Hà Nội vừa có đề nghị quan trọng gửi Thủ tướng về cây cầu vượt sông Hồng 11.770 tỷ đồng nối với Hưng Yên

Cây cầy khi được đầu tư xây dựng sẽ giúp tăng sự liên kết giữa Thủ đô Hà Nội với tỉnh Hưng Yên.

Hà Nội kiến nghị Thủ tướng giao xây cầu Ngọc Hồi

UBND thành phố Hà Nội đã gửi công văn số 326/UBND-ĐT đến Thủ tướng Chính phủ đề xuất việc phân công cơ quan chịu trách nhiệm quản lý thực hiện Dự án đầu tư xây dựng cầu Ngọc Hồi và đường kết nối giữa thành phố Hà Nội và tỉnh Hưng Yên.

UBND thành phố Hà Nội kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao quyền chủ quản Dự án cho thành phố theo đúng quy định tại Luật Đầu tư công ban hành ngày 29/11/2024.

Hà Nội cũng đề nghị Thủ tướng chấp thuận việc Trung ương hỗ trợ ít nhất 50% tổng mức đầu tư cho dự án phần xây dựng cầu chính và đường hai đầu cầu, là một phần của dự án tổng thể xây dựng cầu Ngọc Hồi.

Hà Nội vừa có đề nghị quan trọng gửi Thủ tướng về cây cầu vượt sông Hồng 11.770 tỷ đồng nối với Hưng Yên- Ảnh 1.

Vị trí 2 đầu nằm trên địa bàn huyện Thanh Trì (Hà Nội) và xã Văn Đức, huyện Gia Lâm (Hà Nội). Liền kề với xã Văn Đức là thị trấn Văn Giang, huyện Văn Giang (tỉnh Hưng Yên). Ảnh: Ngọc Đẹp

Theo đề xuất, Hà Nội và tỉnh Hưng Yên sẽ chung sức đảm nhận việc bố trí ngân sách địa phương cho việc bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư; đầu tư xây dựng các tuyến đường song hành cùng với phần còn lại của dự án.

Dự án cầu Ngọc Hồi và các đường dẫn hai đầu bắt đầu ở huyện Thanh Trì, Hà Nội (Km0+00), nối liền với điểm cuối của dự án đường Vành đai 3,5 đoạn từ Phúc La, Văn Phú tới cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ; và kết thúc ở huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên (Km7+500), nối với đường Vành đai 3,5 nằm trên địa bàn huyện Văn Giang.

Tổng chiều dài nghiên cứu của dự án là khoảng 7,5km, trong đó chiều dài tuyến ở phía Hà Nội là khoảng 5,4km và phía Hưng Yên là 2,1km.

Cầu chính bắc qua sông Hồng và cầu dẫn có chiều dài 7,2km và rộng 33m; đường dẫn đầu cầu phía Hưng Yên dài khoảng 300m và rộng 60m.

Dự án có tổng mức đầu tư sơ bộ là khoảng 11.770 tỷ đồng, từ nguồn vốn ngân sách của thành phố Hà Nội và Trung ương. Dự án bao gồm 6 dự án thành phần, với dự án thành phần thứ 3 - đầu tư xây dựng cầu Ngọc Hồi và đường dẫn hai đầu cầu có tổng mức đầu tư lên tới 10.198 tỷ đồng.

Cầu Ngọc hồi sẽ giữ vai trò then chốt trong hệ thống giao thông Thủ đô

Cầu Ngọc Hồi khi hoàn thiện sẽ là một phần trên tuyến đường vành đai 3,5 tại Hà Nội, nối liền thành phố với tỉnh Hưng Yên. Tuyến vành đai này có tổng chiều dài khoảng 45,64 km và hiện tại, một phần tuyến đường dài 9,5 km đã hoàn thành (đoạn từ Đại Lộ Thăng Long đến Trục phía Nam). 

Vành đai 3,5 đang trong quá trình xây dựng một đoạn khác dài 5,5 km từ Quốc lộ 32 đến Đại Lộ Thăng Long và đang được quy hoạch để xây dựng thêm 5 dự án với tổng chiều dài là 25,1 km.

Hà Nội vừa có đề nghị quan trọng gửi Thủ tướng về cây cầu vượt sông Hồng 11.770 tỷ đồng nối với Hưng Yên- Ảnh 2.

Vị trí dự kiến xây dựng cầu Ngọc Hồi. Ảnh: TPO

Việc hoàn thành tuyến Vành đai 3,5 và cầu Ngọc Hồi sẽ không chỉ kết nối trực tiếp Hà Nội với Hưng Yên mà còn phối hợp với các tuyến đường hướng tâm của Hà Nội như Mê Linh, Tây Thăng Long, Quốc lộ 32, Đại lộ Thăng Long, Lê Văn Lương, Quốc lộ 6, Quốc lộ 1, cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ, giúp phân tán và điều hòa lưu lượng giao thông. 

Điều này giúp giảm thiểu ách tắc tại khu vực trung tâm thành phố cho những phương tiện từ phía Bắc và Tây Bắc muốn di chuyển về phía Đông Nam, không cần phải qua trung tâm Hà Nội.

Việc này sẽ làm giảm đáng kể tình trạng ùn tắc trên các tuyến đường hiện hững như vành đai 3, đường Giải Phóng, Đường 70. 

Bên cạnh đó, sự phát triển của cầu Ngọc Hồi sẽ thúc đẩy mối quan hệ liên kết giữa Hà Nội và Hưng Yên, hỗ trợ sự phát triển của các khu đô thị mới như Ecopark, Đại An, Dream City, từ đó tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực phía Nam của Hà Nội và các tỉnh lân cận như Hưng Yên, Hà Nam, Bắc Ninh.