Với thời gian từ khi thi công đến hoàn thành chỉ vỏn vẹn hơn 7 tháng, dự án
Đường dây 500kV mạch 3: Thần tốc để tiết kiệm
Thông tin cho Tuổi Trẻ, đại diện Công ty vận hành hệ thống điện và thị trường điện Quốc gia (NSMO) cho hay kể từ khi đi vào vận hành ngày 28-8 đến nay, hệ thống đường dây 500 kV mạch 3 đã được vận hành một cách an toàn, đảm bảo cung cấp điện cho hệ thống.
Đường dây vận hành đã ngay lập tức giúp đã nâng cao khả năng truyền tải công suất từ miền Trung, miền Nam ra Bắc trong giai đoạn mùa khô. Đồng thời, giải tỏa nguồn năng lượng thủy điện miền Bắc trong mùa lũ.
Nhờ đó, giới hạn truyền tải hiện tại đã được nâng lên đến 3600MW. Thời gian tới sau khi hoàn thiện, sẽ nâng tiếp giới hạn truyền tải lên 4.600-5000MW theo từng chế độ vận hành. Điều này có ý nghĩa lớn khi trước đó, với 2 mạch đường dây 500kV, giới hạn truyền tải chỉ tương ứng 2200MW/1850MW trên giao diện Bắc - Trung.
Những con số được NSMO thống kê đã cho thấy rõ hiệu quả.
Cùng đó, sản lượng truyền tải trên đường dây Phố Nối - Thanh Hóa đạt 87 triệu kWh, đường dây Thanh Hóa - Quảng Trạch đạt 185 triệu kWh theo chiều Bắc - Trung.
Sản lượng truyền tải của cả giao diện là 940 triệu kWh. Theo chiều ngược lại, sản lượng truyền tải trên đường dây Phố Nối - Thanh Hóa đạt 168 triệu kWh, đường dây Thanh Hóa – Quảng Trạch đạt 67 triệu kWh theo chiều Trung – Bắc, trong khi sản lượng truyền tải của cả giao diện là 530 triệu kWh.
Để đảm bảo vận hành, NSMO đã chủ động tính toán, lập phương thức vận hành để khai thác tối đa lợi ích từ công trình trọng điểm này.
Nhờ khả năng truyền tải, đường dây sau khi đóng điện đã tăng cường liên kết của hệ thống điện quốc gia, nâng cao tính an toàn, ổn định và khả năng cung cấp điện liên tục trong các tình huống bất thường của hệ thống điện.
Đồng thời nâng cao tính linh hoạt trong vận hành, đảm bảo khai thác các nguồn thủy điện lớn miền Bắc trong mùa lũ, giải tỏa các nguồn năng lượng tái tạo từ miền Trung, miền Nam.
Từng gắn bó với ngành điện khi tham gia xây dựng đường dây 500kV mạch 1, mạch 2, ông Nguyễn Thái Sơn - phó chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho hay, đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch - Phố Nối được xem là kỳ tích của ngành điện.
Bởi đường dây này được ví như xa lộ hệ thống điện, là cao tốc ngành điện, giúp tránh các sự cố nghiêm trọng, quá tải và đảm bảo cung ứng điện.
Trực tiếp lăn lộn trên công trường suốt gần ba tháng, ông Đỗ Đức Mạnh - trưởng phòng Đền bù Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Bắc (Ban A Miền Bắc - NPMB) chia sẻ đến giờ mới có chút thời gian "xả hơi" sau nhiều tháng bám trụ địa bàn để thực hiện nhiệm vụ giải phóng mặt bằng - vốn được xem là công việc khó nhất, "xương nhất" khi làm dự án.
Nhớ lại vào thời điểm tháng 12, dự án mới được phê duyệt chủ trương đầu tư, thời gian để bàn giao móng cho nhà thầu thi công không nhiều, trong khi một số tỉnh yêu cầu phải phê duyệt kỹ thuật mới thực hiện, nên áp lực tiến độ đè nặng.
Theo ông Mạnh, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng phải hoàn thành tiến độ dự án vào tháng 6-2024, như một kim chỉ nam xuyên suốt quá trình làm dự án, xuống đến từng cấp, ngành và mỗi thành viên tham gia dự án.
Như với công tác giải phóng mặt bằng, làm móng, cột, khối lượng công việc lớn trải dài 9 tỉnh, song chỉ thực hiện trong vòng 3-4 tháng, trong khi một dự án bình thường khi triển khai kéo dài cả năm, hoặc thậm chí vài năm, gây lãng phí nguồn lực rất lớn.
