Giá thực phẩm đang ở đỉnh 18 tháng và những mặt hàng này sẽ còn đắt đỏ hơn nữa

Giá thực phẩm toàn cầu đang ở mức đỉnh một năm rưỡi và có rất nhiều loại hàng hóa tiếp tục tăng mà chưa thấy điểm dừng.

Giá thực phẩm đang ở đỉnh 18 tháng và những mặt hàng này sẽ còn đắt đỏ hơn nữa- Ảnh 1.

Theo dữ liệu mới nhất từ Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO), giá thực phẩm toàn cầu hiện đang ở mức cao nhất kể từ tháng 4/2023. Chỉ số giá thực phẩm của FAO, được thiết kế để theo dõi 5 nhóm thực phẩm chính là ngũ cốc, thịt, sữa, dầu thực vạ và đường, đã tăng 2% vào tháng 10 chủ yếu do giá dầu thực vật tăng đột biến.

Từ tháng 1-10/2024, nhóm dầu thực vật tăng vọt tới 24% do giá dầu cọ, đậu nành, hướng dương và hạt cải dầu liên tục tăng cao. Tiếp theo là sữa với mức tăng 17% so với đầu năm chủ yếu do giá phô mai. Giá thịt cũng tăng 10% kể từ đầu năm.

Ngược lại, nhóm ngũ cốc, chủ yếu bao gồm lúa mì và gạo, đã giảm 4,5% trong khi đường giảm gần 5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Dưới đây là những nhóm thực phẩm được dự báo sẽ tiếp tục tăng giá trong năm 2025.

Dầu thực vật

Giá dầu thực vật dự kiến sẽ tăng đáng kể vào năm tới với dầu cọ là tâm điểm chú ý bởi các hạn chế về nguồn cung. Hiện tượng El Nino gần đây đã gây nhiều ảnh hưởng tới hoạt động trồng cọ ở Indonesia, quốc gia sản xuất dầu cọ lớn nhất thế giới và chiếm hơn nửa nguồn cung toàn cầu.

Theo hiệu hội dầu cọ của Indonesia, sản lượng dầu cọ của nước này trong 8 tháng đầu năm 2024 đã giảm gần 5% so với cùng kỳ năm ngoái.

“Điều này càng trở nên trầm trọng hơn khi Indonesia thúc đẩy sử dụng nhiều dầu cọ hơn để sản xuất nhiên liệu sinh học, khiến nguồn cung ngày càng eo hẹp”, Cheang Kang Wei, một nhà môi giới nông nghiệp tại công ty dịch vụ tài chính StoneX, cho hay.

Các loại dầu thực vật khác, chẳng hạn như dầu hạt cải, cũng có thể trở nên đắt đỏ hơn vì những thách thức tương tự trong vấn đề nguồn cung.

Thịt bò

Giá thịt bò tăng vọt do hạn hán ở vùng đồng bằng phía nam nước Mỹ, làm sụt giảm nghiêm trọng đàn giá súc. Các hoạt động chăn nuôi bò phụ thuộc vào lượng mưa để cung cấp thức ăn cho gia súc. Tuy nhiên, nguồn nguyên liệu này đặc biệt dễ bị tổn thương do hạn hán. Mỹ là nước chăn nuôi bò lớn nhất thế giới và cũng là nước xuất khẩu hàng đầu.

Và vấn đề không chỉ có tại nước Mỹ. Nhiều quốc gia xuất khẩu bò hàng đầu cũng đang đối mặt với tình trạng tương tự. Nếu suy giảm đàn bò xảy ra ở cả 4 quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới, người tiêu dùng có thể đối mặt đột cắt giảm nguồn cung thịt bò đầu tiên kể từ đại dịch Covid-19.

Cà phê và ca cao

Matthew Biggin, chuyên gia phân tích hàng hóa tại BMI, cho biết thị trường đường, cà phê và ca cao đang phải đối mặt với sự bất ổn về giá lớn hơn các mặt hàng khác. Mặc dù giá cà phê và cao cao không được phản ánh trong chỉ số của FAO nhưng 2 mặt hàng này phải đối mặt với những “rủi ro lớn nhất”.

Một báo cáo của BMI cho biết thời tiết bất lợi ở quốc gia sản xuất cà phê lớn nhất thế giới là Brazil đã khiến tâm lý lo lắng bao trùm. Trong khi đó, đối với ca cao, mối lo ngại về mưa lớn và chất lượng hạt tại nhà sản xuất lớn nhất là Bờ Biển Ngà cũng làm gia tăng áp lực giá. Thời tiết bất lợi cùng dịch bệnh cũng ảnh hưởng đến sản xuất ở Tây Phi, nơi chiếm tới 70% nguồn cung ca cao toàn cầu.

Trái cây và rau quả

Một loại hàng hóa sẽ bị ảnh hưởng lớn bởi các chính sách của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump sẽ là trái cây và hoa quả. Ông Trump muốn đánh thuế hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ và nông sản không bị ngoại trừ. Ở chiều ngược lại, các quốc gia nhập khẩu cũng sẽ đáp trả Mỹ.

Theo dữ liệu từ Bộ Nông nghiệp mỹ, năm 2022, Mexico chiếm 69% lượng rau nhập khẩu và 51% lượng trái tươi nhập khẩu của Mỹ. Mexico là nhà cung cấp chính nhiều loại nông sản cho Mỹ như cà chua, ớt chuông, dâu tây…. Nếu bị áp thuế, những mặt hàng thực phẩm sẽ tăng giá mạnh, nhất là những gì không thể tự sản tự tiêu.

Khi ông Trump nhậm chức, có thể có một cuộc chiến thương mại mới với Trung Quốc. Điều này có thể gây gián đoạn rất lớn cho hoạt động thương mại nông nghiệp. Theo đó, giá đậu nành, gia cầm và thịt có thể biến động nếu Trung Quốc đáp trả Mỹ.

Tham khảo: CNBC