
IHG Hotels & Resorts chính thức có mặt tại Việt Nam từ năm 2007, khi khách sạn InterContinental Hanoi Westlake khai trương. Sau 18 năm hoạt động, tập đoàn này hiện đang vận hành 20 khách sạn trên toàn quốc – mới nhất là khu nghỉ dưỡng Voco Quang Binh Resort.
“Chúng tôi dự kiến sẽ gấp đôi quy mô với thêm 23 khách sạn nữa trong vài năm tới. Tôi nghĩ đó là những cột mốc khá lớn. Năm ngoái, chúng tôi đã mở hai thương hiệu mới - Vignette Collection tại Hội An và Hotel Indigo tại TPHCM. Chúng tôi hiện đang có mặt tại 10 điểm đến: Phú Quốc, Đà Nẵng, Nha Trang, Ho Tram, Côn Đảo, Vĩnh Phúc, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hội An, Quảng Bình” - ông Vivek Bhalla, Giám đốc Điều hành IHG Hotels & Resorts (IHG) tại Đông Nam Á và Hàn Quốc chia sẻ. “Và chúng tôi cũng đang rất mong chờ vào năm nay, khi vừa khai trương voco Quảng Bình và sắp tới là InterContinental Ha Long Bay Resort ở Vịnh Hạ Long”.

Giai đoạn rất sôi động và đầy tiềm năng tại thị trường Việt Nam
Kế hoạch tăng gấp đôi số lượng khách sạn tại Việt Nam trong vòng 3–5 năm sau đại dịch đang đực IHG thực hiện ra sao?
Trong số 20 khách sạn mà chúng tôi đang vận hành, 60% thuộc phân khúc cao cấp và phong cách sống (luxury & lifestyle), phù hợp với định hướng phát triển du lịch cao cấp của Việt Nam. Thương hiệu IHG hiện dẫn đầu phân khúc sang trọng tại đây với các thương hiệu như Six Senses, Regent và InterContinental. Ngoài ra, trong danh mục 23 dự án sẽ khai trương, có 25% — tức khoảng 6 khách sạn — cũng thuộc phân khúc cao cấp và phong cách sống.
Ngoài phân khúc cao cấp và phong cách sống, chúng tôi cũng có nhiều cơ hội phát triển các thương hiệu phổ thông và cao cấp khác (bao gồm voco, Crowne Plaza và Holiday Inn), vì vậy chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng ở những phân khúc này.
Tổng thể mà nói, đây là giai đoạn rất sôi động và đầy tiềm năng tại thị trường Việt Nam.
Du lịch Việt Nam đang phát triển mạnh, nhưng chắc chắn có những rào cản. Những vấn đề cấp thiết nhất mà ngành du lịch Việt Nam đang đối mặt hiện nay là gì?
Việt Nam ngày càng thành công trong việc định vị mình là một điểm đến du lịch cao cấp. Như tôi đã đề cập trước đó, chúng tôi không ngừng mở rộng hiện diện tại các điểm đến mới với các thương hiệu của IHG, mang đến những trải nghiệm đẳng cấp cho du khách.

