![Hàng loạt quốc gia dè chừng DeepSeek - Ảnh 1. Hàng loạt quốc gia dè chừng DeepSeek - Ảnh 1.](https://cdn.tuoitre.vn/471584752817336320/2025/2/7/775df104c19f7ec1278e-read-only-17389416261251100177966.jpg)
Logo DeepSeek - Ảnh: REUTERS
Tokyo nhắc lại chỉ đạo không sử dụng Ông Trump gặp CEO Nvidia, thảo luận về DeepSeek của Trung Quốc
Logo DeepSeek - Ảnh: REUTERS
Tokyo nhắc lại chỉ đạo không sử dụng Ông Trump gặp CEO Nvidia, thảo luận về DeepSeek của Trung Quốc
Cùng ngày 6-2, tờ Korea Times dẫn lời một quan chức của Bộ Tài chính Hàn Quốc tiết lộ nước này có kế hoạch chặn quyền truy cập vào dịch vụ AI của DeepSeek.
Đây là động thái mới nhất của Seoul nhằm hạn chế việc sử dụng công cụ này trong bối cảnh giới chức Hàn Quốc bày tỏ lo ngại về việc thu thập và truy cập dữ liệu. Ngoài ra, Bộ Thống nhất cũng dự định chặn quyền truy cập vào dịch vụ AI của DeepSeek.
Bộ Nội vụ Úc đã ban hành chỉ thị cấm chương trình AI DeepSeek tới các nhân viên chính phủ vào đêm 3-2. Tất cả các cơ quan liên bang phi doanh nghiệp của Úc phải "xác định và gỡ bỏ tất cả các sản phẩm, ứng dụng và dịch vụ web của DeepSeek khỏi hệ thống và thiết bị di động của Chính phủ Úc" kể từ ngày 4-2.
Tháng trước, Ý trở thành một trong những quốc gia đầu tiên chặn quyền truy cập vào công cụ AI của DeepSeek. Sau đó nền tảng này được cho là đã bị xóa khỏi các cửa hàng ứng dụng tại đất nước hình chiếc ủng. Trong khi đó Đài Loan vừa cấm những người làm việc trong khu vực công và trong các cơ sở hạ tầng quan trọng sử dụng DeepSeek vào cuối tháng 1.
Hầu hết các quốc gia hạn chế DeepSeek đều cho rằng họ lo ngại về những rủi ro an ninh do ứng dụng của Trung Quốc gây ra. Bên cạnh đó các nước này cho biết họ không có đủ thông tin về quy trình lưu trữ và sử dụng dữ liệu cá nhân người dùng của công cụ AI này.
Tâm điểm thảo luận
Bày tỏ quan điểm về vấn đề trên, ông Kim Jong Hwa - giáo sư chuyên ngành AI tại Đại học Cheju Halla (Hàn Quốc) - nhận định "các yếu tố chính trị" có thể tác động đến phản ứng của các nước đối với DeepSeek trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung ngày càng gay gắt. Tuy nhiên ông cho rằng các biện pháp hạn chế là hợp lý.
Từ góc độ kỹ thuật, ông Kim đánh giá ngay cả các mô hình AI như ChatGPT cũng phải đối mặt với nhiều vấn đề bảo mật mà cho đến nay vẫn chưa được giải quyết triệt để. Không chỉ vậy, thể chế chính trị của Trung Quốc khác với Mỹ, nên hiện tại các nhà phân tích chưa thể đánh giá được mức độ quan tâm của DeepSeek đối với vấn đề an ninh khi phát triển chatbot của họ.
Theo nhà nghiên cứu Eddy Borges-Rey từ Đại học Northwestern (Qatar), gần như tất cả các công ty công nghệ lớn, từ Meta đến Google hay OpenAI, đều khai thác dữ liệu người dùng ở một mức độ nào đó.
Nhiều công ty trong số đó đã bị phạt hoặc điều tra vì vi phạm quyền riêng tư, tuy nhiên họ vẫn tiếp tục hoạt động vì các công ty này thuộc những khu vực pháp lý như Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) - nơi mà luật bảo vệ quyền riêng tư phần lớn được chú trọng với mức độ minh bạch cao.
Trong khi đó các nền tảng từ Trung Quốc như DeepSeek bị phương Tây "phân biệt đối xử" vì chúng được cho là hoạt động dưới sự kiểm soát của Chính phủ Trung Quốc - quốc gia có các luật như Luật Tình báo quốc gia, về mặt lý thuyết cho phép nhà nước tiếp cận dữ liệu doanh nghiệp.
"Các chính phủ phương Tây lo ngại rằng dữ liệu người dùng do các nền tảng Trung Quốc thu thập có thể bị sử dụng cho mục đích gián điệp, thực hiện các hoạt động định hướng dư luận hoặc giám sát. Việc này có thực sự xảy ra hay không vẫn còn đang tranh cãi, nhưng chỉ riêng khả năng đó đã đủ để bào chữa cho các lệnh cấm từ góc độ an ninh quốc gia", ông Eddy Borges-Rey nói thêm.
Mặt khác, một số chuyên gia cho rằng những rủi ro liên quan đến DeepSeek đã vượt xa những lo ngại trước đó từ TikTok. Ông Stewart Baker - cựu quan chức của Bộ An ninh nội địa Mỹ - cho hay DeepSeek đã dấy lên các mối lo ngại tương tự TikTok và còn hơn thế nữa.
"Người dùng đang giao phó cho các mô hình AI này thông tin cá nhân và doanh nghiệp với độ nhạy cảm cao. Nếu dữ liệu này bị một quốc gia đối thủ tiếp cận, những hệ lụy về mặt tình báo sẽ rất lớn", ông Baker nhấn mạnh.
Rủi ro địa chính trị
Theo chuyên gia kinh tế cấp cao Alicia García Herrero, rủi ro lớn nhất của DeepSeek nhiều khả năng liên quan địa chính trị. Sự ra đời của nền tảng này có thể trở thành hồi chuông cảnh tỉnh cho các công ty công nghệ Mỹ khi AI có thể trở thành trung tâm của cuộc cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung trong nhiều thập niên tới.
Ngoài ra, sự cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc về vị trí dẫn đầu trong ngành AI có thể biến lĩnh vực này trở thành một "vũ khí chiến lược", chia tách thế giới thành hai cực AI khác nhau, từ đó tác động đến quyền lực chính trị và an ninh của các chủ thể quan hệ quốc tế có liên quan.