Google giờ chỉ dành cho người già

Đây không chỉ là vấn đề thay đổi về nhân khẩu học, mà là một loạt thế lực đan xen, muốn phá vỡ hệ sinh thái tưởng chừng bất khả chiến bại Google duy trì suốt 2 thập kỷ.

"Gã khổng lồ tìm kiếm" có nguy cơ mất đi vị trí thống trị mà mình đã duy trì suốt hơn 2 thập kỷ. Ảnh: Reuters.

Nếu Google là một con tàu, nó sẽ là tàu Titanic trong vài giờ trước khi va phải một tảng băng trôi. Tưởng chừng như Google không thể chìm, nhưng các thế lực đang đưa đế chế tiến gần đến một cơn khủng hoảng lịch sử, Wall Street Journal nhận định.

Khi tìm kiếm không còn là độc quyền của Google

Khi nhắc đến các vấn đề hiện tại của Google, vụ kiện chống độc quyền từ Bộ Tư pháp Mỹ mới đây có thể chỉ là "một vết xước nhỏ" trong bức tranh tổng thể. Mối đe dọa đầu tiên đến từ chính thói quen của người dùng.

Thế hệ trẻ ngày nay ngày càng ít dựa vào Google để tìm kiếm thông tin. Thay vào đó, họ tìm đến các nền tảng khác như Amazon khi muốn mua sắm hay TikTok để tìm cảm hứng hoặc các câu trả lời nhanh.

Theo dự báo từ eMarketer, thị phần quảng cáo tìm kiếm tại Mỹ của Google sẽ giảm xuống dưới 50% vào năm 2025. Đây là lần đầu tiên kể từ khi công ty bắt đầu thống kê dữ liệu này. Amazon đang dần trở thành điểm đến chính cho những ai muốn tìm kiếm sản phẩm, thu hút hàng tỷ USD ngân sách quảng cáo từ các thương hiệu.

Trong khi đó, TikTok chiếm chưa đến 4% doanh thu quảng cáo số tại Mỹ, nhưng cũng có khả năng tạo ra một khối lượng tìm kiếm khổng lồ. Một báo cáo từ TikTok cho thấy 23% người dùng thực hiện tìm kiếm trong vòng 30 giây sau khi mở ứng dụng. Tổng lưu lượng tìm kiếm toàn cầu đạt 3 tỷ lượt/ngày.

Khi trả lời các câu hỏi về chống độc quyền của chính phủ Mỹ, bản thân Google cũng thừa nhận tình trạng này. “Bằng chứng tại phiên tòa cho thấy chúng tôi phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ nhiều đối thủ cạnh tranh”, hãng nói.

Mối đe dọa thứ 2 của Google là sự phát triển của các công cụ “answer engine” (công cụ trả lời), theo Wall Street Journal. Những công cụ mới như ChatGPT của OpenAI hay Perplexity đang thay đổi cách chúng ta tương tác với thông tin.

Chúng không chỉ tìm kiếm trên Internet mà còn đưa ra các câu trả lời trực tiếp. Đôi khi chúng đủ chính xác để thay thế nhu cầu truy cập vào các trang web.

Google danh cho nguoi gia anh 1

Các chatbot AI đang ngày càng chứng tỏ khả năng giải quyết nhiều câu hỏi, thay vì phải tra Google. Ảnh: Wall Street Journal.

Chúng cũng ngày càng phổ biến hơn nhờ được tích hợp trực tiếp vào các hệ điều hành lớn như Windows của Microsoft hay macOS của Apple.

Google đã sớm nhận ra mối đe dọa này. Để duy trì vị thế, tập đoàn đã triển khai tính năng bản tóm tắt bằng AI trong kết quả tìm kiếm của mình. Gã khổng lồ cho biết sự thay đổi là để đáp trả trực tiếp trước sự cạnh tranh gay gắt từ AI ở cả các start-up và gã khổng lồ công nghệ.

Melissa Schilling, giáo sư quản trị tại Đại học New York, ví sự chuyển mình của AI với tìm kiếm như cách thương mại điện tử từng làm lung lay đế chế Walmart.

“Google đã có vị trí không thể vượt qua trong mảng tìm kiếm cho đến khi AI xuất hiện và bây giờ AI đang tìm kiếm thương mại điện tử như với Walmart”, giáo sư phân tích. Hay như cách iPhone của Apple từng làm Microsoft chao đảo trong kỷ nguyên smartphone.

