Gia tăng nguy cơ thương chiến "ăn miếng, trả miếng" từ chính sách của Tổng thống Donald Trump

Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tiếp công bố, hoặc dọa áp thuế với hàng loạt đối tác làm tăng nguy cơ xung đột thương mại giữa các quốc gia.

"Phát súng" châm ngòi thương chiến toàn cầu

Theo các chuyên gia, thuế quan bổ sung sẽ là những rào cản thương mại với kinh tế toàn cầu và có những tác động khó đoán định nếu các bên cùng "ăn miếng, trả miếng".

Trong động thái mới nhất, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen hôm 4/2 tuyên bố Liên minh châu Âu (EU) sẽ sẵn sàng cho các cuộc đàm phán khó khăn với Mỹ để bảo vệ lợi ích của liên minh này trước nguy cơ Mỹ tăng thuế thương mại. Bà Ursula von der Leyen cho biết: "Những khoản thuế này sẽ làm tăng chi phí kinh doanh, gây hại cho người lao động và người tiêu dùng, tạo ra xáo trộn kinh tế không cần thiết và thúc đẩy lạm phát. Chúng tôi không thấy điều tốt đẹp nào từ việc này. Vì vậy, chúng tôi ưu tiên các cuộc thảo luận hiệu quả và tham gia từ sớm".

Các nhà phân tích cảnh báo các mức thuế mới nhất của ông Trump đối với Trung Quốc, Mexico và Canada có thể là phát súng đầu tiên trong một cuộc chiến thương mại rộng lớn hơn. "Lộ trình thuế quan sắp tới, chúng tôi cho rằng Mỹ sẽ tiếp tục áp thuế lên hầu hết các quốc gia mà họ có thâm hụt thương mại, đặc biệt là các nền kinh tế lớn như Liên minh châu Âu. Bên cạnh đó cũng cần nhắc tới các quốc gia tại ASEAN, Australia", ông Cameron Johnson - Chuyên gia về chuỗi cung ứng, Công ty Tidalwave Solutions nhận định.

Giáo sư Qiu Buhui - Trường Kinh doanh thuộc Đại học Sydney, Australia đánh giá: "Thị trường sẽ chứng kiến những biến động nhất định sắp tới, vì Mỹ đã đe dọa các đối tác thương mại nếu họ trả đũa, nước này sẽ áp thuế cao hơn. Điều này có thể làm gia tăng sự bất ổn của kinh tế toàn cầu. Chủ nghĩa bảo hộ thương mại sẽ càng gia tăng".

Gia tăng nguy cơ thương chiến "ăn miếng, trả miếng" từ chính sách của Tổng thống Donald Trump- Ảnh 1.

Những chính sách kinh tế của chính quyền Donald Trump đã làm chao đảo thị trường toàn cầu.

Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính thuế quan của Mỹ sẽ khiến tăng trưởng kinh tế thế giới chỉ đạt 2,4% năm 2025, thấp hơn so với mức dự đoán tăng 2,7% trước đó. Áp lực lạm phát có khả năng gia tăng và các ngành công nghiệp phụ thuộc vào hàng nhập khẩu, như những lĩnh vực sản xuất thép, dầu và sản phẩm hóa dầu của Mỹ, sẽ phải đối mặt với chi phí cao hơn.

Dự báo những chính sách bảo hộ có thể dẫn tới việc hình thành các khối thương mại mới. Sẽ không có bên nào chiến thắng trong xung đột thương mại và cạnh tranh thuế quan.

Cơ hội nào cho Châu Á?

Trong báo cáo mới công bố, ông Frederic Neumann, Chuyên gia Kinh tế trưởng Khối Nghiên cứu Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương, Ngân hàng HSBC đánh giá điều ổn định duy nhất về thương mại toàn cầu hiện nay lại chính là "sự bất định to lớn".

Viêc ông Trump tuyên bố hoãn việc áp thuế 25% đối với Mexico và Canada trong 30 ngày, trong khi vẫn áp dụng mức thuế 10% đối với Trung Quốc, khiến nước này triển khai các biện pháp trả đũa, bao gồm áp dụng thuế quan tập trung trong phạm vi hẹp và hạn chế xuất khẩu sang Mỹ.

Nhìn về tương lai, dưới nhiệm kỳ Tổng thống thứ hai của ông Trump, câu hỏi đặt ra là Trung Quốc sẽ tiếp cận quan hệ kinh tế, thương mại với Mỹ như thế nào? "Chúng tôi cho rằng Trung Quốc sẽ thay thế một số mặt hàng xuất khẩu trực tiếp sang Mỹ bằng nhiều khoản đầu tư nước ngoài, tăng cường thương mại với các nền kinh tế mới nổi. Từ đó củng cố vị thế trung tâm của mình trong chuỗi cung ứng toàn cầu thông qua xuất khẩu linh kiện và sản xuất công nghệ cao. Tránh những điều chỉnh lớn về tỷ giá, đồng thời tận dụng cơ hội tốt nhất để triển khai các biện pháp kích thích kinh tế mạnh mẽ và cải cách cơ cấu", ông Frederic Neumann nhận định.