Tuy nhiên, vẫn còn một số cơ hội để phát triển thêm – đặc biệt là ở hạ tầng và kết nối hàng không. Tôi tin rằng việc Nhà ga T3 tại sân bay Tân Sơn Nhất chuẩn bị đi vào hoạt động cuối tháng 4 sẽ tạo ra sự thay đổi lớn. Đây sẽ là bước tiến quan trọng trong việc giảm tình trạng quá tải cho các chuyến bay nội địa, từ đó góp phần thúc đẩy du lịch trong nước.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục tăng cường kết nối hàng không tới các điểm đến thứ cấp và cấp ba – điều này sẽ giúp lan tỏa dòng khách ra khắp cả nước.
Tất nhiên, khi mở rộng, bất kỳ thị trường nào cũng sẽ có những thách thức nhất định. Nhưng riêng với Việt Nam, tôi tin rằng đây là những điều hoàn toàn có thể khắc phục – và thực tế là chính phủ cũng đang chủ động giải quyết những vấn đề này.
Nhìn chung, tôi rất lạc quan về triển vọng du lịch Việt Nam trong vài năm tới, và IHG sẽ tiếp tục mở rộng đến các điểm đến chiến lược để đồng hành và đóng góp tích cực cho sự phát triển của ngành.
Ông có đề xuất với Chính phủ Việt Nam để thúc đẩy lĩnh vực du lịch?
Tôi nghĩ rằng, khi nói đến ngành du lịch, chính phủ Việt Nam đang đi đúng hướng và đã có những bước đi rất hợp lý. Một ví dụ điển hình là chính sách miễn thị thực – điều này đã mang lại hiệu quả rõ rệt.
Vì vậy, nếu được đưa ra một vài đề xuất nhằm thúc đẩy du lịch, tôi cho rằng việc đẩy nhanh tốc độ phát triển hạ tầng sẽ mang lại tác động rất tích cực. Bên cạnh đó, nếu khả năng kết nối đến một số điểm đến được cải thiện nhanh hơn nữa, thì sẽ càng tuyệt vời hơn.
Tất nhiên, tôi hiểu rằng các dự án xây dựng và phát triển hạ tầng cần thời gian. Tuy nhiên, cần nói rõ rằng lý do Việt Nam đạt được nhiều thành công đến thời điểm này là nhờ hướng đúng đắn của Chính phủ. Và nếu mọi thứ có thể được triển khai nhanh hơn, thì thành công đó sẽ còn được nhân rộng hơn nữa.
Những xu hướng định hình ngành khách sạn - nghỉ dưỡng
Những xu hướng lớn nào sẽ định hình thị trường khách sạn – nghỉ dưỡng tại Việt Nam trong 5 đến 10 năm tới? IHG đang xây dựng chiến lược phát triển ra sao để duy trì lợi thế cạnh tranh?
Chúng tôi đang quan sát thấy khá nhiều xu hướng mới từ phía du khách.
Trước tiên, hãy nhìn ở góc độ tổng thể. Một trong những xu hướng lớn trong vài năm gần đây là nhu cầu trải nghiệm. Du khách ngày càng mong muốn có những trải nghiệm phong phú và sâu sắc hơn so với trước đây. Chúng tôi cũng chứng kiến sự gia tăng của xu hướng du lịch đa thế hệ – khi nhiều thế hệ trong gia đình cùng đi du lịch với nhau.
Bên cạnh đó, nhu cầu về chăm sóc sức khỏe toàn diện cũng ngày càng tăng – không còn chỉ dừng lại ở phòng gym hay spa, mà là trải nghiệm wellness toàn diện từ đầu đến cuối. Mảng ẩm thực cũng là một điểm nổi bật – du khách ngày càng quan tâm và kỳ vọng nhiều hơn vào các trải nghiệm ẩm thực.
Ngoài ra, du khách cũng tìm kiếm những trải nghiệm chân thật và mang đậm bản sắc địa phương.

Xu hướng kết hợp giữa công tác và nghỉ dưỡng (bleisure) cũng đang ngày càng phổ biến. Nhiều người đi công tác và tranh thủ ở lại thêm để nghỉ ngơi, khám phá. Đây là một trong những xu hướng nổi bật mà chúng tôi đã bắt đầu quan sát thấy rõ rệt trong vài năm trở lại đây.
Điều dễ thấy là tầng lớp trung lưu tại Việt Nam ngày càng có xu hướng đi du lịch nhiều hơn, đặc biệt là sự quan tâm rõ nét đến các điểm đến nghỉ dưỡng.
Nếu so với các thị trường khác mà ông đã làm việc, ông nghĩ như thế nào về thị trường Việt Nam?
Đây là một câu hỏi khá rộng. Theo cách nhìn của tôi, nếu nhìn vào khu vực Đông Nam Á, Việt Nam xếp thứ ba về lượng khách du lịch, chỉ sau Thái Lan và Malaysia. Nhưng tôi nghĩ thị trường này vẫn đang tiếp tục phát triển. Việt Nam có vị trí rất tốt là một điểm đến du lịch cao cấp, và có nhiều sản phẩm du lịch tuyệt vời ngoài Hà Nội và Sài Gòn, với rất nhiều điểm đến nghỉ dưỡng. Tôi nghĩ đây là cơ hội, là tiềm năng lớn, chúng ta mới chỉ bắt đầu thấy phần nổi của nó.
Cá nhân tôi cho rằng, Việt Nam với tư cách là một điểm đến du lịch có tiềm năng rất lớn, và chỉ sẽ ngày càng trở nên tốt hơn khi các điểm đến khác đang dần được chú ý khai thác và phát triển.
Bài học chúng ta có thể rút ra từ những thị trường này để phát triển lĩnh vực du lịch là gì?
Bài học rõ ràng nhất chính là: để ngành du lịch phát triển thành công và lâu dài, yếu tố phát triển bền vững là điều bắt buộc. Điều này thật sự quan trọng, không thể bỏ qua nếu muốn ngành du lịch phát triển đúng hướng. Tôi cũng nhận thấy rằng, tại nhiều thị trường đang hồi phục, có thể thấy một cơ hội rõ ràng – đó là đẩy mạnh công tác truyền thông và quảng bá điểm đến. Xin phép được nhắc lại quan điểm này – bởi tôi cho rằng đây là điều mà chúng ta hoàn toàn có thể làm tốt hơn nữa. Nếu được đầu tư đúng mức vào công tác tiếp thị, các điểm đến này chắc chắn sẽ phát triển mạnh mẽ hơn.
Hơn nữa, nếu khả năng tiếp cận – cả về hạ tầng giao thông và kết nối đường bay – được cải thiện, thì tôi tin rằng điều đó sẽ tạo ra tác động rất tích cực, không chỉ giúp thị trường phát triển, mà còn góp phần tạo thêm việc làm và mang lại nhiều lợi ích kinh tế khác, v.v. Vì vậy, theo tôi, chúng ta có rất nhiều điều có thể học hỏi và tận dụng từ những bài học này.
Chúng tôi không chỉ muốn doanh nghiệp của mình thành công
Ông đến Việt Nam bao lâu rồi? Hãy chia sẻ một chút suy nghĩ của ông về Việt Nam?
Chuyến đi này, tôi chỉ ở đây ba ngày. Nhưng trước đây, tôi đã đến Việt Nam rồi, từ năm 2004, đến nay cũng đã hơn 20 năm.
Một trong những kỷ niệm tuyệt vời gần đây nhất là chuyến đi đến Intercontinental Đà Nẵng cùng gia đình cách đây khoảng một năm rưỡi trước. Và, đó là một trải nghiệm tuyệt vời đúng nghĩa. Khách sạn tuyệt vời, vị trí vô cùng đẹp. Hai cô con gái của tôi đã có khoảng thời gian rất vui vẻ. Quang cảnh rất đẹp, dịch vụ tuyệt vời, đó là một trải nghiệm khó quên đối với gia đình tôi. Tôi rất mong chờ chuyến thăm Hạ Long khi khách sạn InterContinental Hạ Long Bay Resort mở cửa vào cuối năm nay. Tôi có dịp vừa đến đó hôm qua. Khu nghỉ dưỡng thật đẹp, thật sự rất đẹp và tôi rất mong chờ đến ngày khách sạn đi vào hoạt động.

