Những cuộc tranh luận về quyền work from home (làm việc từ xa) đã nổ ra suốt thời kỳ đại dịch, khi mọi người phải ngồi ở nhà do phong tỏa. Nhưng hiện nay, nhiều cơ quan chính phủ và công ty ở Australia cũng như trên toàn cầu bắt đầu thúc giục nhân viên trở lại văn phòng.
Vì vậy, clip TikTok ghi lại cảnh hai cô gái làm việc với laptop trên bãi cát ở Sydney một lần nữa thổi bùng cuộc tranh luận về sự thoải mái cũng như tính hiệu quả khi làm việc từ xa.
Hình ảnh hai cô gái gõ laptop giữa bãi cát đã gây ra cuộc tranh luận sôi nổi về làm việc từ xa. Ảnh: TikTok/laurensyesterday. |
Nhiều nhân viên đã phải trở lại văn phòng 5 ngày/tuần tỏ ra ghen tỵ với hai cô gái khi họ có thể tự do làm việc khi đang tận hưởng không khí biển cả.
Ở chiều ngược lại, nhiều người cho rằng khó có thể tập trung để hoàn thành công việc ở một nơi đông đúc và ồn ào như bãi biển. Một số dân mạng lo rằng máy tính của họ có thể bị hỏng do nước và cát chảy vào, màn hình bị mờ do ánh sáng ngoài trời cũng có thể ảnh hưởng đến chất lượng làm việc.
Roxanne Calder, chuyên gia tuyển dụng, nói với news.com.au rằng để làm việc được hiệu quả trên bãi biển còn tùy thuộc vào từng dạng công việc. Bà nhận định sẽ rất khó để "tập trung, hiện diện và chuyên nghiệp" khi làm online và họp trên bãi biển.
"Tôi không tin rằng bạn có thể làm việc một cách chất lượng", bà nói.
Chuyên gia tuyển dụng nhấn mạnh nếu làm việc từ xa, nhân viên có trách nhiệm khiến công việc hiệu quả.
Bà Calder cho biết các ông chủ liên lạc với bà "thường xuyên" vì lo ngại có những nhân viên có thể làm việc ở nơi người sử dụng lao động e ngại là sẽ không đạt được hiệu quả tốt.
Quyền riêng tư cũng là điều đáng lưu ý với những người chọn làm việc nơi công cộng, theo Calder. Người làm từ xa sẽ cần để ý xem có ai nhìn vào màn hình máy tính của mình và biết được thông tin bảo mật của công ty hay không.
Bà giải thích rằng quan trọng là phải đảm bảo các kỳ vọng được nêu rõ ràng khi mọi người làm việc từ xa. "Sẽ có vấn đề nếu không đặt ra một chính sách phù hợp", Calder nói.
Calder cho rằng làm việc từ xa có hiệu quả hay không phụ thuộc vào loại hình công việc cụ thể. Ảnh: Supplied. |
Lauren, đang điều hành một doanh nghiệp huấn luyện kỹ năng, chính là người đăng video về hai cô gái lên TikTok, đến nay thu hút hơn 90.000 lượt xem. Đây là một video trong chuỗi nội dung về nơi làm việc "không ngờ tới" tại Sydney mà cô bắt đầu thực hiện từ tháng 1 năm nay.
"Tôi đã chứng kiến cảnh tượng này lần đầu tiên tại nhà hàng Coogee Pavilion, mọi người ở đó đều có một chiếc máy tính xách tay đang mở. Tôi đã nghĩ điều ấy thật điên rồ", Lauren nói với news.com.au.
Kể từ đó, Lauren đã ghi lại hình ảnh mọi người làm việc ở đủ mọi nơi như dưới túp lều ở bãi biển Bondi, trong quán rượu hay trên băng ghế công viên, nhưng cô chưa bao giờ nhìn thấy ai làm việc trên bãi biển.
Lauren không nghĩ rằng có gì đó sai khi người ta làm việc bất cứ đâu. Thực tế, nếu cô có nhân viên, cô cũng để họ tùy ý chọn nơi làm việc. Dù vậy, cô cho rằng làm việc trên bãi biển vẫn là lựa chọn "quá sức" đối với mình.
Cô nói rằng bản thân thích làm việc ở nhà vì "sự yên tĩnh và không gian riêng tư", nhưng cũng hiểu một số người thích sự ồn ào khi làm việc bên ngoài hoặc trong quán cà phê.
AI có cướp đi công việc của chúng ta?
Trong cuốn AI chuyện chưa kể, tác giả Tomoe Ishizumi cho rằng đây chỉ là công cụ tối ưu không hơn không kém. Có một điều chắc chắn rằng AI có thể thay thế phần lớn công việc mà con người đang làm hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta không nên nghĩ máy móc sẽ cướp đi công việc của con người mà hãy nghĩ rằng máy móc sẽ làm những công việc vất vả để con người có thời gian sáng tạo hơn.