Giải pháp bảo vệ trẻ em trên Internet tại Việt Nam

Theo giới phân tích, cần có quy định luật pháp chặt chẽ, các chương trình giáo dục và hợp tác với nền tảng công nghệ nhằm xây dựng môi trường số an toàn cho trẻ em.

Trẻ em sử dụng app xem video trên tablet. Ảnh: iStock.

Sự phát triển của công nghệ biến Internet thành một phần không thể thiếu trong đời sống nhiều người, bao gồm trẻ em. Bên cạnh lợi ích, các nền tảng trực tuyến cũng tạo ra nhiều mối nguy.

Tại Việt Nam, trẻ em đối mặt một số rủi ro khi sử dụng Internet, chẳng hạn như bắt nạt trực tuyến và ảnh hưởng sức khỏe tinh thần. Đây cũng là đối tượng dễ tổn thương nếu không có giải pháp bảo vệ hiệu quả.

Làm sao để bảo vệ trẻ em trên Internet?

Theo nghiên cứu năm 2021, 14% thanh thiếu niên tại Việt Nam từng trải qua bắt nạt trực tuyến. Tương tự, các nghiên cứu tại Mỹ chỉ ra thanh thiếu niên dành hơn 3 tiếng mỗi ngày trên mạng xã hội có nguy cơ cao gặp vấn đề sức khỏe tinh thần.

Tại Việt Nam, tình trạng căng thẳng, lo âu và trầm cảm do tương tác trực tuyến ngày càng tăng. Điều này nhấn mạnh tính cấp thiết trong việc đẩy mạnh giải pháp chăm sóc sức khỏe tinh thần và nâng cao nhận thức cộng đồng, theo nhận định từ TS James Kang, giảng viên cấp cao Khoa học máy tính, Đại học RMIT Việt Nam.

Theo TS Kang, giải quyết những vấn đề này cần chiến lược đa chiều. Một số yếu tố quan trọng như áp dụng bộ lọc nội dung phù hợp độ tuổi, nâng cao quyền riêng tư và xây dựng môi trường số an toàn.

“Việc hợp tác với những nền tảng mạng xã hội để áp dụng giới hạn độ tuổi và giám sát nội dung có hại cũng đóng vai trò quan trọng không kém. Kết hợp các biện pháp này sẽ góp phần tạo nên không gian số an toàn hơn cho trẻ em Việt Nam”, TS Kang nói thêm.

Một số quốc gia đã áp dụng quy định cứng rắn nhằm bảo vệ trẻ em trên Internet. Tháng 11/2024, Australia ban hành luật yêu cầu phụ huynh giám sát trẻ dưới 16 tuổi khi sử dụng mạng xã hội. Quy định tương tự cũng được Pháp áp dụng với trẻ em dưới 15 tuổi.

Tuy nhiên, các quy định vẫn vướng một số thách thức, chẳng hạn như trẻ vị thành niên tìm cách lách luật, bên cạnh sai sót trong hệ thống xác minh tuổi.

RMIT Viet Nam,  quan ly tre em,  mang xa hoi,  tac hai cua Facebook anh 1

TS James Kang, giảng viên cấp cao về Khoa học máy tính, Đại học RMIT Việt Nam. Ảnh: RMIT Việt Nam.

Việt Nam đã có một số động thái cho vấn đề khi ban hành Nghị định 147/2024/NĐ-CP, yêu cầu phụ huynh đăng ký tài khoản và giám sát hoạt động trực tuyến của trẻ dưới 16 tuổi.

Theo TS Kang, nghị định thể hiện cam kết mạnh mẽ của nhà nước trong việc bảo vệ, đảm bảo an toàn cho trẻ em trên không gian mạng.

“Việc liên tục hiệu chỉnh, thực thi quy định và học hỏi từ các mô hình thành công trên thế giới có thể tăng cường hiệu quả bảo vệ trẻ em Việt Nam trên không gian mạng”, đại diện Đại học RMIT Việt Nam nói thêm.

Cân bằng hiệu quả và quyền riêng tư

Không dễ áp dụng lệnh cấm mạng xã hội với thanh thiếu niên. Trẻ em có thể lách luật bằng cách nhập sai thông tin, dùng công cụ VPN, tạo tài khoản giả hoặc có hành vi phản kháng, khiến quan hệ gia đình trở nên căng thẳng.

Theo TS Kang, những biện pháp quản lý còn dấy lên lo ngại về quyền riêng tư, nguy cơ xung đột với các quy định hiện hành về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Ngoài ra, gánh nặng tài chính khi duy trì hệ thống xác minh tuổi cũng là vấn đề gây tranh cãi.

Những tiến bộ trong công nghệ xác minh độ tuổi, chẳng hạn như nhận diện khuôn mặt dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI) có thể là giải pháp hiệu quả giúp bảo vệ trẻ em trên không gian mạng, trong khi vẫn đảm bảo quyền riêng tư.

Một số giải pháp khác nhằm củng cố hệ thống xác minh tuổi như tích hợp AI với sinh trắc học, xác minh ngoại tuyến và kiểm tra dữ liệu. Ngoài ra, hợp tác với bên thứ ba có thể tăng cường quyền riêng tư và tính minh bạch, giảm lo ngại từ cả chính phủ và phụ huynh.

RMIT Viet Nam,  quan ly tre em,  mang xa hoi,  tac hai cua Facebook anh 2

Một nhóm trẻ em sử dụng máy tính. Ảnh minh họa: Pexels.

Nhìn chung, khung pháp lý mạnh mẽ và toàn diện cần có luật xác minh độ tuổi, cho phép ứng dụng AI và sinh trắc học để tăng hiệu quả, đồng thời tăng cường biện pháp bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Việc tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế như GDPR (General Data Protection Regulation) sẽ đảm bảo tính minh bạch và xây dựng lòng tin từ người dùng. Ngoài ra, cần thành lập các cơ quan quản lý chuyên trách để giám sát quá trình triển khai, áp dụng hình phạt và bảo vệ quyền lợi người dùng.

“Áp dụng những tiêu chuẩn quốc tế và thực tiễn thực thi tốt nhất sẽ đảm bảo độ tin cậy và tính nhất quán trên khắp khu vực.

Điều này không chỉ giúp bảo vệ trẻ em mà còn xây dựng niềm tin của người dùng, tuân thủ các quy định về quyền riêng tư, khiến đây trở thành giải pháp thiết thực cho cam kết đảm bảo an toàn trẻ em trên không gian mạng của Việt Nam”, TS Kang nhấn mạnh.

Những chiếc bẫy vô hình trên mạng xã hội

Cuốn sách Vũ trụ kĩ thuật số của giáo sư Kim Sang Kyun đã đi sâu phân tích, mổ xẻ một cách tường tận, những tác động các thiết bị thông minh, thế giới ảo và mạng xã hội trong cuộc sống hiện đại.