Hàn Quốc sẽ ra sao sau khi chạm tới cột mốc gây bàng hoàng?

Dù chỉ mới gia nhập "câu lạc bộ siêu già", Hàn Quốc phải đối mặt với vấn đề cấp bách hơn vì tốc độ già hóa dân số quá nhanh và tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới.

Hôm 24/12, Bộ Nội vụ và An toàn Hàn Quốc nói rằng quốc gia này đã chính thức gia nhập các nước "siêu già", với 20% dân số vượt quá 65 tuổi.

Theo Liên Hợp Quốc, bất kỳ quốc gia nào có hơn 7% dân số từ 65 tuổi trở lên là "xã hội đang già hóa", nếu nhóm tuổi này hơn 14% thì là "xã hội già hóa" và hơn 20% là "xã hội siêu già".

Tính đến ngày 23/12, Hàn Quốc có 10,24 triệu cư dân từ 65 tuổi trở lên, chiếm 20% tổng dân số 51,22 triệu người.

Hàn Quốc là quốc gia thứ hai ở châu Á đạt đến cột mốc này sau Nhật Bản. Còn ngoài châu Á, nhiều quốc gia khác như Đức, Italy cũng đã được phân loại là xã hội siêu già. Theo dự đoán của Moody's, công ty xếp hạng tín nhiệm, câu lạc bộ siêu già sẽ còn mở rộng, dự kiến có đến hơn 30 quốc gia vào năm 2030.

Tuy nhiên, vấn đề của Hàn Quốc có thể nghiêm trọng hơn các nước khác, bao gồm cả Nhật Bản. Năm 2014, Moody's dự đoán phải đến năm 2030 xứ sở kim chi mới trở thành xã hội siêu già. Nhưng thực tế thời điểm đó đã đến sớm hơn 5 năm. Điều này cho thấy quốc gia châu Á đang phải vật lộn với thách thức về nhân khẩu học khi dân số già hóa với tốc độ quá nhanh và tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới.

Già hóa nhanh hơn dự kiến

Tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên trong sổ đăng ký dân số quốc gia Hàn Quốc lần đầu tiên vượt quá 10% vào năm 2008, khi đạt 10,02%.

Tỷ lệ này tăng đều đặn lên 11,01% vào năm 2011, 12,03% vào năm 2013, 13,02% vào năm 2015 và 14,02% vào năm 2017.

Năm 2019, dân số già vượt quá 15% và đầu năm nay, vượt quá 19%, đạt 20% trước khi kết thúc năm. Số người từ 65 tuổi trở lên đã tăng gấp đôi chỉ trong vòng 16 năm, tăng từ 4,95 triệu người vào năm 2008 lên hơn 10 triệu người vào năm nay.

Lee Sang-rim - nghiên cứu viên cao cấp tại Trung tâm nghiên cứu xã hội, dân số và già hóa thuộc Đại học Quốc gia Seoul - cho biết: "Chính phủ phải đưa ra nhiều biện pháp khác nhau, bao gồm cả việc thành lập bộ phận lập kế hoạch chiến lược dân số, đang được xem xét".

han quoc sieu gia anh 1

Hàn Quốc chính thức trở thành nước "siêu già". Ảnh: Bloomberg.

Hàn Quốc, nền kinh tế lớn thứ tư châu Á, đã gia nhập nhóm xã hội đang già hóa vào năm 2000 và chính thức trở thành xã hội già hóa vào năm 2017.

Trong tổng số 10,24 triệu người Hàn Quốc từ 65 tuổi trở lên, 5,69 triệu là phụ nữ, chiếm 22,2% nhóm, 4,54 triệu là nam giới, hay 17,8%. Trong số 26 triệu cư dân sống tại Seoul và khu vực đô thị xung quanh, 17,7% ở độ tuổi 65 trở lên. Tỷ lệ này cao hơn mức 22,4% đối với các khu vực không phải Seoul của đất nước.

Riêng Seoul chiếm 19,4% tổng dân số siêu già của cả nước.

