Giám đốc Công an Hà Nội: Vật chứng không thanh lý hay hủy được, phải giữ khư khư rất lãng phí

Giám đốc Công an Hà Nội Nguyễn Hải Trung nêu nhiều bất cập liên quan đến xử lý vật chứng các vụ án.

Ngày 30-10, thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự, đại biểu Quốc hội Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an TP Hà Nội, đồng tình với sự cần thiết ban hành Nghị quyết này.

Giám đốc Công an Hà Nội: Vật chứng không thanh lý hay hủy được, phải giữ khư khư rất lãng phí- Ảnh 1.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an TP Hà Nội

Từ thực tế tại Công an TP Hà Nội hiện nay, Trung tướng Nguyễn Hải Trung cho biết đang hàng ngày hàng giờ phải quản lý, xử lý khối lượng vật chứng rất lớn, có những vật chứng từ nhiều năm để lại, gây lãng phí.

Phân tích cụ thể hơn về tình trạng lãng phí, đại biểu Nguyễn Hải Trung cho biết trước hết chính là giá trị tài sản bị giảm theo thời gian. Trong đó, có những tài sản để quá lâu, chủ phương tiện không quan tâm, coi như bỏ luôn. "Trong khi đó, thanh lý không thanh lý được, hủy không hủy được, phải giữ khư khư rất lãng phí"- Trung tướng Nguyễn Hải Trung nêu vấn đề.

Bên cạnh đó, cần phải có kho để vật chứng. Ở cấp thành phố có kho vật chứng chung, các quận huyện, có kho vật chứng của cơ quan điều tra cấp quận, huyện. Song ông Trung đặt vấn đề ở khu vực nội thành, không có đủ đất để xây dựng kho vật chứng theo quy chuẩn.

Giám đốc Công an TP Hà Nội nêu lãng phí tiếp theo là phải bố trí người trông coi kho vật chứng. Theo quy định, việc quản lý trông coi là công an, xử lý tài sản lại là tòa án. Theo ông Nguyễn Hải Trung, vừa qua công an TP Hà Nội nhận mấy chục tấn đất hiếm trong một vụ án và phải xây nhà tạm để lưu giữ.

"Dù là nhà tạm nhưng vẫn phải đảm bảo chất lượng, tránh thất thoát, mất mát. Trong khi đó, để trông coi không chỉ 1 - 2 người, đây là vấn đề rất bất cập, vướng mắc..."- Trung tướng Nguyễn Hải Trung nêu rõ.

Với thực tế này, đại biểu Nguyễn Hải Trung nhấn mạnh sự cần thiết ban hành Nghị quyết của Quốc hội thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự. Tuy nhiên hiện phạm vi của dự thảo Nghị quyết còn quá hẹp, chỉ áp dụng với một số vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi chỉ đạo.

Do đó, Giám đốc Công an TP Hà Nội kiến nghị sau khi triển khai thí điểm Nghị quyết phải tính toán mở rộng phạm vi điều chỉnh, thậm chí phải ban hành luật. Ông cũng đánh giá thời gian thí điểm 3 năm như đề xuất của cơ quan soạn thảo là quá lâu, cần rút ngắn hơn để đảm bảo tính kịp thời tháo gỡ điểm nghẽn.

Cùng thảo luận về nội dung này, đại biểu Nguyễn Hữu Chính (đoàn TP Hà Nội) cho biết theo quy định, khi khởi tố vụ án, cơ quan điều tra có quyền phong tỏa, kê biên tài sản. Tuy nhiên, cơ quan cuối cùng giải quyết số tài sản này lại là do tòa án, thời gian rất lâu, thông thường kéo dài 1 - 2 năm, gây hư hỏng vật chứng.

Ông Chính dẫn chứng vụ án cựu Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Nguyễn Quốc Anh có thiết bị y tế 40 tỉ đồng bị phong tỏa kê biên. Nhưng sau xử lý vụ án, điều chuyển cho bệnh viện khác cũng không ai dám nhận, phải bỏ không. Theo ông Chính, có những vụ án máy móc để vài năm thành sắt vụn.

Đồng quan điểm với đại biểu Nguyễn Hải Trung, đại biểu Chính đề xuất Nghị quyết cần mở rộng phạm vi điều chỉnh, không chỉ giới hạn xử lý ở các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi chỉ đạo.

Dự thảo nghị quyết quy định 5 biện pháp xử lý vật chứng, tài sản, gồm: Trả lại tiền cho bị hại hoặc gửi tiền vào ngân hàng để chờ xử lý; Nộp tiền bảo đảm để hủy bỏ việc thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa; Cho phép mua bán, chuyển nhượng vật chứng, tài sản và xử lý tiền thu được từ việc mua bán, chuyển nhượng; Giao vật chứng, tài sản cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp để quản lý, khai thác, sử dụng; Tạm ngừng giao dịch, tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng tài sản.