Hệ sinh thái Internet đang xuống cấp

Mối đe dọa thứ 3 đến từ sự suy thoái của hệ sinh thái web - một lĩnh vực nằm ngoài tầm kiểm soát cũa gã khổng lồ. Sự gia tăng của nội dung do AI tạo ra đã khiến chất lượng kết quả tìm kiếm giảm sút. Người dùng ngày càng khó tìm thấy thông tin đáng tin cậy giữa biển nội dung máy tạo.

Các nội dung do AI tạo ra ngày càng tràn lan, đang làm giảm chất lượng tổng thể của kết quả tìm kiếm trên web. Trong bối cảnh đó, Google đã chọn cách tự động tạo ra các bản tóm tắt AI ngay trong kết quả tìm kiếm, nhằm giảm nhu cầu người dùng phải nhấp vào các liên kết.

Nhưng điều này lại tạo ra một vòng luẩn quẩn: Nếu người dùng không còn cần truy cập các trang web, nguồn thu từ quảng cáo và động lực để tạo ra nội dung chất lượng sẽ dần cạn kiệt.

Joerg Klueckmann, giám đốc marketing của Finastra, một công ty fintech hàng đầu châu Âu, bày tỏ lo ngại rằng nếu ngày càng nhiều người dùng dựa vào AI để tìm kiếm, lượng truy cập vào các website sẽ giảm mạnh. Ông đặt ra câu hỏi: "Nếu không còn lưu lượng truy cập, các đội ngũ SEO sẽ làm gì? Và số phận của những website phụ thuộc vào Google sẽ ra sao?".

Google danh cho nguoi gia anh 2

Internet là một hệ sinh thái, trong đó Google là một trong những nhà cung cấp lưu lượng truy cập chính. Đó chính là doanh thu. Ảnh: New York Times.

Dữ liệu từ nền tảng quảng cáo Skai cho thấy trong quý gần đây, tỷ lệ người dùng nhấp vào quảng cáo trong kết quả tìm kiếm của Google đã giảm 8% so với năm trước. Một nghiên cứu từ công ty phần mềm SEO Authoritas cũng chỉ ra rằng các câu trả lời AI của Google có thể làm xáo trộn thứ hạng tìm kiếm và lưu lượng truy cập hiện tại. Điều này có thể khiến các nhà xuất bản mất đi 2 tỷ USD doanh thu hàng năm, theo ước tính từ công ty bán quảng cáo Raptive.

Dù những thách thức trên có thể làm lung lay Google, quá trình chuyển đổi quyền lực này sẽ không diễn ra trong một sớm một chiều. David Yoffie, giáo sư tại Trường Kinh doanh Harvard, nhận định rằng thói quen người dùng là thứ rất khó thay đổi. “Nếu không có một sản phẩm thực sự vượt trội, phần lớn người dùng vẫn sẽ gắn bó với những gì họ quen thuộc”, ông nói.

Cùng lúc đó, vụ kiện chống độc quyền từ Bộ Tư pháp cũng đang đe dọa cấu trúc của Google. Chính phủ Mỹ đã đề xuất các biện pháp mạnh tay như nên bị cấm ưu tiên công cụ tìm kiếm của mình trên các thiết bị sử dụng hệ điều hành Android. Thậm chí, cơ quan này còn gợi ý Google nên bán trình duyệt Chrome - một trong những sản phẩm chủ lực của hãng.

Kent Walker, Chủ tịch phụ trách các vấn đề toàn cầu của Google, cho rằng đề xuất này "vô lý và quá mức”, đồng thời khẳng định chúng sẽ gây hại cho người dùng và làm suy yếu vị thế lãnh đạo công nghệ toàn cầu của Mỹ.

Tuy nhiên, lịch sử cho thấy rằng các vụ kiện chống độc quyền thường mất nhiều năm để giải quyết. Kết quả cuối cùng có thể không nghiêm trọng như các đề xuất ban đầu. Giáo sư David Yoffie tại Trường Kinh doanh Harvard nhận định rằng Google có thể đàm phán một số loại nghị định đồng ý với chính quyền Trump, giống như Microsoft đã làm với chính quyền của George W. Bush năm 2000.

Hai nhà sáng lập Google tự tay làm nên tất cả

Kể về câu chuyện của 25 doanh nhân của thế giới, sách "Họ đã làm gì để thay đổi thế giới?" vừa là một “kho” tư liệu về tinh thần doanh nhân vừa là nguồn cảm hứng cho những ai muốn tự mình sáng tạo nên những điều ý nghĩa.