Cơ quan thống kê Hàn Quốc trước đó từng tuyên bố rằng đất nước sẽ trở thành một xã hội siêu già vào năm 2025. "Cần phải có một sự thay đổi cơ bản, có hệ thống đối với chính sách dân số của chúng ta, bao gồm việc thành lập một bộ phận của chính phủ chuyên trách công tác này", Kim Min-jae, quan chức cấp cao của bộ, cho biết trong một tuyên bố.

Tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới

Tỷ lệ sinh của Hàn Quốc đã giảm nhanh chóng. Trong số các thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), đây là quốc gia duy nhất có tổng tỷ suất sinh dưới 1,0 - mức mà nước này đạt đến vào năm 2018. Tổng tỷ suất sinh phản ánh số con trung bình mà một người phụ nữ dự kiến sinh trong suốt cuộc đời. Các quốc gia cần có tỷ lệ sinh là 2,1 để duy trì dân số ổn định, trong trường hợp không tính đến nhập cư.

Tổng tỷ suất sinh của Hàn Quốc đã giảm xuống mức thấp lịch sử là 0,7 vào quý 2 năm 2023, làm trầm trọng thêm "quả bom hẹn giờ" nhân khẩu học đang lơ lửng trên nền kinh tế lớn thứ tư châu Á. Để so sánh, Nhật Bản - quốc gia cũng được phân loại là siêu già ở châu Á - có tổng tỷ suất sinh là 1,2 vào năm ngoái.

Tỷ lệ sinh thấp đáng báo động của Hàn Quốc - thấp nhất thế giới - không chỉ là mối lo ngại của các chính trị gia và quan chức chính phủ. Nó còn gây ra mối đe dọa cho các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, những người lo ngại rằng lực lượng lao động đang suy giảm cuối cùng sẽ làm suy yếu khả năng cạnh tranh của công ty.

han quoc sieu gia anh 2

Tỷ lệ sinh của Hàn Quốc là thấp nhất thế giới. Ảnh: Reuters.

Các tập đoàn lớn như Samsung, LG, Hyundai Motor và SK đã nỗ lực thúc đẩy tỷ lệ sinh của đất nước bằng cách cho phép nhân viên nghỉ thai sản dài hơn hoặc đưa ra các ưu đãi cho những phụ nữ sinh con. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho biết những nỗ lực như vậy vẫn chưa mang lại nhiều thành quả.

Năm 2022, chính quyền Hàn Quốc thừa nhận rằng hơn 200 tỷ USD đã được chi cho nỗ lực tăng dân số trong 16 năm trước đó. Thực tế chứng minh việc đổ tiền vào giải quyết vấn đề vẫn không thể đảo ngược xu hướng.

Các chuyên gia cho biết lý do dẫn đến sự thay đổi nhân khẩu học ở Hàn Quốc và rộng hơn là trên khắp châu Á bao gồm văn hóa làm việc khắt khe, tiền lương trì trệ, chi phí sinh hoạt tăng cao, thái độ thay đổi đối với hôn nhân và bình đẳng giới, cũng như sự vỡ mộng ngày càng tăng ở các thế hệ trẻ.

Giải thích về xu hướng ngại sinh con ở Hàn Quốc hiện tại, giáo sư tâm lý học Chey Jean-yung từ Đại học Quốc gia Seoul nói với Chosun rằng bối cảnh xã hội thay đổi đã khiến nhiều người nghĩ chuyện không sinh đẻ là một quyết định hợp lý.

"Bộ não con người thừa nhận rằng môi trường hiện tại ở Hàn Quốc không thuận lợi cho việc nuôi dạy trẻ em, tạo ra cảm giác khủng hoảng. Mặc dù việc tăng tỷ lệ sinh có thể là chương trình nghị sự quốc gia, cá nhân có thể đặt câu hỏi: 'Tại sao tôi phải lựa chọn sinh con vì lợi ích của đất nước?'", bà Chey nói.

Điều gì sẽ xảy ra?

Theo dự báo của Bank of America (BofA), tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình của Hàn Quốc sẽ giảm xuống dưới 2% vào những năm 2030 do tình trạng già hóa dân số làm suy yếu sức sống của quốc gia này và gia tăng sức cản cho nền kinh tế.

Tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới của Hàn Quốc đang gieo mầm cho sự suy thoái của động lực kinh tế, sức khỏe tài chính, đổi mới và ổn định tiền tệ. Trong một báo cáo được công bố hồi tháng 5, nhà kinh tế Benson Wu của BofA cho biết nhân khẩu học của Hàn Quốc đang "rơi xuống vực thẳm" và có thể đẩy tăng trưởng kinh tế xuống còn 1,8% trong giai đoạn 2030-2039 và 1,1% trong giai đoạn 2040-2049.

Bức tranh ảm đạm mà Wu vẽ ra xuất hiện khi Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol lên tiếng báo động về tỷ lệ sinh đã giảm xuống mức 0,72 vào năm ngoái. Ông Yoon có kế hoạch thành lập một bộ mới của chính phủ chuyên giải quyết cuộc khủng hoảng dân số.

han quoc sieu gia anh 3

Xã hội siêu già sẽ đặt ra nhiều thách thức cho nền kinh tế quốc gia. Ảnh: The Korea Herald.

Báo cáo của Wu về triển vọng dài hạn của nền kinh tế trái ngược với sự lạc quan khi kinh tế quốc gia tăng trưởng, xuất khẩu phục hồi nhờ nhu cầu về sản phẩm của các tập đoàn công nghệ lớn như Samsung Electronics Co.

Wu cho biết với tỷ lệ dân số lao động của Hàn Quốc dự kiến giảm xuống còn 52% vào năm 2050 từ mức 72% hiện tại, các nhà sản xuất chip, ôtô và các công ty khác sẽ cảm thấy áp lực phải chuyển hoạt động sản xuất ra nước ngoài, một xu hướng mang tính cấu trúc đã và đang diễn ra.

Ông nói thêm rằng đối với tiền tệ, điều đó có nghĩa là nhu cầu về đồng won sẽ yếu hơn và nguy cơ dòng vốn chảy ra khỏi đất nước sẽ cao hơn.

Báo cáo chỉ ra rằng chính phủ Hàn Quốc nên tiếp tục nỗ lực hỗ trợ đầu tư nghiên cứu giúp tăng năng suất, giúp thị trường lao động linh hoạt hơn và khuyến khích nhiều người nhập cư hơn để bù đắp tác động của nhân khẩu học đối với nền kinh tế.

Wu cho biết trong khi tăng trưởng thấp hơn có thể gây áp lực giảm lãi suất thì nhu cầu tăng chi tiêu tài chính sẽ đẩy lãi suất theo hướng ngược lại, khiến tác động chung vẫn chưa rõ ràng.

Wu cho biết thêm Hàn Quốc cũng có thể vượt qua Nhật Bản về tỷ lệ phụ thuộc (dependency ratio) vào năm 2055. Tốc độ này nhanh hơn dự báo năm 2060 của OECD. Tỷ lệ phụ thuộc là một chỉ số kinh tế xã hội dùng để đo lường tỷ lệ giữa số lượng người cần được chăm sóc và hỗ trợ (là trẻ em và người cao tuổi) với số lượng người đang đi làm và đóng góp cho nền kinh tế. Quỹ hưu trí quốc gia Hàn Quốc, quỹ lớn thứ ba thế giới, dự kiến sử dụng hết tiền vào năm 2055.

Niềm vui và nỗi buồn của công việc

Tập truyện ngắn của nữ tác giả Jang Ryu Jin mang đến cái nhìn khác về cuộc sống của tầng lớp thanh niên ở Hàn Quốc. Chúng ta thường quen với hình ảnh những nam thanh nữ tú, chỉn chu trong bộ trang phục công sở, làm việc trong những cao ốc văn phòng sang trọng. Thực tế, áp lực công việc và khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn, khiến nhiều người trẻ không còn thiết tha với tình yêu, chuyện kết hôn hay sinh con. Các nhân vật của Jang Ryu Jin đều là những thanh niên bình thường mà người ta có thể gặp ở bất cứ đâu. Mỗi câu chuyện là một mảng màu sáng-tối đan xen, tạo nên bức tranh đa chiều về những khó khăn của người trẻ trong xã hội hiện đại.