Nhiếp ảnh gia Minh Hòa chụp ảnh lần đầu tiên đến công trường metro vào năm 2020. |
Đêm tháng 9 nóng như đổ lửa dưới lòng đất sâu 32 m, phép toán chính xác đến từng cm, cú chạm đường ray lịch sử và lớp học lái tàu là những câu chuyện ít người biết đến về hành trình tạo nên tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Tất cả được nhiếp ảnh gia Minh Hòa (59 tuổi, TP.HCM) tái hiện bằng hình ảnh.
Ông Hòa đã dành 5 năm để theo chân tuyến tàu điện ngầm đầu tiên của Việt Nam trước ngày công trình chính thức vận hành thương mại (hôm 22/12). Trong cuộc phỏng vấn nhiều giờ với Tri Thức - Znews, ông say sưa kể về những cột mốc và câu chuyện đặc biệt trong hành trình này. Mọi thứ hiện lên như một buổi triển lãm bằng hình ảnh và ký ức. Những câu chuyện qua lời kể của ông chi tiết đến từng con số, sống động trong từng hình ảnh và được đặt để nhiều cảm xúc.
Công trình metro Bến Thành - Suối Tiên đã hoàn tất và sẽ chạy thương mại vào ngày 22/12. |
Chữ tiếng Việt trên đoàn tàu chuẩn quốc tế
Tôi là Minh Hòa, nhiếp ảnh gia tại TP.HCM. Ngoài những bộ ảnh chụp thương mại, tôi còn dành nhiều thời gian chụp công trình lịch sử, nghệ thuật và văn hóa. Và một trong những dự án tôi dồn hết tâm huyết là bộ ảnh ghi lại hành trình 5 năm xây dựng cuối cùng hay có thể gọi là "chặng về đích" của tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên.
Câu chuyện bắt đầu từ giữa năm 2020, chị Đinh Thanh Thủy, Giám đốc Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM nhắn tin mời tôi tham gia dự án sách ảnh về hành trình xây dựng tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên.
Ga Bến Thành là một trong ba ga ngầm của metro Bến Thành - Suối Tiên, sâu khoảng 32 m. |
“Thật hữu duyên”, tôi nghĩ thầm khi vừa đọc tin nhắn của chị Thủy. Tôi sinh ra ở TP.HCM và có 10 năm làm ở Công ty Dịch vụ du lịch Đường sắt Sài Gòn (từ năm 1984 đến 1994). Nay lại có cơ hội chụp và kể về đường sắt metro đầu tiên tại TP.HCM.
Sau buổi cà phê cùng chị Thuỷ và trưởng ban biên tập Nhà xuất bản Tổng Hợp, trên đường về, tôi đắn đo mãi: “Tham gia hay không?”. Nếu nhận lời tôi sẽ mất rất nhiều thời gian, sẽ ảnh hưởng công việc chính là nhiếp ảnh thương mại. Lúc đó cũng chưa biết khi nào dự án sẽ hoàn thành.
9 cầu vượt bộ hành kết nối các nhà ga thuộc tuyến metro số 1 đã hoàn thành vào tháng 9/2024. |
Sau một đêm suy nghĩ, tôi quyết định tham gia vì muốn ghi lại những công đoạn, cột mốc quan trọng, hình ảnh những người con viết nên câu chuyện lịch sử tuyến metro ngầm đầu tiên của Việt Nam.
Hành trình dài gần 5 năm bắt đầu. Trong thời gian này, tôi chưa từng hối hận. Quyết định tham gia dự án giúp tôi có dịp chứng kiến nhiều cột mốc quan trọng của “siêu dự án”. Tôi chụp nhiều bức ảnh đáng nhớ, từ những đêm đổ bê tông cho đường ray ngầm, ngày toa tàu điện đầu tiên cập bến TP.HCM cho đến lớp học dành cho nhân viên, lái tàu metro.
Đến nay, khi tuyến tàu điện đầu tiên của TP.HCM vận hành thương mại, lòng tôi vẫn lâng lâng khó tả, nhất là khi nhìn thấy dòng chữ tiếng Việt xuất hiện trên toa tàu chuẩn quốc tế.
Giếng trời lấy sáng (Toplight) của nhà ga Bến Thành có chức năng cung cấp ánh sáng cho khu vực phía dưới và tạo nên không gian mở. |
Những đêm trắng dưới lòng đất
Yêu cầu an toàn ở công trình cực kỳ nghiêm ngặt. Mỗi khi đến chụp ảnh, tôi phải đội nón bảo hiểm, mặc áo bảo hộ phản quang và đeo đai có dây an toàn. Một thành viên của ban an toàn công trình luôn theo sát tôi để tránh rủi ro. Dù phải kìm hãm “máu nghề” đôi chút, tôi vẫn có những bức ảnh đáng nhớ về công trình 17 năm.