Thêm nữa, việc dự án triển khai nhanh, làm đồng thời nhiều bước cũng giúp cho người dân được trực tiếp "mắt thấy tai nghe", nên càng nhận được sự ủng hộ và tin tưởng, nên hiệu quả mang lại thấy rất rõ là tiến độ được đảm bảo.
Đặt trong bối cảnh đã có không ít dự án năng lượng, điện bị chậm tiến độ thời gian qua, việc đường dây 500kV đi vào vận hành kịp thời cũng đã phá vỡ đi không ít tư tưởng, quan điểm về việc, khó có thể hoàn thành các dự án, công trình trọng điểm quốc gia đúng tiến độ.
Đặc biệt với một khối lượng công việc khổng lồ của một đường dây có chiều dài 519 km, 1.177 vị trí cột đi qua 9 tỉnh.
Là nhà thầu thi công, ông Lê Văn Tám - phó giám đốc Công ty TNHH MTV Xây lắp điện 2 nhìn nhận việc Thủ tướng chỉ đạo quyết liệt hoàn thành dự án được xem như sợi chỉ đỏ xuyên suốt, vừa là áp lực, nhưng cũng tạo nên nỗ lực để tất cả các lực lượng tham gia vào dự án càng quyết tâm hơn.
Với Xây lắp điện 2 khi đảm nhận 4 gói thầu lớn qua các cung đoạn Quảng Trạch - Quỳnh Lưu, Quỳnh Lưu - Thanh Hóa vào tháng 1-2024, việc bàn giao mặt bằng đều không đồng bộ, cùng hàng loạt khó khăn khiến nhà thầu phải nghĩ ra các phương án vừa tối ưu chi phí, vừa nâng cao hiệu quả và đảm bảo tiến độ.
Dù vậy, cũng có những tính toán không lường được hết khi dự án thi công khẩn trương, trong điều kiện nhiều yếu tố bất lợi như thiếu nguyên liệu, thời tiết thất thường.
Vừa phải thuê thêm nhân công, thiết bị, lại phải làm việc tăng ca, tăng kíp, nên chi phí trực tiếp cho thi công có tăng hơn so với thông thường.
Tuy nhiên, khi tiến độ được đẩy nhanh hơn, thời gian thi công được rút ngắn, đã giúp bù đắp được các khoản chi phí tăng thêm.
Đặc biệt, việc sớm hoàn thành dự án còn giúp nhà thầu có cơ hội nhận việc sớm ở dự án khác, không bị mất đi chi phí cơ hội nếu dự án bị kéo dài. Vì vậy, tính toán tổng thể, dự án vẫn mang lại hiệu quả kinh tế cho nhà thầu.
Chia sẻ lại quá trình thực hiện dự án, lãnh đạo EVN cho rằng đây là thời kỳ mà cả tập đoàn luôn bật chế độ sẵn sàng, làm việc liên tục.
Tuy vậy, sự thành công của dự án có vai trò rất quan trọng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành, địa phương, các đơn vị tham gia dự án, đã chỉ đạo xuyên suốt, quyết tâm thực hiện dự án đúng tiến độ.
Dẫn chứng là với công tác chuẩn bị đầu tư, chỉ sau 5 tháng kể từ thời điểm quyết định triển khai, các dự án thành phần đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư cùng với chuyển đổi mục đích sử dụng rừng.
Đây là thời gian kỷ lục, hoàn thành trong chưa đầy nửa năm trong khi các dự án có quy mô tương tự phải mất từ 2-3 năm.
Hay với công tác lựa chọn nhà thầu, các đơn vị tập trung mọi nhân lực có chuyên môn, tổ chức xét thầu tập trung, làm ngày đêm, không có ngày nghỉ, hoàn thành trong khoảng 60 ngày.
Ngay sau khi được Thủ tướng chấp thuận chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, các thủ tục được thực hiện ngay và hoàn thành để bàn giao mặt bằng đồng bộ với tiến độ thi công.
Đặc biệt, công tác thi công thực hiện liên tục với tinh thần làm xuyên lễ, Tết, ngày nghỉ, nên sau hơn 7 tháng thi công, dự án đã hoàn thành và đóng điện.
Theo lãnh đạo EVN, việc triển khai đầu tư xây dựng dự án 500kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối đã giúp tập đoàn này có thêm những bài học quý báu.
Theo đó, EVN xác định phương hướng, cách thức để thực hiện công tác đầu tư xây dựng các dự án, công trình trọng điểm khác trong thời gian tới cũng theo phương châm "Tốt hơn - Nhanh hơn - Hiệu quả và An toàn hơn".
Đây được xem là chìa khóa để giúp tập đoàn tiết kiệm, chống lãng phí và nâng cao hiệu quả đầu tư, mang lại những lợi ích lớn hơn cho ngành điện và người dân và cả nền kinh tế trong dài hạn.