Từ tháng 2 năm ngoái, hàng nghìn bác sĩ thực tập đã nghỉ việc, còn sinh viên y khoa từ chối tham gia các lớp học để phản đối quyết liệt động thái của chính phủ Hàn Quốc nhằm tăng chỉ tiêu tuyển sinh vào trường y thêm 2.000 trong năm 2025.
"Chúng tôi thành thật xin lỗi công chúng vì đã gây nên mối lo ngại về sự thất bại trong cải cách y tế", Bộ trưởng Giáo dục Lee Ju-ho nói trong một cuộc họp báo hôm 17/4 tại khu phức hợp chính phủ Seoul khi ông công bố quyết định khôi phục đưa chỉ tiêu tuyển sinh trường y về 3.058, tương đương với năm 2024 trở về trước.
Ông Lee cảnh báo đây sẽ là "lần cuối cùng" chính phủ thực hiện "biện pháp đặc biệt" như vậy cho sinh viên y khoa.
Năm ngoái, chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường y bất ngờ được tăng thêm 2.000 lên 5.058 suất bắt đầu từ năm 2025, như một phần trong nỗ lực giải quyết tình trạng thiếu hụt dịch vụ y tế ở các vùng nông thôn và chuyên ngành y thiết yếu tại Hàn Quốc.
Tuy nhiên, động thái này đã vấp phải sự phản đối dữ dội từ các bác sĩ và sinh viên y khoa, gây ra sự gián đoạn kéo dài đối với ngành giáo dục y khoa và dẫn đến các cuộc tẩy chay diễn ra trên khắp đất nước.
Bị bủa vây từ sức ép dư luận, chính phủ Hàn Quốc đã hứa sẽ quay lại mức chỉ tiêu trước đây nếu tất cả sinh viên y khoa quay trở lại trường vào cuối tháng 3 năm nay sau một năm "tẩy chay" lớp học.
Từ cuối tháng trước đến đầu tháng này, hầu hết sinh viên y khoa đã hoàn tất thủ tục đăng ký hoặc tái nhập học. Tuy nhiên, nhiều sinh viên vẫn tiếp tục phản đối bằng cách từ chối đến trường, với tỷ lệ quay trở lại thực tế ở mức trung bình là 25,9% trên 40 trường y khoa trong cả nước.

(Ảnh: Yonhap)
Chính phủ Hàn Quốc cũng có kế hoạch sửa đổi Nghị định thi hành của Đạo luật giáo dục đại học nhằm thiết lập cơ sở pháp lý cho việc điều chỉnh chỉ tiêu tuyển sinh vào trường y.
Theo đó, mỗi trường đại học phải nộp kế hoạch tuyển sinh sửa đổi của mình - phản ánh hạn ngạch trường y đã điều chỉnh, với mức trần là 3.058 sinh viên - cho Hội đồng Giáo dục Đại học Hàn Quốc, một hiệp hội của các hiệu trưởng trường đại học, trước cuối tháng này.
Sau khi được hội đồng chấp thuận, số lượng tuyển sinh cuối cùng cho mỗi trường y sẽ được công bố chính thức vào cuối tháng 5/2025.
Trong khi đó, các nhóm công dân, bao gồm các tổ chức bảo vệ quyền lợi cho bệnh nhân, chỉ trích quyết định của chính phủ, gọi đó là "gian lận đối với công chúng".
"Những đau khổ mà bệnh nhân mắc bệnh nghiêm trọng phải trải qua đã trở nên vô nghĩa khi Bộ giáo dục quyết định trả lại hạn ngạch tuyển sinh vào trường y", Hiệp hội Bệnh nặng Hàn Quốc cho biết trong một thông cáo báo chí.
Mối lo ngại cũng gia tăng về một cuộc khủng hoảng "gấp ba", trong đó sinh viên trúng tuyển vào năm 2024 và 2025 sẽ phải học cùng với những sinh viên nhập học vào năm 2026, nếu họ tiếp tục tẩy chay lớp học.
Trong kịch bản như vậy, hơn 10.000 sinh viên sẽ phải học các khóa học năm nhất cùng một lúc - một tình huống mà chính phủ và các trường đại học Hàn Quốc đã cảnh báo là không thể thực hiện được.
Người dân Hàn Quốc bị ảnh hưởng bởi cuộc đình công y khoa kéo dài
Các cuộc đình công của hàng ngàn bác sĩ thực tập vào tháng 2 năm ngoái đã đẩy chính phủ Hàn Quốc rơi vào bế tắc trong cuộc khủng hoảng y tế trầm trọng.
Báo cáo của Cơ quan Cứu hỏa Quốc gia Hàn Quốc cho thấy trong bối cảnh đình công của các bác sĩ kéo dài, năm 2024, số trường hợp phải di chuyển mất hơn 1 giờ đồng hồ bằng xe cứu thương mới tới được bệnh viện đã tăng 22% so với năm 2023.
Báo cáo chỉ ra rằng số trường hợp như vậy trong giai đoạn từ tháng 3 đến tháng 8 đã tăng lên 13.940 trong năm 2024, so với 11.426 trường hợp trong cùng kỳ năm 2023.

(Ảnh: Yonhap)
Hồi tháng 7/2024, vụ việc một bé gái 33 tháng tuổi bị rơi xuống mương và tử vong sau khi bị 9 bệnh viện từ chối cấp cứu đã làm dấy lên cuộc tranh luận về chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe và cấp cứu nhi khoa tại một số địa phương ở Hàn Quốc. Giới chức Hàn Quốc đã tiến hành điều tra vụ việc nhưng thực tế cho thấy các bệnh viện từ chối nhận trường hợp của bé đều đang trong tình trạng thiếu bác sĩ chuyên khoa nhi và đơn vị chăm sóc đặc biệt.
Tháng 3 vừa qua, một sản phụ cần được chăm sóc y tế khẩn cấp - đã bị hơn 40 bệnh viện từ chối trước khi sinh con trên xe cứu thương. Theo Liên đoàn Cứu hỏa Khẩn cấp Hàn Quốc, đội ứng cứu đã nhanh chóng đánh giá tình trạng của thai phụ là nguy kịch và ngay lập tức liên hệ với các khoa sản phụ khoa tại các bệnh viện ở Seoul, Gyeonggi và Nam Chungcheong. Tuy nhiên, họ đã nhiều lần được thông báo rằng không có phương pháp điều trị nào có thể đáp ứng. Các bệnh viện được cho là đã nêu ra những lý do như: "không có dịch vụ chăm sóc sản khoa vào ban đêm" hay "không có nhân viên nào có thể xử lý ca bệnh"....