắng xây dựng mối quan hệ trực tuyến thân mật với họ.
"Mục tiêu là người già", cô nói. "Bạn bắt đầu cuộc trò chuyện như 'ôi trông bạn giống hệt một người bạn của tôi'. Khi đã kết bạn, bạn tạo sự tin tưởng của họ bằng cách gửi ảnh của chính mình, đôi khi là ảnh mặc đồ ngủ".
Sau đó, cô giải thích, cuộc trò chuyện chuyển sang các chương trình làm giàu nhanh chóng, chẳng hạn như đầu tư tiền điện tử.
"Khi họ cảm thấy gần gũi với bạn, bạn chuyển họ đến phần trò chuyện", cô nói. "Những người trò chuyện sẽ tiếp tục nhắn tin với khách hàng, thuyết phục họ mua cổ phiếu của công ty tiền điện tử".
"Mọi người ở Shwe Kokko đều biết những gì diễn ra ở đó", một phụ nữ trẻ từng làm việc tại một trung tâm lừa đảo cho biết.
Nguồn: BBC