Công nhân, kỹ sư metro phải làm việc xuyên đêm dưới lòng đất 32 m để đổ bê tông vì xe trộn không được vào trung tâm TP.HCM ban ngày. |
Đêm 19/9/2020, công nhân, kỹ sư metro đổ bê tông xuyên đêm cho đường ray ngầm vì xe trộn bê tông không được vào trung tâm TP.HCM ban ngày. 2 ngày liền, tôi thức trắng để có thể ghi lại đêm làm việc dưới lòng đất sâu 32 m.
Đêm tháng 9 dưới lòng đất, không khí nóng như đổ lửa. Những người ở công trình phải mặc áo bảo hộ nên ai cũng nhễ nhại mồ hôi. Leo xuống công trình, quan sát thật lâu và thấy mình bơ vơ giữa những khối cốt thép khổng lồ, tôi mới thấy nể hàng trăm kỹ sư, công nhân đang thực hiện ước mơ của người dân TP.HCM sau hơn một thập kỷ. Họ là người hùng thầm lặng của tuyến metro, làm việc trắng đêm với cường độ cao để hoàn thành trước trời sáng.
Ảnh trực diện một trong ba toa tàu metro cập cảng Sài Gòn vào ngày 8/10/2020 trên tàu Bayani. |
Ngày 8/10/2020, toa tàu nặng 36,3 tấn được chở về TP.HCM trên con tàu Bayani. Buổi cập cảng hôm đó có nhiều phóng viên báo chí lẫn nhiếp ảnh gia ở thành phố.
Song, tôi may mắn hơn khi được cảng vụ cho phép lên boong tàu để chụp ba toa tàu đầu tiên. Nhìn từ lan can, ba toa tàu dài 20,75 m, rộng 2,95 m bé xíu trong lòng tàu chở hàng khổng lồ. Tôi chụp chính diện toa tàu đang được cần cẩu nhấc lên với cảm xúc vui mừng khó tả.
Depot Long Bình là trung tâm điều khiển, bãi đỗ tàu, trạm vệ sinh, bảo dưỡng, sửa chữa tàu của tuyến metro số 1 đến năm 2040. |
2 ngày sau, tôi đến chụp ảnh tại Depot Long Bình (TP Thủ Đức, TP.HCM), nơi bảo dưỡng những con tàu của tuyến metro sau này. 3 toa tàu đầu tiên đã đến đây bằng xe siêu trường siêu trọng. Ngày 10/10/2020, tàu sẽ được lắp vào đường ray. Theo lý thuyết, chúng sẽ ở đấy cho đến ngày dừng hoạt động.
Để đưa tàu vào đúng khớp, các kỹ sư phải dùng 2 cần cẩu tải trọng 450 và 250 tấn. Tàu phải vừa khít với rãnh, không được sai lệch. Tôi bắt khoảnh khắc toa tàu điện cách đường ray vài cm, như thể sắp chạm vào, sắp tạo ra cột mốc lịch sử trong ngành đường sắt TP.HCM. Đây là bức ảnh mà tôi thích nhất và đặt tên “Cú chạm đường ray lịch sử”.
Bức ảnh "Cú chạm đường ray lịch sử" khi toa tàu điện đầu tiên sắp chạm vào đường ray. |
“Chàng trai trẻ” dần lộ diện
Sau “cú chạm”, tiến độ công trình metro ngày càng nhanh. Những sự kiện thi công hệ thống cấp điện, hoàn thành tầng ngầm B1, đổ bê tông sàn đỉnh ở nhà ga trung tâm… cũng diễn ra. Bất ngờ, dịch Covid-19 ập đến, tôi không được đến công trường vì lệnh giãn cách xã hội.
Phải đến cuối tháng 10/2021, tình hình tạm ổn, tôi mới đến thăm lại “người bạn thân quý”. Sau 5 tháng, mọi thứ thay đổi hẳn. Phần đổ bê tông gần như hoàn tất, công trường sạch sẽ và dáng dấp của một nhà ga dần hoàn thiện. “Chàng trai trẻ” metro Bến Thành - Suối Tiên sắp lộ diện, trở thành một trong những biểu tượng của thành phố. Nhiều bức ảnh quý giá cũng được tôi thực hiện trong giai đoạn sau này.
Rào chắn ở đường Lê Lợi và trước chợ Bến Thành được tháo dỡ sau nhiều năm tồn tại. |
Từ tháng 10/2016, một phần đường Lê Lợi (đoạn từ đường Pasteur đến Nam kỳ Khởi Nghĩa) phải tạm nghỉ để nhường chỗ cho công trình metro. Ngày 27/4/2022, rào chắn ở đây được dẹp bỏ, trả lại không gian thoáng đãng cho con đường nổi tiếng sầm uất. Tôi cố ý đến trước 1 ngày để ghi lại cảnh công nhân dỡ từng tấm tôn và niềm vui của người dân khi “nhà hẻm” trở về “mặt tiền”.
Tháng 8 cùng năm, rào chắn trước chợ Bến Thành cũng được dỡ bỏ. Tôi vội vã xách máy chạy sang ngay khi vừa được báo tin. Những tấm tôn biến mất không chỉ trả lại vẻ đẹp đang ngủ yên cho ngôi chợ biểu tượng của TP.HCM mà còn cho thấy công trình metro số 1 đã đến giai đoạn cuối cùng.
