Dự án cao tốc gần 20.000 tỷ đồng vừa nhận chỉ đạo nóng

Dự án đầu thi công hồi tháng 4/2025. Mục tiêu của dự án là cơ bản hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác vận hành năm 2027.

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản số 3925/VPCP-CN ngày 7/5/2025 truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về triển khai Dự án thành phần 1 thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước).

Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng và Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước theo dõi, chỉ đạo triển khai Dự án bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả và chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí…; chú ý bảo đảm chất lượng, tiến độ, không để đội giá ; xác định mức thu phí hợp lý, hài hòa lợi ích giữa nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

Dự án cao tốc gần 20.000 tỷ đồng vừa nhận chỉ đạo nóng- Ảnh 1.

Phối cảnh của dự án cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành (Ảnh: Cổng thông tin điện tử Đắk Nông).

Dự án thành phần 1 thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa - Chơn Thành có điểm đầu giao với đường Hồ Chí Minh (Quốc lộ 14 hiện hữu) tại khoảng Km 1923+400, thuộc địa phận xã Kiến Thành, huyện Đắk R'Lấp, tỉnh Đắk Nông; điểm cuối giao với đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa, thuộc địa phận thị xã Chơn Thành, tỉnh Bình Phước.

Tổng chiều dài tuyến thuộc Dự án là khoảng 124,13 km, trong đó đoạn đi qua địa bàn huyện Đắk R'lấp (tỉnh Đắk Nông) là 23,10 km và huyện Bù Đăng, Đồng Phú, thành phố Đồng Xoài, thị xã Chơn Thành (tỉnh Bình Phước) là 101,03 km.

Theo quy hoạch, tuyến đường có quy mô giai đoạn hoàn chỉnh 6 làn xe, với bề rộng nền đường 32,25 m; riêng đoạn qua thành phố Đồng Xoài có chiều rộng nền đường 33 m; trong giai đoạn phân kỳ đầu tư, tuyến được đầu tư phân kỳ với quy mô 4 làn xe cao tốc hoàn chỉnh.

Đây là dự án thành phần quan trọng nhất của toàn dự án với tổng mức đầu tư khoảng 19.965 tỷ đồng. Trong đó vốn nhà nước 6.842 tỷ đồng từ nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022. Vốn do nhà đầu tư huy động khoảng 12.134 tỷ đồng (chưa bao gồm lãi vay 989 tỷ đồng).

Nhà đầu tư thực hiện là liên danh Tập đoàn Vingroup (mã: VIC) và Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank - mã: TCB). Đơn vị tư vấn, nhà thầu thi công là Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (mã GVR), Becamex IDC (mã BCM), Becamex Bình Phước.

Dự án đầu thi công hồi tháng 4/2025. Mục tiêu của dự án là cơ bản hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác vận hành năm 2027.

Dự án cao tốc gần 20.000 tỷ đồng vừa nhận chỉ đạo nóng- Ảnh 2.

Nguồn: Báo cáo Đánh giá tác động môi trường.

Tuyến đường giữ vai trò là trục kết nối chiến lược, gắn kết chặt chẽ các tỉnh Bình Phước, Đắk Nông cùng nhiều địa phương khu vực Tây Nguyên với TP.HCM – trung tâm kinh tế năng động hàng đầu cả nước.

Việc hình thành tuyến cao tốc không chỉ góp phần mở rộng không gian phát triển, tạo động lực tăng trưởng mới cho cả hai vùng mà còn giúp khai thác hiệu quả quỹ đất dọc tuyến. Đồng thời, tuyến đường sẽ thúc đẩy phát triển du lịch, công nghiệp chế biến, khai thác khoáng sản và các ngành kinh tế chủ lực, mở ra cơ hội bứt phá về kinh tế - xã hội cho khu vực Tây Nguyên và Đông Nam Bộ.

Dự án sau khi hoàn thành sẽ rút ngắn thời gian di chuyển, giảm chi phí logistics, thúc đẩy giao thương, thu hút đầu tư. Đồng thời đóng góp vào việc bảo đảm quốc phòng, an ninh và nâng cao liên kết vùng theo định hướng phát triển bền vững.