Hầm xuyên núi dài thứ 4 Việt Nam, dùng công nghệ tiên tiến nhất thế giới sẽ 'lên đời' bằng 1.199 tỷ đồng?

Ban quản lý dự án 85 vừa trình Dự án đầu tư hoàn thiện hầm xuyên núi dài thứ 4 Việt Nam.

Đầu tư 1.199 tỷ đồng hoàn thiện hầm Núi Vung

Ban Quản lý Dự án 85 vừa trình Bộ Xây dựng đề nghị thẩm định Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư nhằm hoàn tất hạng mục hầm Núi Vung – một phần thuộc Dự án thành phần cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo.

Hầm đường bộ này đi xuyên qua khu vực Núi Vung, nằm giữa ranh giới hai tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận. Tuyến hầm có điểm xuất phát tại Km120+700 và kết thúc tại Km126+150 trên tuyến cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo.

Nội dung chính của dự án bao gồm việc hoàn chỉnh ống hầm bên trái còn lại – hiện mới chỉ xây dựng phần vỏ. Dự kiến sẽ triển khai thi công lớp bê tông mặt đường, lắp đặt đầy đủ các hệ thống kỹ thuật như thông gió, chiếu sáng, camera giám sát, hệ thống giao thông thông minh (ITS), cùng các thiết bị đảm bảo an toàn. Mục tiêu là đồng bộ hóa vận hành với ống hầm bên phải đã đưa vào khai thác từ giai đoạn trước.

Song song, dự án còn đề xuất xây dựng mới một đơn nguyên cầu kèm hệ thống đường dẫn. Cụ thể, ở phía Bắc hầm sẽ có hai cầu với chiều dài lần lượt 240m và khoảng 500m, cùng 521m đường nối. Tại đầu phía Nam, dự kiến xây dựng một cầu dài 1.000m và đoạn đường dẫn cùng chiều dài tương đương 521m.

Hầm xuyên núi dài thứ 4 Việt Nam, dùng công nghệ tiên tiến nhất thế giới sẽ 'lên đời' bằng 1.199 tỷ đồng?- Ảnh 1.

Trước cửa hầm Núi Vung. Ảnh: Đèo Cả Group

Quy mô công trình theo tiêu chuẩn hoàn chỉnh sẽ đạt mặt cắt ngang 16,25m cho phần cầu bổ sung, đồng thời khai thác toàn tuyến hầm và cầu dẫn với 6 làn xe, tăng cường năng lực lưu thông.

Tổng mức đầu tư ước tính khoảng 1.199,8 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn tăng thu từ ngân sách Trung ương năm 2024. Dự kiến công trình sẽ được triển khai từ năm 2025 và hoàn thành vào năm 2027.

Trước đó, giai đoạn 1 của hầm đã hoàn thành và đưa vào sử dụng ống hầm bên phải, phục vụ hai làn xe ngược chiều có dải phân cách cứng. Tuy nhiên, tốc độ lưu thông trong hầm bị giới hạn ở mức 60 km/h. Trong khi đó, ống hầm bên trái chỉ mới xây phần vỏ, chưa thi công mặt đường và hệ thống kỹ thuật, hiện đang được dùng làm hầm thoát hiểm trong các trường hợp khẩn cấp.

Hầm xuyên núi dài thứ 4 Việt Nam, dùng công nghệ tiên tiến nhất thế giới sẽ 'lên đời' bằng 1.199 tỷ đồng?- Ảnh 2.

Hầm Núi Vung nhìn từ trên cao. Ảnh: VOV

Do hạn chế về kinh phí trong giai đoạn trước, chỉ một ống hầm được đưa vào vận hành. Điều này khiến đoạn tuyến qua hầm Núi Vung trở thành điểm nghẽn trên toàn tuyến cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo, đặc biệt là vào các thời điểm cao điểm như lễ, Tết, thường xuyên xảy ra tình trạng ùn ứ.

Việc sớm hoàn thiện cả hai ống hầm Núi Vung không chỉ giúp gia tăng khả năng lưu thông, mà còn nâng cao mức độ an toàn cho người và phương tiện. Đồng thời, công trình này sẽ góp phần đảm bảo tính liên tục, đồng bộ cho tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông – tuyến giao thông trọng yếu của đất nước.

Hầm Núi Vung là hầm xuyên núi dài thứ 4 Việt Nam

Nằm tại khu vực giáp ranh giữa hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận, hầm Núi Vung được xem là công trình trọng điểm trong dự án đường cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo, thuộc giai đoạn đầu của tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông.

Với chiều dài 2,2 km, hầm Núi Vung hiện giữ kỷ lục là hầm dài nhất trong toàn bộ hệ thống cao tốc Bắc – Nam, đồng thời đứng thứ tư trên cả nước về quy mô, sau các hầm Hải Vân, Đèo Cả và Cù Mông. Công trình được thiết kế với mặt cắt rộng 14 mét, gồm ba làn xe, đáp ứng tiêu chuẩn cao tốc hiện đại.

Tổng kinh phí đầu tư cho dự án ước tính khoảng 1.600 tỷ đồng, với thời gian thi công dự kiến kéo dài 30 tháng. Tuy nhiên, do địa chất phức tạp tại khu vực núi Vung – bao gồm nhiều tầng đá cứng xen kẽ lớp đất yếu – việc triển khai gặp không ít thách thức.

Để đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình, nhà thầu đã huy động lực lượng nhân công lên tới 1.500 người cùng hơn 500 thiết bị thi công chuyên dụng. Trong đó, đáng chú ý là các thiết bị công nghệ cao được nhập khẩu mới hoàn toàn, như máy khoan chuyên dụng cho địa hình đá cứng, giàn khoan xoay cỡ lớn phục vụ thi công cọc nhồi, cùng hệ thống trạm trộn bê tông và trạm nghiền vật liệu ngay tại công trường.

Hầm xuyên núi dài thứ 4 Việt Nam, dùng công nghệ tiên tiến nhất thế giới sẽ 'lên đời' bằng 1.199 tỷ đồng?- Ảnh 3.

Bên trong hầm Núi Vung. Ảnh: Báo Xây dựng

 Một điểm đặc biệt trong thi công hầm Núi Vung là việc ứng dụng công nghệ NATM – kỹ thuật đào hầm tiên tiến hàng đầu thế giới hiện nay. Phương pháp này cho phép thi công linh hoạt nhiều mũi cùng lúc (3–4 hướng), phù hợp với mọi dạng tiết diện hầm và có khả năng phân bố lực đều trong khối đá bao quanh, giúp tăng độ ổn định và giảm rủi ro.

Vào ngày 3/7/2023, công trình chính thức xuyên hầm thành công, đánh dấu bước ngoặt lớn trong chuỗi tiến độ. Đây được xem là cột mốc quan trọng giúp đẩy nhanh tiến trình hoàn thiện toàn tuyến cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo, hướng tới mục tiêu hoàn thành và đưa vào sử dụng trước ngày 30/4/2024.

Hầm Núi Vung không chỉ đóng vai trò chiến lược trong kết nối giao thông liên vùng, mà còn là biểu tượng cho sự phát triển hạ tầng hiện đại của Việt Nam, thể hiện năng lực thi công ngày càng vững vàng của ngành xây dựng trong nước.

Thái Hà