Sau 20 năm thì ông thấy Việt Nam thay đổi lớn nhất là gì?
Wow, tôi bắt đầu từ đâu đây? Tôi nghĩ là cơ sở hạ tầng. 20 năm trước, tôi có thể nói rằng cơ sở hạ tầng không giống như bây giờ. Hiện nay, các con đường, các tuyến cao tốc… thật tuyệt vời, tôi có thể thấy có rất nhiều tuyến cao tốc, v.v. Tôi nghĩ cơ sở hạ tầng có lẽ là điều thay đổi rõ rệt nhất mà tôi thấy, dù là đường xá hay các công trình xây dựng. Vì vậy, sự phát triển về cơ sở hạ tầng, mà đối với tôi, đó là sự thay đổi lớn nhất.
Tôi cũng nghĩ rằng năng lượng, tinh thần con người ở đây luôn rất tốt. Với tất cả những gì đang diễn ra, Việt Nam có một dân số trẻ và giàu năng lượng. Bạn có thể cảm nhận được sự nhộn nhịp ở mọi nơi khi bạn đến Việt Nam. Bạn đến bất kỳ thành phố nào, bạn cũng sẽ thấy không khí sôi động. Điều này rất khó diễn đạt bằng lời, nhưng khi bạn đi bộ trên các con đường, bạn có thể cảm nhận được.
Vì vậy, hai điều này có lẽ là điều nổi bật nhất mà tôi đã thấy sau 20 năm. Một thay đổi hữu hình là cơ sở hạ tầng, và một thay đổi vô hình, đó là mức năng lượng mà người dân dành cho những gì họ đang làm.

Ông Vivek Bhalla, Giám đốc Điều hành IHG Hotels & Resorts (IHG) tại Đông Nam Á và Hàn Quốc
Đứng trên quan điểm cá nhân của ông, ông có kỳ vọng cụ thể gì về thị trường Việt Nam?
Tôi là một người lạc quan, vì vậy kỳ vọng của tôi là mọi thứ sẽ tiếp tục phát triển theo chiều hướng tích cực. Sự phát triển cơ sở hạ tầng sẽ tiếp tục tiến triển nhanh chóng. Chúng tôi sẽ tiếp tục mở những khách sạn và khu nghỉ dưỡng tuyệt vời trong những năm tới.
Chúng tôi sẽ gấp đôi quy mô, tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho đội ngũ nhân viên hiện tại và tuyển dụng thêm nhiều nhân sự. Chúng tôi sẽ không chỉ muốn doanh nghiệp của mình thành công, mà còn muốn các đối tác của chúng tôi thành công và đội ngũ nhân viên của chúng tôi cũng cùng chia sẻ thành công đó. Đó là những mục tiêu của tôi.
Và, nếu tôi có thể thưởng thức một bát phở bò ngon mỗi lần đến, thì thật tuyệt vời!
Cảm ơn chia sẻ của ông!