Hải Phòng đề xuất sửa đổi 61 chính sách để 'nhảy vọt'

“Nếu được đại biểu Quốc hội ủng hộ, chúng tôi có cơ chế, chính sách đặc thù, sẽ tạo ra nguồn năng lượng mới, động lực mới để đưa Hải Phòng phát triển và phát triển một cách bền vững”, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu cho hay.

"Xây nhà mà không có đồ đạc, làm sao ở được"

Sáng 31/10, Quốc hội thảo luận ở tổ, cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng và việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương.

Tại phiên thảo luận, ông Lê Tiến Châu , Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng chia sẻ, cách đây 5 năm, Bộ Chính trị đã cho Hải Phòng làm thí điểm, tuy nhiên do nhiều lý do khác nhau, việc triển khai mô hình chính quyền đô thị hơi chậm.

Trong khi đó, các địa phương khác đã thí điểm và đã làm chính thức rồi. Do vậy, thành phố đã xin bỏ thí điểm và làm chính thức luôn.

Hải Phòng đề xuất sửa đổi 61 chính sách để 'nhảy vọt'- Ảnh 1.

Bí thư Thành ủy Lê Tiến Châu, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng. (Ảnh: Như Ý)

Theo ông Châu, cách tiếp cận của thành phố Hải Phòng cũng khác so với các địa phương, bởi có lợi thế là đi sau. " Hà Nội, TP. HCM và Đà Nẵng là những địa phương đi trước, phải đối mặt với những khó khăn, vì phải dò dẫm. Còn Hải Phòng đã nhìn thấy các địa phương đi trước rồi, cho nên cái gì ưu điểm của họ thì Hải Phòng đưa vào" - ông Châu nói.

Ngoài ra, ông Châu cũng khẳng định, Hải Phòng có những điểm rất đặc thù, cho nên thành phố tiếp cận theo cách, mô hình nào sẽ có chức năng, nhiệm vụ của của mô hình đó. “Nếu ta xây cái nhà mà không có tiện nghi, đồ đạc thì làm sao mà ở được”, ông Châu ví von.

Tuy nhiên theo ông, sau khi có ý kiến cấp trên, đề nghị phải làm theo những cái đã có, giống Đà Nẵng, TP. HCM, mô hình là mô hình, còn chức năng, nhiệm vụ, và cơ chế, chính sách đặc thù thì đưa vào thí điểm.

“Vì thế, chúng tôi lại tách ra, nhưng vẫn giữ lại những cái riêng có, vẫn vượt hơn so với mô hình không phải chính quyền đô thị , và có những điểm cũng hơi khác biệt so với các thành phố đi trước, dù không rõ và không nhiều”, Bí thư Hải Phòng bày tỏ.

Chính sách đặc thù tạo động lực mới phát triển

Cũng theo ông Châu, hiện nay thành phố đã sơ kết Nghị quyết 35 của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù thí điểm cho Hải Phòng. Theo ông, qua thực tiễn cho thấy, một địa phương hay một quốc gia muốn phát triển được thì có hai yếu tố quan trọng nhất: Một là nhân lực , hai là cơ chế chính sách.

“Với nguồn nhân lực, chúng tôi phải tự cố gắng nỗ lực, nhưng riêng cơ chế, chính sách đặc thù, thì phải Quốc hội cho, Trung ương cho”, ông nhấn mạnh.

Theo ông Châu, hiện Nghị quyết 35 chỉ có 5 cơ chế, chính sách đặc thù với Hải Phòng, trong khi đó TP. HCM có hơn 100 chính sách.

“Hiện chúng tôi đang phối hợp với Bộ KH&ĐT , đáng lẽ trình kỳ này, song Bộ nhiều việc quá, chưa làm được, nên có thể xin trình vào một phiên họp chuyên đề tháng 2, nếu chậm hơn thì trình vào tháng 5/2025, tại Kỳ họp thứ 9 của Quốc hội. Lúc đó, Hải Phòng sẽ trình Nghị quyết sửa đổi nghị quyết 35, với đề xuất sửa đổi 61 chính sách”, ông Châu chia sẻ.

“Chúng tôi ý thức rằng, Hải Phòng phát triển, trước hết vì Hải Phòng, đồng thời cũng đóng góp lớn cho sự phát triển chung của đất nước. Nếu được đại biểu Quốc hội ủng hộ, chúng tôi có cơ chế, chính sách đặc thù, sẽ tạo ra nguồn năng lượng mới, động lực mới để đưa Hải Phòng phát triển và phát triển một cách bền vững”, ông Châu nêu rõ.


Đề xuất nghiên cứu đặt tên đường Lê Văn Thành

Tại phiên thảo luận ở tổ, nhiều đại biểu tán thành với việc ban hành Nghị quyết tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng và việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương.

GS. Chu Hồi cho rằng, cần tạo ra những điểm nhấn để địa phương phát triển. Ông cũng đề xuất địa phương nghiên cứu, đặt tên đường mang tên Lê Văn Thành (nguyên Bí thư Thành ủy Hải Phòng), cũng như cử tri Đà Nẵng mong muốn đặt tên một con đường mang tên Nguyễn Bá Thanh (nguyên Bí thư Thành ủy Đà Nẵng).