Dự án chống ngập 10.000 tỷ chưa hẹn ngày xong

Sau 8 năm khởi công, đến nay dự án chống ngập do triều khu vực TPHCM với vốn đầu tư 10.000 tỷ đồng đã hoàn thành hơn 90% nhưng không thể về đích vì vướng mắc. Tổng Bí thư Tô Lâm nhắc đến dự án chống ngập là một ví dụ điển hình về lãng phí.

Chống ngập vẫn… ngập

Dự án ngăn triều gần 10.000 tỷ đồng ở TPHCM do Công ty CP Đầu tư xây dựng Trung Nam là nhà đầu tư được khởi công xây dựng năm 2016 và dự kiến hoàn thành sau 2 năm xây dựng. Dự án có mục tiêu kiểm soát ngập do triều cường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu cho vùng diện tích 570km2 với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu vực bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm TPHCM.

Khi dự án được khởi công, người dân và chính quyền kỳ vọng sẽ giải quyết tình trạng cứ mưa là ngập ở TPHCM. Thế nhưng, khi dự án hoàn thành đến 90% khối lượng thì 7 năm nay dự án phải 4 lần ngưng thi công và đến thời điểm hiện tại vẫn chưa hẹn được ngày về đích.

Dự án chống ngập 10.000 tỷ chưa hẹn ngày xong- Ảnh 1.

Dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng đến nay vẫn “đắp chiếu”ảnh: Hữu Huy

Theo UBND TPHCM, từ tháng 11/2020 tới nay, công trình tiếp tục dừng do hết thời gian thực hiện hợp đồng BT, hết hạn giải ngân tái cấp vốn. Dự án tạm ngưng, chưa nghiệm thu, vướng pháp lý nên TPHCM chưa thể thanh toán cho nhà đầu tư. Vì vậy, nhiều năm qua, nhà đầu tư chưa có nguồn vốn trả nợ vay và tiếp tục thi công dù tiến độ chung đã đạt hơn 90%. Vào tháng 4/2021, Chính phủ ra Nghị quyết số 40 chấp thuận cho UBND TPHCM tiếp tục thực hiện công trình theo cơ chế đặc thù, đảm bảo lợi ích kinh tế, tránh lãng phí nguồn lực đã đầu tư. Tuy nhiên, hơn ba năm nay, dự án vẫn trong cảnh “đắp chiếu” dù TPHCM đã nhiều lần họp bàn với các bên liên quan tìm cách tháo gỡ vướng mắc.

Tổng Bí thư Tô Lâm: Khó đến đâu, gỡ đến đấy

Chiều 26/10/2024, thảo luận tổ về tình hình kinh tế - xã hội tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Tổng Bí thư Tô Lâm nhắc đến dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng ở TPHCM. Tổng Bí thư điểm tên những dự án rất cụ thể, như dự án chống ngập trải qua hai nhiệm kỳ, tiền Nhà nước bỏ ra rồi nhưng nhân dân TPHCM “vẫn phải chịu ngập lụt”. “Nếu để thế nữa là vi phạm, dù không tham ô, tham nhũng nhưng tội lãng phí”, Tổng Bí thư Tô Lâm nêu. Tổng Bí thư đặt câu hỏi: “Tại sao lại để vướng thế? Khó đến đâu gỡ đến đấy. Nhà nước không làm được thì sao doanh nghiệp làm được”.

Ông Nguyễn Đình Long, một người dân ở cạnh dự án chống ngập tại quận 7, cho biết, hàng rào chắn từ những phần cống đã hoàn thiện của dự án trên còn vô tình chặn dòng chảy, gây ùn tắc rác thải tại nhiều khu vực dòng kênh khiến nước thải cùng rác nổi lềnh bềnh, bốc mùi hôi thối.

“Cục nghẹn” vì đâu?

Dự án ngăn triều chống ngập với tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng là công trình này thuộc nhóm A, thẩm quyền quyết định chủ trương sử dụng vốn nhà nước tham gia là Thủ tướng. Thế nhưng, năm 2016 dự án đã triển khai khi mới được Thường trực Chính phủ chấp thuận chủ trương, mà chưa có quyết định phê duyệt. Đáng nói, dù chưa có quy định cụ thể tỷ lệ thanh toán bằng quỹ đất và tiền nhưng UBND TPHCM ký hợp đồng với nhà đầu tư theo tỷ lệ giá trị quỹ đất bằng 16% tổng chi phí dự án, còn lại bằng tiền được cho là chưa phù hợp.

