Đài Khí tượng thủy văn TP. Cần Thơ cho biết, năm nay đỉnh lũ đầu nguồn sông Cửu Long tại Tân Châu và Châu Đốc có thể cao hơn báo động I, thời gian xuất hiện đỉnh lũ vào khoảng tháng 10/2025. Tuy ít có khả năng xuất hiện lũ lớn, nhưng tiềm ẩn nguy cơ cường suất lũ lên nhanh hơn bình thường do tác động điều tiết dòng chảy từ thượng lưu .

Khu vực bến Ninh Kiều bị ngập trong đợt triều cường giữa tháng 10/2024. Ảnh: CK
Tại Cần Thơ, cơ quan khí tượng dự báo , tình hình thời tiết và thủy văn sẽ có nhiều diễn biến phức tạp, đặc biệt trong mùa mưa bão . Dự báo mùa mưa sẽ bắt đầu sớm hơn so với trung bình nhiều năm, khoảng nửa cuối tháng 4, đầu tháng 5 sẽ có mưa. T ổng lượng mưa năm nay cao hơn trung bình nhiều năm từ 5-15%, riêng các tháng 7, 8 lượng mưa phổ biến từ 300-400mm.
Đáng chú ý về triều cường, dự báo đầu tháng 8 năm nay, mực nước các sông qua miền Tây bắt đầu lên cao, đỉnh triều cường từ tháng 9 - 12 được dự báo vượt báo động III . Trên sông Hậu tại Cần Thơ, đỉnh triều cao nhất năm có khả năng xuất hiện gần cuối tháng 10 và giữa tháng 11, với mực nước cao nhất có thể lên 2,2 - 2,3m, vượt báo động III từ 20 - 30cm.
Tại Cần Thơ, âu thuyền Cái Khế cùng hệ thống cống ngăn triều, trạm bơm đi vào vận hành đã giúp giảm ngập cho khu vực trung tâm Thành phố. Tuy nhiên, đợt triều cường vượt báo động III vào giữa tháng 10 năm ngoái, khu vực bến Ninh Kiều vẫn bị ngập nặng, một số đoạn nước dâng cao gần 1m, khiến cuộc sống, sinh hoạt, kinh doanh của người dân đảo lộn.
Ông Nguyễn Ngọc Hè - Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ cho biết , với dự báo triều cường năm nay, đỉnh triều 2,3m chưa từng xuất hiện trên địa bàn Thành phố, nếu xảy ra không có giải pháp ứng phó, khu vực bến Ninh Kiều sẽ tiếp tục bị ngập nặng hơn năm trước (mực nước cao nhất năm 2024 đạt đỉnh 2,2m).
Ông Hè yêu cầu quận Ninh Kiều có giải pháp căn cơ để ngăn nước từ sông Cần Thơ tràn qua khu vực bến Ninh Kiều gây ngập khi triều cường lên cao. Đồng thời, quận tiến hành rà soát, sửa chữa hàng chục nắp cống bị hư hỏng trên địa bàn để phát huy hiệu quả hệ thống cống ngăn triều.
Lãnh đạo UBND thành phố Cần Thơ cũng đề nghị các địa phương tiếp tục rà soát, hoàn chỉnh các kế hoạch, phương án ứng phó với thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai, phù hợp với tình hình thực tế. Đặc biệt, chú trọng đến các khu vực nguy hiểm khi xảy ra mưa, lũ, bão, các nơi có nguy cơ sạt lở cao.
Năm 2024, trên địa bàn TP. Cần Thơ đã xảy ra 4 loại hình thiên tai chính, gồm sạt lở, mưa lốc, triều cường, mưa đá. Cụ thể, có 27 đợt sạt lở, làm sạt 14 căn nhà, tổng thiệt hại ước hơn 15 tỷ đồng. Mưa kèm dông lốc xảy ra 46 đợt, làm chết 1 người, sập 28 căn nhà, tốc mái 233 căn, tổng thiệt hại khoảng 5,6 tỷ đồng.
Trong năm ngoái, thành phố xảy ra 3 đợt triều cường vượt báo động III, ảnh hưởng lớn đến giao thông, sinh hoạt, sản xuất. Đặc biệt, lần đầu tiên Cần Thơ ghi nhận xảy ra một đợt mưa đá. Thành phố đã ban hành 12 lệnh xây dựng công trình khẩn cấp để khắc phục 12/27 điểm sạt lở nguy hiểm, tổng mức đầu tư hơn 166 tỷ đồng.