Du lịch y tế: Ngành kinh doanh “gà đẻ trứng vàng”

Ngày càng nhiều người bay ra nước ngoài để chữa bệnh, biến du lịch y tế thành một ngành “gà đẻ trứng vàng”. Cuộc đua phát triển và mở rộng ngành dịch vụ này cũng đang ngày một sôi động trong bối cảnh chăm sóc sức khỏe toàn cầu.

Quốc tế

Du lịch y tế: Ngành kinh doanh “gà đẻ trứng vàng”

Khánh Nguyên • 15/11/2024 06:00

Ngày càng nhiều người bay ra nước ngoài để chữa bệnh, biến du lịch y tế thành một ngành “gà đẻ trứng vàng”. Cuộc đua phát triển và mở rộng ngành dịch vụ này cũng đang ngày một sôi động trong bối cảnh chăm sóc sức khỏe toàn cầu.

Thị trường du lịch y tế toàn cầu được dự báo sẽ phát triển mạnh mẽ, đạt tốc độ tăng trưởng kép hằng năm là 12,7% trong giai đoạn 2024-2034. Theo phân tích gần đây của Future Market Insights (FMI), giá trị ngành khoảng 248,9 tỷ USD năm 2024 và có khả năng tăng lên 822,7 tỷ USD năm 2034. Một trong những động lực chính cho sự tăng trưởng này là nhu cầu sử dụng công nghệ y tế tiên tiến của người dân trên thế giới.

the-gioi_h1_cac-trang-mang-xa-hoi-ve-du-lich-cung-tich-cuc-quang-ba-dich-vu-du-lich-y-te-vi-biet-day-la-con-ga-de-trung-vang-nguon_-visit-turkey.jpgCác trang mạng xã hội về du lịch cũng tích cực quảng bá dịch vụ du lịch y tế vì biết đây là “con gà đẻ trứng vàng”. Ảnh: Visit Turkey

Hiệp hội Du lịch Y tế Quốc tế thống kê hằng năm có hơn 14 triệu người đi du lịch nước ngoài để điều trị sức khỏe và đang không ngừng tăng lên. Nhà phân tích Sudip Saha - Giám đốc Điều hành FMI phân tích lý do có thể vì ở nước sở tại không đáp ứng phương pháp điều trị mới, hoặc giá thành dịch vụ quá cao.

Nhiều nước hăng hái tham gia thị trường du lịch y tế

Mỹ dẫn đầu Bắc Mỹ về du lịch y tế với tốc độ tăng trưởng dự kiến 6,3% cho đến năm 2034. Bệnh nhân chọn Mỹ vì cơ sở chăm sóc sức khỏe được trang bị công nghệ tốt nhất, bác sĩ lành nghề, phương pháp điều trị đa dạng, nổi bật nhất là điều trị ung thư, phẫu thuật tim, phẫu thuật cấy ghép.

Tuy nhiên, nếu bay đến Thái Lan, Singapore, Ấn Độ hay Malaysia du lịch kết hợp chăm sóc y tế thì người dân Mỹ có thể tiết kiệm từ 55-70% chi phí điều trị. Cụ thể, FMI dẫn chứng chi phí cho một ca nong mạch vành ở Mỹ là khoảng 55.000 đến 57.000USD, nhưng chỉ từ 2.500-3.500 USD ở Malaysia. Nắm bắt điều này, Canada đang nổi lên là lựa chọn thay thế cho người dân Mỹ khi chi phí tại đây thấp hơn mà bảo hiểm y tế tốt và chất lượng không hề thua kém.

Ở cùng giai đoạn, tại châu Âu, Anh vẫn chưa có đối thủ khi tốc độ tăng trưởng du lịch y tế kép hằng năm là 6,5%, nhất là ở lĩnh vực y tế tư nhân. Hàng loạt nghiên cứu y khoa mỗi năm của những chuyên gia hàng đầu về ung thư, tim mạch và xương khớp giúp nước này giữ vững vị thế trong ngành du lịch y tế. Chưa kể các khoản đầu tư vào công nghệ, truyền thông, vận tải cũng hợp lực hỗ trợ cho ngành du lịch y tế mạnh hơn. Chất lượng điều trị tại Anh đặc biệt thu hút bệnh nhân khá giả từ Trung Đông.

Còn ở châu Á - Thái Bình Dương, Ấn Độ được đánh giá du lịch y tế sẽ tăng trưởng nhanh hơn Trung Quốc một chút, với tốc độ tăng trưởng kép hằng năm là 21,3% so với 19,1% cho đến năm 2034.

