Theo nội dung dự thảo, vùng phát thải thấp là khu vực được xác định để hạn chế xe cộ gây ô nhiễm môi trường nhằm cải thiện chất lượng không khí.
12 quận nội thành dự kiến nằm trong vùng hạn chế phát thải
Hà Nội đưa ra 6 tiêu chí để xác định khu vực hạn chế phát thải. 12 quận nội thành gồm Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Hoàng Mai, Tây Hồ, Long Biên, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Hà Đông dự kiến sẽ nằm trong khu vực này.
5 quận dự kiến thành lập trong giai đoạn 2020-2025 là Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Hoài Đức, Đan Phượng và thành phố phía Bắc (Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn), thành phố phía Tây (Hòa Lạc, Xuân Mai) dự kiến cũng được đưa vào khu vực hạn chế phát thải.
PGS.TS Bùi Thị An - nguyên ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội - Ảnh: PHẠM TUẤN
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online sáng 1-11, PGS.TS Bùi Thị An - nguyên ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội - cho biết rất ủng hộ mục tiêu của Hà Nội trong việc xây dựng vùng phát thải thấp, tuy nhiên phải xây dựng lộ trình cụ thể.
Theo bà An, việc xây dựng vùng phát thải thấp là xu hướng tất yếu, cần nhiều giải pháp để thực hiện, trong đó có việc hạn chế các xe cộ cá nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Tuy nhiên để cấm xe máy cá nhân, Hà Nội cần đánh giá tác động vào xã hội. Bởi khi cấm xe cộ cá nhân thì phải có xe thay thế, phương tiện công cộng phải sạch, tiện lợi.
"Với một đất nước như Việt Nam thường dùng xe cộ cá nhân để làm kế sinh nhai, cho nên phải đánh giá rất cẩn thận. Ví dụ họ đang chở một xe hàng từ ngoại thành vào nội đô thì phải có xe thay thế không chỉ chở được người mà còn chở được hàng hóa của dân. Nên Hà Nội phải tính toán kỹ các yếu tố này" - bà An nói.
Ngoài ra, bà An cho rằng để cấm được xe máy cũng cần phải nâng cao chất lượng hạ tầng các xe công cộng, trong đó các tuyến xe buýt cần được xây dựng có tính kết nối cao hơn.
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy - nguyên giám đốc Nhà xuất bản Giao Thông Vận Tải - cho rằng quan điểm cấm xe máy, cấm ô tô để giảm ùn tắc, giảm ô nhiễm là rất tốt về mặt mục tiêu, tuy nhiên phải hết sức cân nhắc những tác động tới đời sống của người dân.
Theo ông Thủy, xe máy là phương tiện rất nhỏ gọn, thuận tiện cho người dân, trong điều kiện đa phần người dân đều là dân lao động có thu nhập chưa cao.
Ông nêu thực tế hiện có những người dân mua chiếc xe máy chỉ 5 triệu để làm ăn, đôi khi đó là cả gia tài, vì vậy nếu cấm xe máy thì nhiều dân nghèo sẽ rất khó khăn.
"Cách đây 5-7 năm, tôi đã từng nói không nên có tư duy không quản được thì cấm, đây là điều tối kỵ. Đối với trường hợp này cũng vậy, xe máy là cần câu cơm của người dân, nếu cấm thì 80% dân đi xe máy họ đi bằng gì.
Nói chung là giờ người dân đi xe công cộng còn hết sức khó khăn khi xe buýt hiện nay thì chậm, không đi đúng giờ. Đường sắt đô thị chỉ có một vài tuyến độc đạo thôi, chưa nối kết được nên rất khó để cấm xe máy" - ông Thủy nhận định.