Dự án cầu gần 1.500 tỉ nối Nam Định với Ninh Bình sắp đạt cột mốc quan trọng

Cầu vượt sông Đáy nối hai tỉnh Nam Định với Ninh Bình là hạ tầng giao thông cực kỳ quan trọng, thúc đẩy kinh tế - xã hội của hai địa phương và cả khu vực. Công trình gần 1.500 tỉ đồng này sắp đạt được cột mốc quan trọng.

Dự án cầu gần 1.500 tỉ nối Nam Định với Ninh Bình sắp đạt cột mốc quan trọng- Ảnh 1.

Theo báo cáo mới nhất của đơn vị thi công, dự án cầu vượt sông Đáy đến nay đã hoàn thành khoảng 70% khối lượng công việc. Dự án cũng đã hoàn tất giải phóng mặt bằng.

Hiện tại, các nhà thầu tiếp tục đẩy nhanh tiến độ để chuẩn bị hợp long dự án. Đây là cột mốc quan trọng, phấn đấu hoàn thành kế hoạch hoàn tất dự án vào tháng 12/2024.

Dự án cầu vượt sông Đáy có vốn đầu tư 1.450 tỉ đồng, với chiều dài khoảng 2km, đi qua các xã Khánh Cường, Khánh Trung (huyện Yên Khánh, Ninh Bình) kết nối với Nghĩa Châu, Nghĩa Trung, Nghĩa Thái (huyện Nghĩa Hưng, Nam Định).

Công trình được thiết kế với 4 làn xe, vận tốc tối đa 100 km/h, bao gồm cầu chính dài 1,36 km với mặt cắt ngang 19,5 m và đường dẫn dài 0,64 km, rộng 19 m. Cầu chính có 29 nhịp, với kết cấu dầm bê tông cốt thép dự ứng lực.

Phía Ninh Bình, cầu kết nối với đường Bái Đính - Kim Sơn, còn phía Nam Định sẽ kết nối với Quốc lộ 37B và đường tỉnh 490. Dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Nam Định làm chủ đầu tư.

Cầu vượt sông Đáy không chỉ kết nối giao thông giữa hai tỉnh mà còn góp phần hoàn thiện tuyến cao tốc từ Ninh Bình đến Hải Phòng, tăng cường liên kết vùng Đồng bằng sông Hồng, giảm tải cho hệ thống giao thông hiện tại, rút ngắn thời gian di chuyển và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Dự án cầu vượt sông Đáy, cùng với các đoạn đường cao tốc khác, sẽ mở ra nhiều cơ hội phát triển cho các tỉnh trong khu vực, đồng thời tiết kiệm chi phí di chuyển, thu hút đầu tư và tạo việc làm cho người lao động.

Dự án còn giúp rút ngắn thời gian và quãng đường di chuyển từ khu vực phía Nam của ba tỉnh Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình đến Hải Phòng và ngược lại, tiết kiệm chi phí lưu thông, đồng thời thu hút đầu tư, nhân lực, tạo việc làm cho người lao động và thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương và khu vực.