Giai đoạn đầu, đường sắt tốc độ cao chở khách tốc độ 320km/h, chở hàng 120km/h

Bộ Giao thông Vận tải có văn bản giải trình tiếp thu ý kiến của Hội đồng thẩm định Nhà nước về báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.

Bộ Giao thông Vận tải cho biết trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, tuyến có tốc độ thiết kế tàu khách 350km/h, tàu hàng 160km/h.

Kinh nghiệm thế giới cho thấy đối với các quốc gia có tuyến đường sắt mới đưa vào khai thác, tốc độ khai thác bằng khoảng 90% tốc độ thiết kế. Vì vậy, dự kiến trong giai đoạn đầu, tốc độ khai thác tối đa của tàu khách là 320km/h, tàu hàng là 120km/h.

Trong quá trình khai thác, việc nâng tốc độ khai thác tối đa sẽ được tổng kết, đánh giá và thử nghiệm.

Giai đoạn đầu, đường sắt tốc độ cao chở khách tốc độ 320km/h, chở hàng 120km/h- Ảnh 1.

Đường tốc độ cao Bắc - Nam giai đoạn 1 chạy tốc độ 320km/h khi chở khách. (Ảnh minh họa: Al)

Để bảo đảm khai thác với tốc độ nêu trên, tư vấn sử dụng bán kính đường cong 6.500m và tính toán siêu cao theo tiêu chuẩn châu Âu DIN EN 13803:2017 (TCVN 13342:2012) cho thấy yêu cầu kỹ thuật của tuyến đường đáp ứng các điều kiện để khai thác an toàn.

" Tiếp thu ý kiến của hội đồng thẩm định, trong bước lập báo cáo nghiên cứu khả thi, Bộ sẽ chỉ đạo tư vấn tiếp tục tính toán cụ thể để bảo đảm an toàn trong vận hành khai thác ", Bộ Giao thông Vận tải nhấn mạnh.

Theo Bộ Giao thông Vận tải, trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi có tham khảo hệ thống tiêu chuẩn châu Âu, đã áp dụng mô hình dự báo nhu cầu vận tải 4 bước, là mô hình hiện đại, đang được sử dụng phổ biến trên thế giới. Mô hình này dựa trên cơ sở số liệu điều tra điểm đi, điểm đến của hành khách; các chủng loại hàng hóa; lợi thế, chi phí vận tải của từng phương thức; cập nhật quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch tỉnh để dự báo tổng nhu cầu vận tải và phân bổ cho các phương thức trên hành lang.

Kết quả dự báo nhu cầu vận tải bằng đường sắt trên hành lang Bắc Nam như sau: Nhu cầu vận tải hàng hóa bằng đường sắt đến 2050 khoảng 18,2 triệu tấn/năm; Nhu cầu vận tải hành khách bằng đường sắt đến năm 2050 khoảng 119,4 triệu khách/năm.

Nghiên cứu vị trí đặt ga Nam Định

Theo Bộ Giao thông Vận tải, về hướng tuyến đường sắt tốc độ cao được tư vấn nghiên cứu, lựa chọn “ngắn nhất có thể” và đáp ứng các nguyên tắc phù hợp với quy hoạch ngành quốc gia, các quy hoạch của địa phương; đáp ứng các yêu cầu về điểm khống chế; chiều dài tuyếngiữa các ga ngắn nhất; đáp ứng yêu cầu kỹ thuật (độ dốc tối đa, bán kính đườngcong nằm), tạo êm thuận cho hành khách; phù hợp với điều kiện địa hình khu vực tuyến đi qua; hạn chế đi qua các khu vực nhạy cảm về môi trường tự nhiên, môi trường xã hội, các khu di tích, danh lam thắng cảnh, đất quốc phòng; hạn chếkhối lượng giải phóng mặt bằng, tránh các khu vực tập trung đông dân cư, giảm thiểu ảnh hưởng đến các công trình hiện hữu; bảo đảm liên kết hành lang Đông - Tây, các tuyến đường sắt kết nối Trung Quốc, Lào, Campuchia.

Năm 2018, Bộ GTVT đã xây dựng 3 phương án hướng tuyến với sự hỗ trợ của tư vấn quốc tế để phân tích, đánh giá và thỏa thuận thống nhất với các địa phương.

Trên cơ sở đó, phương án tuyến lựa chọn đã được 20/20 tỉnh, thành phố có tuyến đường sắt tốc độ cao đi qua thống nhất trên nguyên tắc thẳng nhất có thể. Bộ GTVT đã gửi văn bản lấy ý kiến và họp với UBND các tỉnh, thành về phương án hướng tuyến, kết quả có 18/20 địa phương đã có văn bản đề nghị giữ nguyên hướng tuyến như báo cáo; 2 địa phương kiến nghị điều chỉnh một số vị trí so với hướng tuyến.

"Chủ đầu tư đã chỉ đạo tư vấn tiếp thu để hoàn thiện hồ sơ dự án. Kết quả sau rà soát chiều dài toàn tuyến giảm từ 1.545km xuống còn 1.541km" , Bộ GTVT thông tin.

Về vị trí ga hàng hóa tại khu vực Hà Nội, tiếp thu kiến nghị của UBND TP Hà Nội, sẽ chuyển ga hàng hóa tại khu vực Ngọc Hồi về Thường Tín.

"Tiếp thu ý kiến của hội đồng thẩm định, trong bước lập báo cáo nghiên cứu khả thi, Bộ GTVT sẽ chỉ đạo chủ đầu tư, tư vấn tiếp tục phối hợp với các địa phương rà soát, điều chỉnh hướng tuyến, vị trí nhà ga (nếu có), nhất là các vị trí có lợi thế kết nối với các đầu mối giao thông lớn, các khu kinh tế, trong đó có đoạn tuyến qua tỉnh Nam Định" , Bộ GTVT nhấn mạnh.