EU buộc phải nhượng bộ vấn đề này trước Moscow

Các lệnh trừng phạt của châu Âu nhắm vào mọi vấn đề của kinh tế, chính trị, văn hóa Nga song riêng lĩnh vực này thì EU buộc phải nhượng bộ.

Ủy ban châu Âu vừa chấp thuận hợp đồng sửa đổi của Hungary trong việc cho phép Tập đoàn hạt nhân Nga (Rosatom) vận hành các lò phản ứng hạt nhân mới tại nhà máy điện hạt nhân Paks.

Bộ trưởng Ngoại giao Peter Szijjarto cho biết, Hungary đã nhận được sự chấp thuận của giới chức EU để tiếp tục công việc với Nga bất chấp các mâu thuẫn xoay quanh vấn đề Ukraine.

Theo Reuters, dự án đã bị trì hoãn kéo dài và các quan chức Hungary đã thảo luận về việc thay đổi hợp đồng để bao gồm một công ty quản lý dự án nhằm đẩy nhanh tiến độ.

“Chúng tôi đã được Ủy ban châu Âu bật đèn xanh. Ủy ban đã phê duyệt những thay đổi trong hợp đồng của các lò phản ứng mới sẽ được xây dựng ở Paks, cả hợp đồng xây dựng và hợp đồng tài chính” - Ngoại trưởng Hungary Szijjarto cho biết.

Chính quyền Hungary trước đây cho biết việc mở rộng cơ sở hạ tầng Paks được coi là rất quan trọng đối với an ninh năng lượng của quốc gia. Nhà máy điện hạt nhân Paks sản xuất hơn một nửa lượng điện tiêu thụ trong nước.

Moscow và Budapest đã đạt được thỏa thuận mở rộng nhà máy vào năm 2014, với Rosatom được dự định là nhà xây dựng hai lò phản ứng mới với công suất 1,2 gigawatt mỗi lò.

Điện hạt nhân không nằm trong lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu đối với Moscow và Hungary đã nhiều lần tuyên bố sẽ phản đối bất kỳ nỗ lực nào nhằm áp đặt các hạn chế đối với lĩnh vực hạt nhân của Nga.

Trước đó, nỗ lực từ một số nước châu Âu đối với việc trừng phạt ngành hạt nhân Nga cũng bị chính các nước châu Âu khác phản ứng. Pháp và Hungary là những thành viên phản đối mạnh mẽ nhất việc trừng phạt ngành hạt nhân Nga.

Pháp đã đặt niềm tin vào việc sử dụng nhà máy điện hạt nhân trong nước để giải quyết tình trạng thiếu hụt năng lượng.

Hiện nay, hạt nhân đóng góp đến 70% tổng công suất phát điện của Pháp, một tỷ lệ vượt trội so với bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Với 56 lò phản ứng, ngành công nghiệp điện hạt nhân tại Pháp đã xây dựng quy mô lớn nhất châu Âu và chỉ xếp sau Mỹ trên toàn cầu. Đến 12 quốc gia châu Âu, có 1/4 sản lượng điện được tạo ra từ năng lượng hạt nhân, trong đó Pháp chiếm hơn một nửa công suất sản xuất.

Việc trừng phạt ngành hạt nhân của Nga sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ đến nỗ lực duy trì sức khỏe của ngành năng lượng trụ cột ở châu Âu và khiến tình hình trở nên phức tạp hơn rất nhiều cho mùa đông tới.