Hầm trú ẩn 'tận thế' của Mark Zuckerberg lại gây bức xúc

Vợ chồng tỷ phú Mark Zuckerberg mở rộng khu đất trên đảo Kauai, Hawaii lên hơn 9,3 km2, trong đó bao gồm hầm trú ẩn dưới lòng đất với cửa chống nổ và lối thoát hiểm.

CEO của Meta, Mark Zuckerberg đã mở rộng khu bất động sản khổng lồ của mình trên đảo Kauai ở Hawaii (Mỹ). Ảnh: MEGA.

Giữa đảo Kauai, một trong những hòn đảo đẹp nhất Hawaii (Mỹ), Mark Zuckerberg cho xây dựng một hầm trú ẩn dưới lòng đất có kích thước ngang bằng sân bóng rổ, được lắp cửa chống nổ và lối thoát hiểm riêng biệt. Cấu trúc này là một phần trong tổ hợp bất động sản hàng trăm triệu USD mà vợ chồng Zuckerberg âm thầm mở rộng suốt 10 năm qua.

Khu đất hiện tại của CEO Meta đã đạt đến hơn 2.300 mẫu Anh (9,3 km2) sau khi ông mua thêm gần 1.000 mẫu vào đầu năm 2024. Mức giá cho lô đất này ước tính trên 65 triệu USD. Người phát ngôn của Zuckerberg xác nhận thương vụ với WIRED.

Đáng chú ý, khu hầm trú ẩn được xây dựng trong lòng đất và có các tính năng phòng thủ như cửa chống nổ, hệ thống thoát hiểm riêng, cùng thiết kế biệt lập. Nhiều chuyên gia cho rằng đây không chỉ là nơi trú bão mà còn phục vụ cho tình huống khẩn cấp như ngày tận thế. Ngoài ra, biệt thự, nhà khách và nhà trên cây cũng được trang bị hệ thống giám sát an ninh, camera, khóa điện tử và cảm biến chuyển động.

ham tru an tan the anh 1

Khu đất rộng gần 1.000 mẫu Anh được Zuckerberg mua vào đầu năm nay với mức giá khoảng 65 triệu USD. Ảnh: MEGA.

Trên giấy tờ, dự án được mô tả là khu trang trại phục vụ nông nghiệp hữu cơ, bảo tồn hệ sinh thái. Tuy nhiên, với quy mô và thiết kế "siêu an ninh", nhiều người cho rằng đây là "một pháo đài ngầm" của ông chủ Meta.

Động thái mở rộng và phát triển khu bất động sản của Zuckerberg tiếp tục thổi bùng tranh cãi trong cộng đồng bản địa Hawaii, khu vực vốn nhạy cảm với quyền đất đai tổ tiên, lịch sử bị chiếm đoạt và hệ sinh thái đang chịu áp lực.

Trước đó, Zuckerberg từng bị chỉ trích dữ dội vì đệ đơn kiện để xác lập quyền sở hữu trên các mảnh đất có người dân địa phương đang sinh sống. Những người này có quyền "kuleana", quyền lợi truyền thống cho phép sở hữu đất đai bản địa của người Hawaii gốc. Dù đã rút đơn kiện sau đó, ông vẫn mua lại đất thông qua hình thức đấu giá và tiếng phản đối vẫn âm ỉ.

ham tru an tan the anh 2

Khu đất vừa được mở rộng của Zuckerberg bị nghi ngờ bao gồm cả khu nghĩa trang của người Hawaii bản địa. Ảnh: Adobe Stock.

Chia sẻ với WIRED, một cư dân tên Julian Ako cho biết anh từng mất nhiều tháng đàm phán với đại diện của Zuckerberg chỉ để được tiếp cận nơi an nghỉ của cụ bà mình, nằm bên trong khu đất của tỷ phú. Nỗi lo lớn hơn đến từ việc phát hiện thêm các ngôi mộ cổ của người Hawaii có thể bị giấu nhẹm do nhân công trong dự án phải ký thỏa thuận bảo mật nghiêm ngặt.

Người dân lo ngại, nếu xương cốt tổ tiên bị phát hiện, liệu thông tin có được công khai hay sẽ bị che giấu để bảo vệ dự án. Mối quan hệ giữa chủ đất và cộng đồng bản địa ngày càng trở nên mong manh hơn, dù Zuckerberg đã quyên góp hàng triệu USD cho các tổ chức phi lợi nhuận tại địa phương.

'Tuổi thơ dữ dội' của Bill Gates

Từng là đứa nhóc hợm hĩnh mà người ta không khỏi chán ghét, Bill Gates giờ đã trở thành một người lớn tuổi dễ mến. Trong cuốn đầu tiên Mã nguồn: Những năm tháng đầu đời của tôi trong bộ ba hồi ký (tác giả dự kiến), ông kể lại 2 thập kỷ đầu tiên đời mình, từ lúc lọt lòng năm 1955 đến khi thành lập hãng công nghệ Microsoft và thỏa thuận cung cấp một phiên bản ngôn ngữ lập trình Basic cho Apple Computer vào năm 1977.