Thông tin Tập đoàn Zhongzhi nộp đơn xin phá sản được Hãng tin AFP dẫn từ một tòa án ở Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 5-1.
Theo thông tin tòa án đăng trên kênh WeChat, Zhongzhi nộp đơn xin phá sản vì "không thể trả các khoản nợ đến hạn".
Tòa án cho biết ngày 5-1 họ đã xem xét và ra phán quyết chấp nhận đơn xin phá sản của Zhongzhi.
Trước đó, Zhongzhi đã tuyên bố vỡ nợ với khoản nợ ước lên tới gần 66 tỉ USD.
Cuối tháng 11-2023, cảnh sát Bắc Kinh (nơi đặt trụ sở chính tập đoàn) đã mở cuộc điều tra một số lãnh đạo Zhongzhi.
Trong thời kỳ bùng nổ bất động sản Trung Quốc, Zhongzhi đã rót vốn cho rất nhiều nhà phát triển địa ốc.
Theo ngân hàng đầu tư Nomura, Zhongzhi quản lý khối tài sản trị giá hơn 1.000 tỉ nhân dân tệ, khoảng 141 tỉ USD. Tuy nhiên, tập đoàn đã bị cuốn vào cuộc khủng hoảng bất động sản ở Trung Quốc, rồi sa vào cảnh không thể trả nợ cho nhà đầu tư.
Phần lớn chủ nợ của Zhongzhi là những cá nhân giàu có chứ không phải các tổ chức tài chính, nên việc tập đoàn này phá sản có tác động trực tiếp không quá lớn đến hệ thống tài chính. Tuy nhiên, vụ việc bộc lộ rủi ro của lĩnh vực tín thác trị giá 2.900 tỉ USD của Trung Quốc.
Những năm gần đây, trong khi các quỹ tín thác đối thủ tìm cách giảm bớt rủi ro, Zhongzhi và các chi nhánh vẫn mở rộng tài trợ cho các nhà phát triển bất động sản đang gặp khó khăn, song song việc thu mua tài sản của các công ty khác, trong đó có cả Tập đoàn Evergrande.
"Sự đi xuống của thị trường bất động sản, cùng các chính sách nghiêm ngặt và biện pháp chống tham nhũng tài chính gia tăng đã ngăn công ty thu hồi tài sản kịp thời" - ông Zhao Jian, người đứng đầu Viện nghiên cứu tài chính Atlantis ở Bắc Kinh, cho biết.
Trong những vụ vỡ nợ nghiêm trọng nhất của Trung Quốc thời gian gần đây, các công ty có xu hướng tiến hành tái cơ cấu nợ trước tiên, tránh nộp đơn xin phá sản chính thức.
HNA Group, tập đoàn sụp đổ với khoản nợ hàng tỉ đô la, đã hoàn thành tái cơ cấu vào năm 2022.
Tập đoàn Evergrande, vỡ nợ vào năm 2021 với khoản nợ khoảng 327 tỉ USD, vẫn đang vật lộn cơ cấu và chưa nộp đơn xin phá sản tại địa phương.
Các "ngân hàng ngầm" như Zhongzhi là những công ty được quản lý lỏng lẻo, tập hợp tiền tiết kiệm của hộ gia đình để cho vay và đầu tư vào bất động sản, cổ phiếu, trái phiếu và hàng hóa.
Ngành tín thác của Trung Quốc là nguồn tài trợ thay thế quan trọng cho những người đi vay không thể vay vốn ngân hàng thường xuyên như các nhà phát triển bất động sản.