Gần 300 gian hàng tham gia Triển lãm quốc tế ngành lương thực thực phẩm TP.HCM lần 2

business

Nhằm kích cầu tiêu dùng, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố (ITPC) chủ trì, phối hợp với Hội Lương thực thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh (FFA), Công ty CP Quảng cáo và Hội chợ Triển lãm CIS Việt Nam tổ chức Triển lãm quốc tế ngành Lương thực thực phẩm TP.HCM lần thứ 2 năm 2023 (HCMC FOODEX 2023) từ ngày 28 đến ngày 30 tháng 06 năm 2023 tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn – SECC.

z4358522499141-c1dc2b7a4263db14cf0c032b2dc71947-1684736906.jpg

Triển lãm với chủ đề “Kết nối giá trị cùng phát triển”, dự kiến thu hút khoảng gần 300 gian hàng cùng sự góp mặt của hơn 200 đơn vị trưng bày đến từ trong nước và quốc tế.

Tại đây, các doanh nghiệp tham dự sẽ trưng bày và giới thiệu các sản phẩm thuộc nhóm sản phẩm lương thực thực phẩm, thiết bị công nghệ máy móc chế biến, đóng gói và bảo quản. HCMC FOODEX 2023 không chỉ là cầu nối giúp các doanh nghiệp trong nước và quốc tế có cơ hội hợp tác mà còn là diễn đàn để các doanh nghiệp giới thiệu máy móc, sản phẩm, giao lưu chia sẻ các công nghệ tiên tiến về lĩnh vực sản xuất, chế biến lương thực thực phẩm. 

Ông Nguyễn Đặng Hiến - Phó Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM (FFA) chia sẻ tại buổi họp báo: “Triển lãm lần đầu thu hút hơn 18.000 lượt khách trong và ngoài nước tham gia với gần 250 gian hàng và đa số ở đây là các DN thành viên của chúng tôi. Tôi tin rằng Triển lãm lần này sẽ tiếp tục mang đến cho DN sản xuất LTTP TP. HCM cơ hội mở rộng các hoạt động kết nối giao thương; giới thiệu các sản phẩm mang thương hiệu Việt ra thị trờng trong nước, khu vực và quốc tế cũng như tiếp cận, học hỏi và đổi mới máy móc, thiết bị công nghệ tiên tiến vào quá trình sản xuất kinh doanh; giúp các DN chủ động trong các khâu nghiên cứu sản phẩm mới chất lượng và an toàn, đủ sức cạnh tranh tại thị trường trong nước và xuất khẩu. Tôi kỳ vọng rằng đây cũng là nơi các DN đang hoạt động trong tất cả phân khúc chuỗi giá trị của ngành LTTP trong và ngoài nước có thể tập hợp cùng nhau để thảo luận, trao đổi ý kiến, thiết lập các mối quan hệ chuyên nghiệp và cùng nhau phát triển”.

z4358522486905-c9ca9507801eef761eefacccccd5799b-1684736906.jpg

Ông Trần Phú Lữ - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu Tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) cho biết: “Ngành lương thực thực 7phẩm luôn là một trong những ngành kinh tế quan trọng và có nhiều tiềm năng phát triển của Việt Nam. Hiện tại, Việt Nam đã tham gia ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do và vấn đề đảm bảo an ninh lương thực đang được nhiều nước quan tâm trước nguy cơ khủng hoảng lương thực toàn cầu đã mang lại nhiều cơ hội và lợi thế phát triển cho doanh nghiệp ngành sản xuất, chế biến lương thực thực phẩm Việt Nam. Riêng với Thành phố Hồ Chí Minh thì ngành chế biến lương thực, thực phẩm là một trong bốn ngành công nghiệp trọng điểm ưu tiên phát triển của Thành phố. Năng lực sản xuất của doanh nghiệp sản xuất lương thực thực phẩm thành phố không chỉ đảm bảo đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân thành phố và thị trường trong nước mà đã xuất khẩu đến thị trường nhiều nước trên thế giới.

Được biết, tại Triển lãm có nhiều hội thảo, tọa đàm: “Xu hướng và công nghệ mới trong ngành thực phẩm chế biến”; “Nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp ngành lương thực thực phẩm vào thị trường Trung Quốc”; “Chiến lược và thách thức cho doanh nghiệp lương thực thực phẩm khi tham gia vào thị trường toàn cầu”; “Tương lai của thực phẩm xanh, sạch và phát triển bền vững”. Và nhiều hoạt động kết nối giao thương B2B với các doanh nghiệp, kênh thương mại điện tử, siêu thị…và các nhà mua hàng.

Ngành chế biến lương thực - thực phẩm TP.HCM là ngành trọng điểm của thành phố, chiếm 14 - 15% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp. Trong tháng 4, tình hình kinh tế - xã hội Thành phố có một số điểm tích cực như chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) ước tính tăng 3,0% so với tháng trước và tăng 8,1% so với cùng kỳ; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng 12,2% so với tháng trước; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 có xu hướng giảm 0,11% so với tháng 3, sau khi tăng liên tục trong quý I.

Minh Anh