
Một nhân viên từ Trung tâm rà phá bom mìn Campuchia phát hiện một vật liệu nổ chưa phát nổ tại tỉnh Svay Rieng, Campuchia ngày 11-2 - Ảnh: AFP
Theo tờ The Straits Times ngày 23-2, hai đứa trẻ Campuchia chơi đùa tại khu đất gần nhà đã thiệt mạng do vô tình đào trúng và kích nổ một quả đạn RPG chống tăng, một loại vũ khí dùng để phá xe tăng. Một bé chết tại chỗ, bé còn lại qua đời tại bệnh viện.
Ông Heng Ratana, tổng giám đốc Trung tâm rà phá bom mìn Campuchia (CMAC), cho biết hai đứa trẻ là anh em họ, một bé trai và một bé gái, đều mới 2 tuổi. Vụ nổ xảy ra tại một ngôi làng hẻo lánh thuộc tỉnh Siem Reap, nơi từng là chiến trường của cuộc chiến chống Khmer Đỏ vào những năm 1980 - 1990.
"Chiến tranh đã hoàn toàn kết thúc và hòa bình đã kéo dài hơn 25 năm, nhưng máu của người Campuchia vẫn tiếp tục đổ vì bom mìn và tàn tích chiến tranh", ông Heng nói.
Vào tháng 1-2025, hai nhân viên rà phá bom mìn Campuchia đã thiệt mạng khi cố gắng gỡ một quả mìn chống tăng trên cánh đồng lúa, và một người nông dân khác cũng thiệt mạng do giẫm phải mìn trong chính trang trại của mình.
Vụ tai nạn này diễn ra trong bối cảnh Campuchia vừa buộc tạm ngừng một phần hoạt động rà phá bom mìn do Mỹ bất ngờ cắt giảm viện trợ vào đầu năm 2025 theo lệnh của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Quyết định này khiến nhiều dự án rà phá bom mìn bị đình trệ, gia tăng nguy cơ xảy ra tai nạn do vật liệu nổ chưa được xử lý.
Cho đến ngày 21-2, Chính phủ Campuchia thông báo hoạt động rà phá bom mìn đã được tiếp tục trở lại sau khi Mỹ cấp quyền miễn trừ để duy trì tài trợ.
Hậu quả của hơn 30 năm chiến tranh từ những năm 1960 cho đến năm 1998 đã biến Campuchia trở thành một trong những quốc gia bị ô nhiễm bom mìn nặng nề nhất thế giới. Hiện vẫn còn hơn 1.600km² đất bị nhiễm bom mìn, ảnh hưởng đến khoảng 1 triệu người dân.
Theo số liệu thống kê của quốc gia này, kể từ năm 1979, khoảng 20.000 người đã thiệt mạng và hơn 40.000 người bị thương do bom mìn và tàn tích chiến tranh.
Chính phủ Campuchia đặt mục tiêu trở thành quốc gia không còn bom mìn vào năm 2025, nhưng kế hoạch này đã bị lùi lại 5 năm do thiếu kinh phí và phát hiện thêm nhiều bãi mìn mới, đặc biệt là dọc biên giới với Thái Lan.