Trao đổi với báo chí, ông Đỗ Quang Hưng, Trưởng phòng Hợp tác công tư, Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM, cho biết, Thủ tướng đã có chỉ đạo lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan về những đề xuất của TPHCM để gỡ vướng cho dự án. Theo ông Hưng, vướng mắc lớn nhất của dự án này là về nguồn vốn. Để hoàn thành dự án, nhà đầu tư cho biết cần huy động thêm khoảng 1.800 tỷ đồng.

“Dù đạt hơn 90% khối lượng công trình nhưng dự án chưa đủ điều kiện để thanh toán do các khoản vay tái cấp vốn đã hết hạn. Ngoài ra, tổng mức đầu tư đã có sự thay đổi, thời gian thực hiện đã hết. Do đó, dự án cần làm thủ tục điều chỉnh để đảm bảo cơ sở pháp lý. TPHCM cũng đã đề xuất điều chỉnh điều khoản về thanh toán trong hợp đồng song song với việc điều chỉnh tổng thể dự án”, ông Hưng thông tin.

Trả lãi vay hơn 1,7 tỷ đồng/ngày?

Ông Đỗ Quang Hưng, Trưởng phòng hợp tác công tư, sở KH&ĐT TPHCM, cho biết: con số lãi vay 1,73 tỷ đồng/ngày dựa trên các báo cáo, tính toán của nhà đầu tư. Đây mới chỉ là báo cáo sơ bộ và sẽ được tính toán lại khi điều chỉnh tổng thể dự án. Theo ông Hưng, quá trình điều chỉnh tổng thể dự án sẽ kéo dài rất lâu, bởi còn nội dung quan trọng là phải đàm phán lãi vay và kể cả việc xác định thời gian tính toán lãi vay như thế nào.

Vướng mắc này, theo đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM, xuất phát từ việc Ngân hàng BIDV không đủ cơ sở để ký hợp đồng tín dụng với nhà đầu tư, để trình Ngân hàng Nhà nước thực hiện gia hạn thời gian giải ngân tái cấp vốn. “Thực tế, Ngân hàng Nhà nước đã tiến hành thu nợ, tái cấp vốn đối với Ngân hàng BIDV được khoảng 3.560 tỷ đồng. Vì vậy, thậm chí ngay trong trường hợp Ngân hàng Nhà nước gia hạn thời gian khoản vay giải ngân tái cấp vốn thì BIDV cũng không thể tiếp tục giải ngân cho nhà đầu tư do chưa đủ điều kiện để UBND TPHCM thanh toán, mặc dù UBND thành phố đã chuẩn bị sẵn kể cả nguồn vốn và quỹ đất”, ông Hưng phân tích.

Bao giờ?

Đại diện Công ty CP Đầu tư xây dựng Trung Nam kiến nghị UBND TPHCM sớm thực hiện các thủ tục điều chỉnh tổng mức đầu tư, đồng thời thanh toán bằng quỹ đất cho dự án. Theo Công ty Trung Nam, nếu điều chỉnh được mức đầu tư thì giúp doanh nghiệp giảm nợ gốc, lãi vay, tạo nguồn tài sản tiếp cận vốn vay ngân hàng thi công hoàn thành công trình. Nhà đầu tư cũng cam nếu được thanh toán, doanh nghiệp cần một tháng rưỡi để chuẩn bị và 6 tháng để hoàn thành toàn bộ dự án.

Dự án chống ngập 10.000 tỷ chưa hẹn ngày xong- Ảnh 2.

Theo tính toán chưa đầy đủ, mỗi ngày dự án phải trả lãi vay 1,7 tỷ đồng Ảnh: hữu huy

Tại cuộc họp gỡ vướng dự án giải quyết ngập do triều khu vực TPHCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu, UBND TPHCM cho biết đã có báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ đề xuất phương án tháo gỡ cho dự án; kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm có ý kiến chỉ đạo đối với đề xuất của UBND TPHCM. Sau khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, thành phố sẽ tiếp tục thực hiện các bước tiếp theo để thúc đẩy quá trình tiếp tục triển khai thực hiện dự án.

Trao đổi với báo chí, TS Phạm Viết Thuận, Viện trưởng Viện Kinh tế tài nguyên và Môi trường TPHCM, cho rằng các vướng mắc ở dự án trải qua nhiều thời kỳ, một số quy định cũng thay đổi. Nếu vận dụng luật và các văn bản dưới luật thì nhiều nội dung trong hợp đồng đã ký trước đây vẫn bị vướng. Do đó, việc điều chỉnh dự án là giải pháp tối ưu trong điều kiện hiện nay. TS Thuận đề xuất chuyển vai trò chủ đầu tư về Ban quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 9 thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bởi đây là cơ quan chuyên ngành quản lý và sử dụng vốn nhà nước để đầu tư, xây dựng công trình thủy lợi sẽ phù hợp triển khai, thẩm định kỹ thuật công trình.