Ấn Độ “lăng xê” chương trình “chữa lành”

Mỗi năm, Ấn Độ đón gần 2 triệu bệnh nhân từ nhiều khu vực trên thế giới, mang lại doanh thu 4 tỷ USD. Đặt mục tiêu tăng con số này lên 12 tỷ USD, trở thành điểm đến du lịch y tế hàng đầu, Chính phủ Ấn Độ đã lên kế hoạch giới thiệu chương trình “Chữa lành tại Ấn Độ”. Một phần trong chương trình là thị thực AYUSH dành riêng cho khách đến Ấn Độ chăm sóc y tế hay du lịch y học cổ truyền. Các nhà đầu tư cũng nhận định Ấn Độ đầy hứa hẹn để họ rót tiền xây bệnh viện, mở các gói bảo hiểm du lịch y tế cho người nước ngoài đến đây.

Mỹ tự hào về phương pháp điều trị ung thư tiên tiến, Hàn Quốc nổi tiếng về phẫu thuật thẩm mỹ, Nhật Bản nổi bật với kiểm tra sức khỏe toàn diện, Thổ Nhĩ Kỳ có ngành công nghiệp cấy tóc phát triển mạnh mẽ, Thái Lan hấp dẫn vì thân thiện, đội ngũ y tế chuyên nghiệp và chi phí thấp. Trung Quốc dù đang tập trung phát triển nhưng vẫn chưa thật sự có tên trên bản đồ du lịch y tế. Tuy vậy, đầu tư theo lộ trình các năm qua của nền kinh tế thứ hai thế giới đã bắt đầu cho “trái ngọt”.

Thượng Hải với gần 25 triệu dân đã đón hơn 3 triệu lượt khách du lịch trong nửa đầu năm nay, tăng 143% so với cùng kỳ năm ngoái. Có được con số này nhờ Trung Quốc đưa ra chính sách gia hạn thị thực quá cảnh miễn phí 144 giờ cho 54 quốc gia để thu hút nhân tài và nhà đầu tư; cũng là một tiện ích cho bệnh nhân đến đây chữa bệnh.

Khác với chiến lược ở những thành phố lớn của các nước châu Á tập trung vào chi phí, Thượng Hải lấy đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm điều trị các bệnh phức tạp làm lợi thế. Bà Sun Yun, Phó giám đốc Bệnh viện Renji tự hào nói: “Mọi người nói đến ghép gan sẽ nghĩ đến Renji”. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đầu tư công phu và dài hạn vào các bệnh viện lớn ở Thâm Quyến, đảo Hoa Nam... những nơi có điểm du lịch hấp dẫn. “Nhất tiễn song điêu”, khách đến không vì mê mẩn cảnh sắc đẹp thì cũng hài lòng vì được chăm sóc sức khỏe hiện đại.

Truyền thông và công nghệ góp phần thay đổi cách làm du lịch y tế

Với lối khám và chữa bệnh truyền thống trước đây, tên tuổi bác sĩ thường gắn liền với bệnh viện hay cơ sở y tế nơi họ làm việc. Giờ đây với sự phát triển của các dịch vụ chăm sóc sức khỏe kỹ thuật số, bác sĩ và nhà cung cấp dịch vụ y tế đã chú trọng đầu tư vào danh tiếng trên các nền tảng trực tuyến.

Nói đâu xa, ngay tại Việt Nam, vài năm trở lại đây, mở Facebook, Instagram, TikTok, Twitter và LinkedIn có thể tìm được nhiều trang thông tin chính thức của bệnh viện hay trang cá nhân của bác sĩ với rất nhiều buổi livestream tư vấn y tế, hàng triệu video ngắn chia sẻ về bệnh học, cả trong nước lẫn quốc tế. Không thể phủ nhận phương tiện truyền thông xã hội tác động lớn đến cách mọi người xem và lựa chọn điểm đến du lịch kiêm chăm sóc sức khỏe.

Chính phủ, nhất là Bộ Nội vụ Ấn Độ đang tích cực khuyến khích phương tiện truyền thông xã hội lan tỏa thông tin về thị thực y tế và hợp tác với các cơ quan liên ngành để thúc đẩy du lịch chăm sóc sức khỏe. Cố vấn của Bộ Y tế Ai Cập hồi tháng 6 vừa qua cho biết chính phủ nước này đã sẵn sàng ra mắt nền tảng du lịch y tế trực tuyến. Theo đó, người dùng có thể đặt chỗ tại bất kỳ bệnh viện nào ở Ai Cập, đồng thời nộp đơn cấp và nhận thị thực điều trị y tế trong vòng 72 giờ.

Nhiều đơn vị chăm sóc sức khỏe công và tư nhân cũng ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), phổ biến nhất là quản lý bệnh nhân, bệnh án và chẩn đoán. Trong khi đó, nền tảng mạng xã hội sử dụng AI có khả năng theo dõi những thảo luận và điều chỉnh nội dung, từ đó cải thiện trải nghiệm người dùng.