Đường sắt tốc độ cao ở các nước chưa từng xảy ra tai nạn

Điểm mạnh của việc đi lại bằng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là an toàn. Đơn cử như tàu Shinkansen của Nhật được xây dựng từ năm 1964 nhưng đến nay chưa có vụ tai nạn nào xảy ra, các nước trên thế giới cũng vậy. Đường sắt tốc độ cao điện khí hóa, thân thiện với môi trường.

Đường sắt tốc độ cao chính xác từng phút

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa ban hành Quyết định số 1191 về kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực GTVT. Tại phần giải pháp, Bộ này nhấn mạnh mục tiêu trong giai đoạn 2024-2030 là hoàn hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư, thu xếp nguồn lực để khởi công một số tuyến đường sắt mới, trong đó ưu tiên tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.

Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2030 sẽ hoàn thành giai đoạn chuẩn bị đầu tư và đầu tư xây dựng các đoạn ưu tiên trên tuyến đường sắt tốc độ cao Hà Nội - TPHCM. Nghiên cứu, rà soát, đề xuất chính sách khuyến khích đơn vị kinh doanh vận tải chuyển đổi từ vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ sang vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt.

Trước đó, tại tọa đàm “Đường sắt tốc độ cao - Thời cơ và thách thức” do Cổng Thông tin Điện tử Chính phủ tổ chức, ông Hoàng Gia Khánh - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam - khẳng định vận tải đường sắt là phương thức giao thông quan trọng. So với hình thức khác, đường sắt có lợi thế vận tải hàng hóa lớn, hiệu suất cao, đặc biệt là độ an toàn, chi phí trung bình.

Theo ông Khánh, điểm mạnh của việc đi lại bằng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là an toàn. Đơn cử như tàu Shinkansen của Nhật được xây dựng từ năm 1964 nhưng đến nay chưa có vụ tai nạn nào xảy ra, các nước trên thế giới cũng vậy.

Đường sắt tốc độ cao ở các nước chưa từng xảy ra tai nạn- Ảnh 1.

Tàu Shinkansen (trong hình) của Nhật chưa có vụ tai nạn nào xảy ra.

Bên cạnh đó, thời gian đi lại bằng đường sắt tốc độ cao được xác định chính xác từng phút. Hành khách đi trên tàu này có không gian rộng rãi, di chuyển trên tàu dễ dàng. Ngoài ra, các nhà ga đặt ở các khu trung tâm, khu phát triển dân số đông cũng tạo thuận lợi cho hành khách đi lại so với các hình thức giao thông khác. Đường sắt này điện khí hóa, thân thiện với môi trường, mang lại hiệu quả về môi trường...

Tổng Giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đánh giá, vận tải đường sắt tốc độ cao, khi hình thành, sẽ đóng vai trò quan trọng, đồng bộ kết nối 5 phương thức chính gồm đường bộ, đường sắt , hàng hải, hàng không, đường thủy nội địa, theo trục Bắc - Nam. Điều này không chỉ tận dụng thế mạnh từng phương thức mà còn tối ưu hóa hệ thống vận chuyển, giảm chi phí logistics, nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế. Khi phương thức vận tải hàng hóa linh hoạt nhanh chóng, tiết kiệm chi phí, sẽ góp phần phát triển kinh tế xã hội.

Cần 5,6 tỷ USD mỗi năm cho dự án

Liên quan đến dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy cho biết Bộ đã xây dựng nhu cầu nguồn vốn và phương án đầu tư. Nguồn lực đầu tư toàn tuyến dự kiến khoảng hơn 67 tỷ USD và hoàn toàn sử dụng vốn đầu tư công.

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy, nếu dự kiến hoàn thành cơ bản dự án vào năm 2035 thì thời gian giải ngân khoảng 12 năm, bình quân mỗi năm Việt Nam cần 5,6 tỷ USD. Nếu dự kiến khởi công dự án vào năm 2027 thì tỷ lệ so với GDP là khoảng 1% GDP.

Đường sắt tốc độ cao ở các nước chưa từng xảy ra tai nạn- Ảnh 2.

Việc cân đối và huy động nguồn vốn thực hiện dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam không phải là thách thức lớn trong thời điểm hiện nay.

Hiện tại, Bộ GTVT đang phối hợp với Bộ Tài chính để đánh giá những chỉ tiêu tài chính vĩ mô, trên cơ sở quy mô nền kinh tế và mức nợ công của nước ta hiện nay; phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá khả năng cân đối vốn cũng như các đánh giá, tính toán khác, từ đó cho thấy việc cân đối và huy động nguồn vốn không phải là thách thức lớn trong thời điểm hiện nay…