Những tấm tôn trước chợ Bến Thành được tháo dỡ vào ngày 27/8/2022, trả lại vẻ đẹp vốn có cho ngôi chợ biểu tượng của thành phố. |
Bức ảnh tôi thích trong dịp này là cảnh công nhân dùng mũi hàn xì bỏ mối hàn kết nối tấm tôn cuối cùng đang chắn trước chợ. Tôi ghi chú lại, lúc đó là 10h16 ngày 27/8/2022. Từ giây phút này, một công trình lớn của thành phố được lấy lại nét đẹp, một “chàng trai trẻ” khác sắp lộ diện.
Một ảnh đáng giá khác tôi chụp là cảnh đoàn tàu cuối cùng thứ 17 đi ngang tượng Đức thánh Trần Hưng Đạo. Theo kế hoạch, đoàn xe siêu trường siêu trọng chở các toa tàu đi ngang tượng lúc 0h. Tôi đến hiện trường lúc 23h30, tính toán và canh sẵn góc máy.
Khoảnh khắc toa tàu metro thứ 17 đi ngang tượng Đức thánh Trần Hưng Đạo. |
Nữ lái tàu metro số 1
Không chỉ ghi lại công trường bê tông cốt thép, cảnh lắp đường ray, kéo dây điện… tôi còn “bắt” được yếu tố không thể thiếu trong khâu vận hành của siêu dự án metro: Con người. Ý tưởng này chợt lóe trong đầu tôi vào một ngày tháng 10/2023. Lập tức, tôi liên hệ với Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR) để xin “đột kích” vào trường Cao đẳng Đường sắt phía nam, nơi liên doanh NJPT Nhật mượn cơ sở đào tạo lý thuyết chuyển giao công nghệ.
Liên doanh NJPT Nhật tổ chức lớp học lý thuyết chuyển giao công nghệ cho nhân viên metro tại Trường Cao đẳng đường sắt phía nam. |
Tháng 10/2023, tôi có dịp chụp ảnh ở lớp Lái tàu, Quản lý nhà ga, Điều độ và Nhân viên ga phụ trách an toàn. Điều bất ngờ là 4 lớp có đến 3 nữ lớp trưởng. Đặc biệt có Phạm Thị Thu Thảo, cô gái duy nhất giữa lớp học 57 học viên lớp Lái tàu metro. Thu Thảo cũng có điểm tốt nghiệp cao nhất lớp, 9,7/10 điểm.
“Động lực nào giúp em học lái tàu?”, tôi hỏi nhỏ Thu Thảo. “Đam mê anh ạ. Chỉ cần nghĩ đến sau này được khoác lên bộ trang phục lái tàu và đứng trong cabin điều khiển tàu điện đầu tiên của thành phố là cảm giác nó ‘sướng’ lắm anh. Cứ nghĩ đến cảnh đó thì mọi khó khăn đều bị đẩy lùi”, cô trả lời. Ở Thu Thảo, tôi nhìn thấy tinh thần nhiệt huyết và ngọn lửa đam mê cháy bỏng với nghề.
Phạm Thị Thu Thảo, cô gái duy nhất giữa lớp học 57 học viên lớp Lái tàu metro. |
Các lớp học lý thuyết diễn ra từ tháng 10 đến tháng 11/2023 với giáo viên đa phần là người Nhật. Học viên sẽ học về những kiến thức như lý thuyết về chế độ vận hành, tín hiệu, nguyên tắc an toàn khi lái tàu… Họ sẽ được đào tạo thực hành từ tháng 12/2023 đến hết tháng 4/2024.
Hàng loạt kỹ sư, từ người Nhật đến Việt Nam, luôn sẵn lòng chia sẻ cho tôi những kiến thức về kỹ thuật xây dựng, an toàn lao động và tiến độ thi công. Tôi học hỏi từ các kỹ sư nhiều đến nỗi các bạn trong MAUR nói đùa: “Anh giờ như kỹ sư, rành các công đoạn còn hơn tụi em”. Tương tự, chính các bạn trong MAUR cũng giúp tôi thấy như được “về nhà” mỗi lần đến công trình chụp ảnh.
Tuyến metro số 1 chính thức khai trương vào ngày 22/12 và dự kiến khánh thành sau Tết Nguyên đán. |
Metro số 1 khai trương vào ngày 22/12. Từ ngày công trình hoàn thiện, thầy trò tôi vẫn rong ruổi khắp nhà ga, sân ngầm ghi lại thời gian trước khi tuyến tàu điện ngầm đầu tiên của Việt Nam vận hành chính thức. Dự kiến, quyển sách ảnh của tôi và Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM ra mắt sớm nhất là sau lễ khánh thành metro.
Hành trình của tôi và metro vẫn chưa kết thúc. Bởi, TP.HCM còn làm hơn 355 km metro trong 10 năm tới. Và dù dự án hoàn thành toàn bộ, chắc chắn “thành phố mang tên Bác” sẽ không ngừng phát triển, có thêm không ít siêu dự án để chúng tôi kể lại thông qua lăng kính nhiếp ảnh.