Theo đại diện HSBC, ASEAN được cho là sẽ hưởng lợi đáng kể từ những xu hướng này. Khu vực này đã vượt Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) để trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Trung Quốc, đồng thời cải thiện năng lực sản xuất trong nhiều ngành công nghiệp, từ xe điện đến điện tử tiêu dùng, nhờ vào sự hỗ trợ từ các khoản đầu tư của Trung Quốc.

Bên cạnh đó, chính sách thiên về giảm nhập khẩu của Mỹ dưới thời ông Trump có thể vô tình tạo động lực cho Châu Á thay đổi mô hình tăng trưởng, vốn trước đây phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu sang Mỹ. "Tách rời" không đồng nghĩa với việc rút lui khỏi thương mại hay quay lưng lại với Mỹ, vốn là một đối tác thương mại quan trọng, mà là cơ hội để Châu Á thúc đẩy những động lực tăng trưởng mới.

Gia tăng nguy cơ thương chiến "ăn miếng, trả miếng" từ chính sách của Tổng thống Donald Trump- Ảnh 2.

Trung Quốc phản ứng thận trọng trước thuế quan của ông Trump.

Giải quyết sự mất cân đối giữa tiết kiệm và đầu tư

Theo ông Frederic Neumann, có hai trụ cột chính trong chiến lược tập trung tăng trưởng nội khối của Châu Á. Trước hết, khu vực này cần giải quyết sự mất cân đối giữa tiết kiệm và đầu tư. Mặc dù tiết kiệm là một đức tính tốt, nhưng việc tích lũy vốn quá mức mà không thể chuyển sang đầu tư hiệu quả sẽ kìm hãm tăng trưởng. Mặt khác, gia tăng đầu tư có thể giúp cân bằng lượng nguồn vốn tiết kiệm dôi dư, nhưng sẽ kém hiệu quả nếu các cơ hội đầu tư sinh lời đã cạn kiệt. Đầu tư nhiều hơn cũng đồng nghĩa với việc sản xuất nhiều hàng hóa hơn mà cuối cùng sẽ cần phải tìm đầu ra tiêu thụ.

Giải pháp cho vấn đề này nằm ở việc thúc đẩy tiêu dùng nội địa. Khi nhu cầu tiêu dùng trong khu vực tăng lên, Châu Á sẽ không chỉ giảm phụ thuộc vào thị trường nước ngoài, mà còn góp phần nâng cao tiêu chuẩn sống của các hộ gia đình. Tuy nhiên, các hộ gia đình Châu Á, vốn có thói quen tiết kiệm cao, sẽ cần được khuyến khích gia tăng chi tiêu. Các nhà hoạch định chính sách có thể hỗ trợ quá trình này bằng cách tăng thu nhập và nâng cao phúc lợi xã hội toàn dân.

Ngay cả khi không thể giảm ngay lượng tiết kiệm dư thừa ở một số khu vực, Châu Á vẫn có thể tái phân bổ vốn hiệu quả từ các nền kinh tế có tỷ lệ tiết kiệm cao như Trung Quốc đại lục, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore và Nhật Bản sang các thị trường cần nhiều vốn đầu tư hơn, chẳng hạn như Ấn Độ, Indonesia, Philippines và Bangladesh. Đây là lúc trụ cột thứ hai trong chiến lược "tách rời" của Châu Á phát huy tác dụng.

Mặc dù dòng vốn đầu tư và các chuỗi cung ứng đã được hình thành chéo trong khu vực, phần lớn vẫn tập trung vào việc phục vụ các thị trường phương Tây. Thay vì tiếp tục xuất khẩu đến thị trường Mỹ hay Châu Âu, nơi các rào cản thương mại ngày càng gia tăng, Châu Á có thể mở rộng thị trường trong chính nội khối thông qua hoạt động đẩy mạnh hội nhập khu vực.

Cũng theo ông Frederic Neumann, châu Á cũng có thể tăng cường thương mại và đầu tư nội khối với việc tận dụng các hiệp định thương mại như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), với các thành viên ASEAN và Đông Bắc Á, hay Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), với sự tham gia của 11 nền kinh tế từ Châu Á và Châu Mỹ.

"Việc mở rộng các hiệp định này để bổ sung thêm khu vực Nam Á sẽ đánh dấu một bước tiến quan trọng, giúp xây dựng khả năng thích ứng khu vực mạnh mẽ hơn trong kỷ nguyên "tách rời"", đại diện HSBC dự báo.